Cửa hít BMW X5 kẹp tay khách hàng, hãng xe Đức phải bồi thường hơn 48 tỷ đồng
Hãng xe Đức bị tòa án tuyên đền bù khoản tiền lên tới 1,9 triệu USD tương đương hơn 48 tỷ đồng vì cửa hít một chiếc BMW X5 kẹp tay chủ nhân.
- 26-06-2024BMW M5 2024 ra mắt: Siêu sedan mạnh 717 mã lực nhưng điều nhiều người quan tâm là trọng lượng xe tăng lên vì lý do không ngờ tới này
- 25-06-2024Xem trước BMW 3-Series 2025 sắp ra mắt: Thiết kế lột xác hoàn toàn, HUD to kỷ lục, động cơ điện không dưới 300 mã lực
- 19-06-2024BMW X3 2025 ra mắt: Giá quy đổi từ hơn 1,2 tỷ đồng, thiết kế lột xác, màn hình cong khủng, động cơ mới mạnh hơn đấu GLC
Vụ việc xảy ra vào tháng 7/2016, anh Godwin Boateng, một kỹ sư phần mềm tự do, đã vô tình đặt tay lên cột cửa xe BMW X5 của mình khi cửa xe chỉ mới mở được khoảng 30cm. Cánh cửa sau đó đã tự động đóng lại, khiến ngón tay cái của anh bị kẹt và đứt lìa.
Mặc dù đã được phẫu thuật nối lại nhưng các bác sĩ không thể cứu vãn được ngón tay cái của anh Boateng. Anh đã ngay lập tức đệ đơn kiện BMW với số tiền bồi thường lên tới 3 triệu USD. Theo anh Boateng, vụ tai nạn đã khiến anh mất khả năng lao động và tổn thất khoảng 250.000 USD mỗi năm.
Phía BMW sau đó đã tiến hành kiểm tra chiếc xe X5 của anh Boateng và kết luận rằng không có bất kỳ lỗi kỹ thuật nào từ hệ thống cửa hít. Hãng xe Đức cho biết thêm, sách hướng dẫn sử dụng đã có cảnh báo rõ ràng về việc không được đặt tay hoặc bất kỳ bộ phận nào của cơ thể vào giữa cửa và khung xe khi cửa đang đóng. Đại diện BMW cũng khẳng định rằng: "Nguyên đơn [anh Boateng] đã được dạy từ nhỏ là không được đặt ngón tay hoặc bộ phận cơ thể vào giữa cửa và khung xe khi cửa đang đóng".
Tuy nhiên, trong đơn kiện của mình, anh Boateng lập luận rằng hệ thống cửa hít của BMW tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn so với cửa sổ, vốn được trang bị cảm biến để phát hiện vật cản. Anh cũng cáo buộc BMW đã biết về những lo ngại về tính an toàn của hệ thống cửa hít từ ít nhất là năm 2002 nhưng không có biện pháp khắc phục.
Vụ kiện bao gồm cả những mô tả chi tiết về chấn thương của anh Boateng, trong đó nêu rõ cánh cửa đã "đóng sập vào phần thịt, dây thần kinh, mạch máu, gân, cơ và cấu trúc xương của ngón tay cái bên phải của Boateng".
Sau khi xem xét các bằng chứng và lời khai từ hai bên, bồi thẩm đoàn đã quyết định xử BMW phải bồi thường 1,9 triệu USD cho anh Boateng. Mặc dù BMW không bị kết tội sản xuất cửa xe bị lỗi, nhưng bồi thẩm đoàn kết luận hãng xe Đức phải chịu 100% trách nhiệm cho thương tích của anh Boateng. Hiện chưa rõ liệu BMW có kháng cáo bản án hay không.
Phía BMW vẫn khẳng định không có bất kỳ lỗi nào trong thiết kế của chiếc xe cũng như hệ thống cửa hít. Liệu điều này có đồng nghĩa với việc hãng sẽ thay đổi thiết kế trong tương lai để đặt sự an toàn của người dùng lên hàng đầu hay không, chúng ta vẫn cần thêm thời gian để có câu trả lời.
Đời sống và Pháp luật