Cua hoàng đế, tôm hùm ngoại đắt hàng
Bay nửa vòng trái đất để về Việt Nam, giá tôm hùm Mỹ, Canada,… vẫn còn khá mềm để phục vụ người tiêu dùng muốn ăn sang nhưng chưa đủ tiền để mua hàng Việt
- 19-09-2018Cua hoàng đế Mỹ sẽ 'tấn công' thị trường Việt
- 09-05-2018Bắt cua hoàng đế Alaska nguy hiểm chết người nhưng còn 1 việc đáng sợ không kém: quay phim... nghề đánh bắt đó!
- 11-01-2018Cua hoàng đế chỉ ăn được chân thôi mà tại sao đắt đỏ đến thế?
Thời gian gần đây, Việt Nam trở thành thị trường mới nổi của các nước Mỹ, Canada, Hàn Quốc, Na Uy… trong phân khúc hải sản cao cấp như: tôm hùm, bào ngư, cua hoàng đế, cua Alaska, cá hồi. Tại TP HCM, người tiêu dùng có thể dễ dàng mua tôm hùm Mỹ, Canada hay cua hoàng đế Canada còn sống hoặc thưởng thức ở các nhà hàng, quán ăn.
Quán nhỏ cũng bán tôm hùm
Thường hay tổ chức tiệc hải sản tại nhà, chị Lan Phương (ngụ quận 7, TP HCM) cho biết gần đây, hay mua thêm tôm hùm cùng với ghẹ, mực, bạch tuộc nhập khẩu làm nguyên liệu chính. "Nói thật, tôi là dân biển nhưng trước đây ít khi được ăn các loại hải sản cao cấp vì giá cao quá. Nay mới có điều kiện ăn tôm hùm, cua hoàng đế nhưng lại là hàng ngoại. Nếu chấp nhận tôm hùm đông lạnh giá chỉ 200.000 đồng/kg, chịu chi mua loại còn sống giá 900.000 đồng/kg, nếu gặp lúc cửa hàng có tôm "ngộp", về chế biến ăn ngay vẫn ngon mà giá chỉ 450.000 đồng/kg. Còn nếu mua tôm hùm nuôi trong nước, giá lên tới bạc triệu" - chị Phương rành rọt.
Những con tôm khổng lồ nhập khẩu từ Mỹ, Canada gần đây không còn lạ lẫm với người tiêu dùng Việt
Theo khảo sát của phóng viên, hiện có rất nhiều đầu mối bán hải sản cao cấp nhập khẩu ở TP HCM. Tại một cửa hàng hải sản trên đường Nguyễn Văn Đậu (quận Bình Thạnh), tôm hùm sống Canada có giá 900.000 đồng/kg (loại 1-4 kg/con), tôm hùm sống Úc (1-3 kg/con) giá 2,2 triệu đồng/kg trong khi tôm hùm bông (từ Phú Yên, Côn Đảo, Nha Trang) cùng kích cỡ có giá lên đến 2,5-3,5 triệu đồng/kg. Mới đây, thị trường còn xuất hiện bào ngư Hàn Quốc loại còn sống với giá 1,6 triệu đồng/kg (từ 10-12 con), cua hoàng đế Canada sống giá 2,1 triệu đồng/kg (mỗi kg từ 1-4 con), trong khi trước đó chỉ có hàng đông lạnh với giá chưa tới 1 triệu đồng/kg.
Ông Trần Văn Trường, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Quốc tế hải sản Hoàng Gia (TP HCM), cho biết nhu cầu trong nước đối với các mặt hàng hải sản thượng hạng ngày càng tăng, khoảng 2 con số mỗi năm nhưng nguồn cung trong nước cạn kiệt nên các doanh nghiệp (DN) phải tìm kiếm nguồn nhập khẩu. "Với tôm hùm Mỹ, Canada, vận chuyển bằng đường hàng không, thuế nhập khẩu 10% nhưng về Việt Nam giá tối đa chỉ bằng 50% hàng trong nước, chất lượng lại không chênh lệch nhiều nên rất dễ bán" - ông Trường so sánh.
Theo ông Trường, sau tôm hùm, công ty còn nhập khẩu cua hoàng đế Canada và bào ngư Hàn Quốc, sắp tới là sò điệp Nhật Bản.
Trong chuyến làm việc tại Việt Nam mới đây, các nhà xuất khẩu hải sản Mỹ nhìn nhận Việt Nam là thị trường lớn thứ 9 của Mỹ nên mong muốn các loại hải sản cao cấp của họ trở thành thói quen tiêu dùng của người Việt Nam. Ông Steve Nguyễn, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Calisa (TP HCM) chuyên nhập khẩu tôm hùm Mỹ, nhận xét thị trường tiêu thụ mặt hàng này khá rộng, từ nhà hàng, khách sạn, khách lẻ đến cung cấp cho thị trường Campuchia. "Gần đây, một số quán ốc nhỏ cũng bắt đầu lấy tôm hùm về bán cho khách nhưng chủ yếu là tôm cỡ nhỏ vì giá khá mềm, phù hợp với phân khúc người tiêu dùng ở đây" - ông Steve tiết lộ.
Tôm hùm Việt vẫn ngon nhất
Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food, nhận định xu hướng của người tiêu dùng Việt hiện nay là thích sản phẩm mới, lạ. "Họ có nhiều tiền hơn nên có khả năng chi trả cho những món ngon và sang hơn trước. Tại Sài Gòn Food, bên cạnh các dòng thủy sản nhập khẩu truyền thống như: cá hồi, cá sapa, cá trứng, gần đây chúng tôi nhập thêm nhiều dòng mới để phục vụ nhu cầu này" - bà Lâm dẫn chứng.
Theo chuyên gia ẩm thực Võ Quốc, đối với tôm hùm thì chất lượng nguyên liệu Việt Nam vẫn là số 1, nguồn nhập khẩu không thể sánh bằng. Do đó, tôm hùm Việt Nam có mặt bằng giá cao không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu. "Tuy vậy, tôm hùm Việt Nam ngoài nguồn đánh bắt tự nhiên còn có loại nuôi nên có một số rủi ro về mất an toàn. Còn nguồn hàng nhập khẩu, chủ yếu là tôm hùm thiên nhiên ở biển lạnh, tuy không ngon bằng nhưng an toàn và giá rẻ. Ở một số nước, tôm hùm không phải là mặt hàng xa xỉ. Như ở Nam Phi, tôm hùm rất nhiều, giá quy ra tiền Việt chỉ khoảng 40.000 đồng/kg, rẻ đến không thể tưởng tượng nổi đối với người Việt" - anh Quốc chia sẻ.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc liệu nguồn hải sản nhập khẩu có gây khó khăn cho sản xuất trong nước hay không, ông Trần Văn Trường cho rằng nên nhìn vấn đề theo hướng tích cực.
Theo ông Trường, nguồn hải sản của Việt Nam đang cạn kiệt do khai thác quá mức. Không chỉ tôm hùm mà ghẹ, tôm tít từ thiên nhiên còn rất ít. Vài năm trước, ghẹ chỉ 100.000 - 200.000 đồng/kg nhưng nay có những thời điểm lên đến 500.000 - 700.000 đồng/kg. Tôm tít Việt Nam chỉ còn loại nhỏ xíu, loại 2-3 con/kg gần như không còn, trong khi hàng nhập rất nhiều. "Cần phải thực thi việc bảo vệ nguồn lợi hải sản để có nguồn dồi dào trở lại. Ở các nước, nếu bắt tôm hùm dưới 1 pound (hơn 0,45 kg) phải thả xuống biển, với cua hoàng đế chỉ được bắt cua đực. Còn với tôm hùm, hiện nay chúng ta vẫn chưa chủ động được con giống nên giá thành cao, cần nhanh chóng cải thiện để cạnh tranh" - ông Trường thẳng thắn.
Hải quan