MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cục Điện lực: 'Đang đề xuất mua điện áp mái với giá thấp hơn'

Cục Điện lực: 'Đang đề xuất mua điện áp mái với giá thấp hơn'

Trước thông tin EVN tạm dừng mua điện áp mái sau ngày 31/12/2020, Cục Điện lực và NLTT cho biết đơn vị này đang đề xuất trong thời gian tới vẫn mua điện theo giá cố định nhưng mức giá có thể sẽ thấp hơn; còn thấp hơn bao nhiêu thì chưa có con số cụ thể và cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có văn bản gửi các tổng công ty điện lực về việc dừng tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu về đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện từ các hệ thống điện mặt trời mái nhà phát triển sau ngày 31/12/2020. Theo đó, đối với các công trình điện mặt trời mái nhà phát triển sau mốc thời gian này, các đơn vị điện lực sẽ không ghi nhận điện năng phát lên lưới và không mua điện khi chưa có quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam sẽ hết hiệu lực sau ngày 31/12/2020, đến nay chưa có quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn thực hiện tiếp theo của Bộ Công Thương. Do vậy, kể từ 0h00 ngày 1/1/2021 trở đi, loại hình và giá mua bán điện đối với điện mặt trời mái nhà chưa được xác định.

Trong thời gian chờ hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, các tổng công ty điện lực/ công ty điện lực thuộc EVN sẽ chốt danh sách các hệ thống điện mặt trời mái nhà (đã hoàn thành lắp đặt toàn phần hoặc một phần hệ thống) vào vận hành thương mại đến thời điểm 24h00 ngày 31/12/2020.

Đối với các hệ thống điện mặt trời mái nhà vào vận hành một phần hệ thống đến thời điểm 24h00 ngày 31/12/2020, các công ty điện lực sẽ lập biên bản xác nhận với chủ đầu tư về quy mô công suất của phần hệ thống đã vào vận hành.

Các công ty điện lực sẽ dừng tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu về đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện từ các hệ thống điện mặt trời mái nhà phát triển sau ngày 31/12/2020 cho đến khi có hướng dẫn mới của cơ quan có thẩm quyền.

Đối với các công trình điện mặt trời mái nhà phát triển sau ngày 31/12/2020, các đơn vị điện lực sẽ không ghi nhận điện năng phát lên lưới và không mua điện khi chưa có Quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ.

Văn bản của EVN cũng yêu cầu các tổng công ty điện lực tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích khách hàng sử dụng điện lắp đặt điện mặt trời mái nhà với quy mô công suất phù hợp với mực độ sử dụng điện và chi phí đầu tư của khách hàng để có thể tự dùng hết lượng điện phát ra từ hệ thống điện mặt trời mái nhà nhằm giảm tiền điện tiêu thụ trong giờ cao điểm hoặc tiền điện có giá bậc cao.

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo nói gì?

Trao đổi với Nhadautu.vn ngày 25/12, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) xác nhận những dự án, công trình điện mặt trời mái nhà nào làm đúng hạn định là trong năm nay thì EVN vẫn sẽ mua điện; còn hoàn thành sau năm 2020 thì phải chờ cơ chế mới.

Cục Điện lực: Đang đề xuất mua điện áp mái với giá thấp hơn - Ảnh 1.

Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương. Ảnh: Tapchicongthuong.vn.

Về cơ chế mới, ông Dũng cho biết, Cục Điện lực và NLTT, Bộ Công Thương đang hoàn thiện. "Đây là việc khó, không phải dễ. Năm ngoái khi Quyết định 13 đưa ra cũng còn nhiều ý kiến trái chiều".

Trước băn khoăn, lo lắng của nhà đầu tư về việc, sau 1/1/2021 sẽ áp dụng cơ chế nào cho điện mặt trời mái nhà khi chưa có quyết định mới, ông Dũng cho rằng: "Khi chưa có quy định cụ thể mà người dân, doanh nghiệp cứ làm rồi "đón" chính sách sẽ rất mệt. Quyết định 13 đã quy định làm trong năm 2020 thì doanh nghiệp cứ làm trong 2020, đừng làm không đúng rồi lại lo lắng".

Theo ông Dũng, Cục Điện lực và NLTT cũng đang đề xuất trong thời gian tới vẫn mua điện mặt trời mái nhà theo giá cố định nhưng mức giá có thể sẽ thấp hơn. Còn thấp hơn bao nhiêu thì chưa có con số cụ thể và cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng.

Về khoảng trống chính sách khi Quyết định 13 hết hiệu vào cuối năm nay, ông Dũng chia sẻ, bản thân Cục Điện lực cũng chưa biết phải làm thế nào. Còn với nhà đầu tư ông Dũng đưa lời khuyên "chính sách tới đâu thì làm tới đó, không nên mạo hiểm, khi chưa có chính sách mới sẽ chịu rủi ro".

Trước thực trạng, có những doanh nghiệp vì nhiều lý do nên bị chậm tiến độ dự án không thể hoà lưới điện theo đúng kế hoạch nhằm hưởng ưu đãi về giá điện, vị lãnh đạo Bộ Công thương nhìn nhận: "Không phải là vô cảm nhưng văn bản ra là để cảnh báo cho nhà đầu tư. Doanh nghiệp, người dân không thể cứ nghĩ là chắc sẽ được gia hạn, sẽ được kéo dài khi chưa có quyết định mới nên cứ làm, rồi nhà nước sẽ xử lý. Điều này là không nên và không đúng".

Trả lời về cơ chế giá điện cho điện mặt trời mái nhà trong thời gian tới, ông Dũng khẳng định: "Điện mặt trời giá cả thay đổi rất nhanh nên chính sách không dài được. Một văn bản pháp luật xây dựng trong 6-7 tháng là chuyện bình thường, có khi văn bản vừa mới ban hành đã phải nghĩ ban hành cái mới vì nó không theo kịp thực tiễn".

"Bản thân chính sách về năng lượng tái tạo cũng không thể kéo dài 3-4 năm nếu áp dụng cơ chế giá cố định. Vì giá năng lượng giảm theo từng tháng, có quy định ban hành từ tháng 6 thì bây giờ đã lạc hậu. Rất có thể nếu cứ áp giá cố định thì mỗi năm sẽ phải ban hành 1 quyết định mới để áp giá mới. Còn nếu muốn có chính sách ổn định, dài hạn thì phải tính theo giá thị trường", ông Dũng bày tỏ quan điểm.

Lo ngại của nhà đầu tư

Đánh giá về quyết định của EVN khi dừng không ghi nhận điện năng phát lên lưới và không mua điện khi chưa có Quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 1/1/2021, trao đổi với Nhadautu.vn ông Lê Mạnh Linh, Chủ tịch HĐQT Amber Group cho rằng: Tập đoàn EVN đang làm đúng chức năng, nhiệm vụ, khi chưa có giá mới thì họ dừng mua điện để đảm bảo về mặt tài chính.

Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý của văn bản trên là trước đây, khi chính sách về giá ưu đãi theo Quyết định 13 hết thời điểm hiệu lực thì tập đoàn EVN vẫn sẽ tiếp tục mua điện, ghi nhận công suất điện phát ra. Chưa có giá mới thì áp giá tạm tính bằng khoảng 80-90% giá cũ, rồi sau khi có quy định giá mới sẽ cấn trừ nếu giá mua thấp hơn. Còn theo văn bản mới này EVN sẽ dừng hẳn không mua nữa để chờ quy định mới.

"Về mặt bản chất thì EVN không sai. Tuy nhiên, việc này sẽ tạo áp lực lên Chính phủ để chốt sớm phương án cho giai đoạn mới", ông Linh nói.

Chia sẻ thêm về thực tiễn phát triển điện mặt trời áp mái, ông Linh cho biết, đúng là có nhiều người dù biết quy định áp dụng đến 31/12/2020 nhưng họ vẫn kỳ vọng rằng cứ lắp, cứ sản xuất, cứ hoà lưới và khi nào có giá mới thì sẽ được trả lại tiền. Vì vậy, đến thời điểm hiện tại nếu EVN dừng mua sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới những người đã xây dựng xong rồi nhưng vì chậm tiến độ mà không thể kịp hoà lưới trước ngày 1/1/2021.

Trước lo ngại về khoảng trống chính sách khi quyết định cũ hết hiệu lực mà quyết định mới chưa ra, ông Linh nhận định đây là một "điểm gẫy". "Điều này gây ra tâm lý lo ngại, e sợ, làm cho nhà đầu tư tham gia cái gì cũng sợ, sợ rằng chính sách đang thực hiện thì bị dừng và rồi không có gì nữa".

"Bản thân chúng tôi đã từng kỳ vọng, tháng 9-10/2020 Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ họp để ra một chính sách mới thay thế khi Quyết định 13 hết hiệu lực, nhưng đến bây giờ vẫn chưa thấy gì. Nếu đến tận tháng 6-7/2021, Chỉnh phủ mới lại ban hành một quyết định mà giá điện không phù hợp thì sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp, người dân", ông Linh chia sẻ.

Đồng quan điểm ông Hoàng Mạnh Tân, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sơn Hà cho biết: "chính sách mà cứ giật cục thì doanh nghiệp rất mệt mỏi".

Cục Điện lực: Đang đề xuất mua điện áp mái với giá thấp hơn - Ảnh 2.

Ông Hoàng Mạnh Tân, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sơn Hà.

"Điều doanh nghiệp mong chờ nhất là tính liên tục, thống nhất của chính sách, dừng cái này phải có cái khác thay thế chứ không thể để khoảng trống chính sách. Với khoảng trống đó, doanh nghiệp biết hoạt động ra sao, lên kế hoạch thể nào. Điều này vừa gây khó doanh nghiệp, vừa khó cho EVN và các đối tác", ông Tân nói.

Theo ông Tân, Chính phủ đã có chủ trương khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch thì chính sách phải xuyên suốt, liên tục mới thu hút được nhà đầu tư bỏ công sức, nguồn lực. Còn như hiện tại, chính sách bỏ lửng chỉ tạo cơ hội cho những nhà đầu tư chộp giựt, cơ hội.

Đánh giá về tác động của việc EVN tạm dừng mua điện với các dự án hoàn thành sau 31/12/2020, ông Tân cho rằng: "Tác động sẽ rất lớn và ảnh hưởng tới nhiều bên, từ kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp, hộ dân, tới dòng tiền, nguồn vốn từ ngân hàng.... Cùng với đó là ảnh hưởng tới tâm lý của nhà đầu tư, sẽ thiên về đầu tư theo phong trào, mang tính chất đầu cơ nhiều hơn".

Đề xuất giải pháp và mong muốn từ phía doanh nghiệp, ông Tân cho rằng, khi chưa có quyết định thay thế Quyết định 13, Chính phủ nên gia hạn Quyết định 13 thêm từ 3-6 tháng và trong thời gian đó sẽ hoàn thiện quyết định mới thay thế.

"Việc xây dựng quyết định mới thay thế cũng phải có tính toán rất cụ thể, cân bằng lợi ích giữa các bên. Về mục tiêu, Chính phủ muốn xây dựng hệ thống điện thông minh, bền vững thì phải xác định cơ chế khuyến khích từ 10-20 năm, không thể cứ 1 năm, 6 tháng đã thay đổi thì rất khó tạo nền tảng cho doanh nghiệp nghiệp", ông Tân góp ý.

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết hiện đang phối hợp với các đơn vị tư vấn nghiên cứu các mô hình, quy mô và giá mua bán điện tương ứng cho từng loại hình điện mặt trời mái nhà và dự kiến trong quý 1/2021 sẽ báo cáo Bộ Công Thương xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích điện mặt trời mái nhà cho giai đoạn tiếp theo.

Theo N.Thoan

Theo Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên