MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cục diện kinh tế toàn cầu sau chiến tranh thương mại - Kỳ 2: “Vũ khí” của Mỹ trong cuộc chiến thương mại toàn cầu

18-10-2018 - 08:00 AM | Doanh nghiệp

Ở kỳ 1 - “Mỹ đã sẵn sàng chấp nhận rủi ro cho cuộc chiến lớn?”, Công ty Chứng khoán Công thương chỉ ra rằng người Mỹ đã sẵn sàng hy sinh cho một cuộc chiến không khoan nhượng đối với Trung Quốc để bảo vệ vị thế của mình.

Trong kỳ này, tác giả tiếp tục đưa ra dự báo về những biện pháp toàn diện tiếp theo mà Mỹ sẽ áp dụng để buộc Trung Quốc phải nhượng bộ.

Xem lại kỳ 1.

Dự báo các biện pháp mà Mỹ sẽ sử dụng

Mỹ và đồng minh từng mất 70 năm để làm suy yếu Liên Xô với nhiều lần gây áp lực lên thương mại, kết hợp kích động nội chiến và gây áp lực tại các nước phía tây và phía nam của khối này. Ngày nay, để đối phó với một Trung Quốc đã lớn mạnh, nhiều khả năng Mỹ cũng sẽ phải thực hiện kết hợp nhiều biện pháp về cả kinh tế, chính trị và quân sự thì mới có thể đạt được mục đích của mình.

Từ những ví dụ của ZTE hay việc đưa tin máy chủ của doanh nghiệp Mỹ bị gắn chip theo dõi ở Trung Quốc, Mỹ đã phần nào tạo dựng được mối lo ngại về sự nguy hiểm nếu như để Trung Quốc vươn lên làm chủ các công nghệ cốt lõi của thời đại. Nếu như Mỹ thành công trong việc thuyết phục chính phủ các nước khác can thiệp hạn chế việc mua hàng công nghệ cao của Trung Quốc thì đây sẽ là một đòn đánh rất mạnh nhắm vào chiến lược phát triển của nước này, giúp tạo thời gian để doanh nghiệp Mỹ đi trước trong các công nghệ trọng yếu.

Mối quan hệ giữa Mỹ và các nước láng giềng của Trung Quốc như Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan,.. dần trở nên tốt hơn và sự hiện diện quân sự của Mỹ tại các nước này cũng như tại biển Đông đã nhiều hơn trước. Nếu Mỹ đẩy mạnh sự hiện diện về quân sự, có thêm các động thái đẩy căng thẳng lên cao thì Trung Quốc sẽ buộc phải đầu tư những khoản tốn kém hơn và dành nhiều thời gian hơn cho Quốc Phòng. Đây cũng là sai lầm Liên Xô đã mắc phải khi quá lãng phí tài nguyên vào quân sự mà không chú trọng phát triển khối dân sự.

Mỹ cũng có thể sử dụng dầu mỏ như một vũ khí để đối đầu với Trung Quốc. Mặc dù chưa tự chủ được hoàn toàn nhưng Mỹ là nước khai thác được dầu mỏ, trong khi Trung Quốc lại phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài. Dầu mỏ cũng là mặt hàng thiết yếu mà Trung Quốc phải nhập khẩu nhiều nhất và là điểm yếu nhất trong chuỗi giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu của nước này với giá trị đạt 138 tỷ USD năm 2016, tương đương 11.2% tổng lượng nhập khẩu hàng hóa. Nếu giá dầu giữ được ở mức cao hay thậm chí các hoạt động xuất khẩu dầu tới Trung Quốc gặp khó khăn hơn thì sẽ góp phần đẩy chi phí của doanh nghiệp nước này tăng cao.

Ngoài ra, Mỹ đã và đang tìm cách để thay đổi một số điều khoản trong các hiệp định thương mại với các nước khác như tỷ lệ nội địa hóa hoặc thêm các điều khoản mới nhắm tới Trung Quốc. Mới đây, thỏa thuận Mỹ - Canada – Mexico (USMCA) được ký kết thành công với điều khoản về nền kinh tế “phi thị trường” mà ở đây đích nhắm đến chính là Trung Quốc. Hiệp định thương mại giữa Mỹ và Hàn Quốc được đàm phán thành công với sự nhượng bộ từ phía Hàn Quốc tạo tiền đề cho các cuộc đàm phán với các nước khác.

Chiến lược “Bẫy nợ” của Trung Quốc cũng là mục tiêu mà Mỹ phải nhắm tới. Trung Quốc đã và đang làm theo những gì mà Mỹ đã làm trong quá khứ nhằm gây ảnh hưởng đến các nước nhỏ có nắm giữ tài nguyên, cảng biển hay đơn giản hơn là tìm kiếm sự ủng hộ trên trường quốc tế. Tất nhiên Mỹ không muốn điều đó xảy ra và phía Mỹ đã và đang tăng cường khuếch đại tác hại của việc vay vốn từ Trung Quốc như đã đề cập đến trường hợp của Sri Lanka trong bài phát biểu của Pence. Chính quyền Trump cũng đang xem xét dự thảo luật “BUILD Act”, một hình thức hỗ trợ tới các nước trong tầm ngắm của Trung Quốc để ngăn chặn tình trạng này.

Dài hạn hơn, Mỹ có thể kêu gọi thêm đồng minh của mình thành lập Ủy ban điều phối kiểm soát xuất khẩu như cách họ đã đối phó với Liên Xô, mục đích là để gây áp lực đến những hàng hóa nhập khẩu mà Trung Quốc cần cũng như hạn chế xuất khẩu máy móc, công nghệ tới nước này, dần dần khiến cho Trung Quốc trở nên lạc hậu hơn so với thế giới.

Một điểm yếu khác của nền kinh tế Trung Quốc là nợ, tình hình lãi suất thấp kéo dài, các gói hỗ trợ của chính phủ đã khiến tỷ lệ tín dụng ngân hàng/GDP của Trung Quốc tăng từ 101% năm 2008 lên 156% năm 2017, đồng thời nợ chính phủ/GDP cũng tăng từ 34.3% năm 2012 lên 47.6% năm 2017. Có thể thấy rằng nền kinh tế Trung Quốc đang phải phụ thuộc nhiều hơn vào tín dụng và các chính sách kích thích của chính phủ để tăng trưởng, thị trường bất động sản cũng đã có dấu hiệu của bong bóng.

Nếu như Mỹ có thể tác động đến lạm phát của Trung Quốc và qua đó làm tăng lãi suất thì nền kinh tế nước này sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Tuy nhiên để làm được điều này thì Mỹ phải thực hiện được một loạt biện pháp áp đặt về thương mại như đã kể trên.

Cuối cùng, đã và đang có thông tin về việc Mỹ xem xét cấm sinh viên Trung Quốc theo học tại các trường đại học của Mỹ, cộng thêm với gói đánh thuế cuối cùng tập trung vào các hàng hóa sử dụng nhiều lao động thì sự xáo trộn gây ra cho xã hội Trung Quốc sẽ là rất lớn.

Cuộc chiến sẽ diễn ra trong bao lâu?

Liệu Trung Quốc hay chủ tịch Tập Cận Bình có dễ dàng từ bỏ con đường họ đang theo đuổi nhiều thập kỷ qua và thực hiện các chính sách dân chủ, tự do mà phương tây mong muốn? Đó hoàn toàn không phải là cách mà các nước sử dụng để ngoại giao với nhau. Chúng tôi cho rằng Mỹ có thể sẽ phải mất tới 20 năm thậm chí là 50 năm mới có thể khiến cho quan điểm của các thế hệ người Trung Quốc sau này thay đổi cho dù đó là tương lai không chắc chắn.

Đã có nhiều cuộc chiến về thương mại giữa Liên Xô và phương tây trong lịch sử diễn ra suốt quá trình đế chế này còn tồn tại. Câu chuyện với Trung Quốc cũng sẽ không phải là ngoại lệ, vấn đề thuế quan có thể được giải quyết trong vài năm nhưng điều đó không có nghĩa là nó được giải quyết hoàn toàn. Chừng nào những mâu thuẫn gây ra sự thiếu công bằng chưa được giải quyết thì cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc cũng sẽ chưa dừng lại.

Chính quyền tổng thống Trump đã tuyên truyền khá nhiều về những hành động thiếu công bằng của Trung Quốc và đã khiến cho nhận thức của người dân Mỹ về cuộc chiến này thay đổi. Sự ủng hộ của người dân Mỹ sẽ là động lực để các đời tổng thống sau này của Mỹ tiếp tục làm những gì ông Trump đang làm.

Về phía Trung Quốc, có vẻ như chính quyền chủ tịch Tập Cận Bình đã học hỏi rất tốt từ những bài học lịch sử, nền kinh tế Trung Quốc hiện tại không bộc lộ nhiều điểm yếu như trường hợp của Liên Xô trước đây. Mỹ sẽ cần gây nhiều áp lực hơn để đẩy Trung Quốc buộc phải sử dụng công cụ tín dụng quá mức hoặc phát triển thiên lệch về quân sự, đây là câu chuyện của nhiều năm tiếp theo và khi đó những lỗ hổng của nền kinh tế này mới đủ lớn để khai thác. Trung Quốc sẽ đối phó với các biện pháp của Mỹ như thế nào – mời các bạn theo dõi kỳ 3: Con rồng Trung Quốc đáp trả.

Theo Trung tâm nghiên cứu Công ty chứng khoán Công Thương.

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên