MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Cực phẩm" mùa thu Hà Nội chứa đầy giá trị dinh dưỡng nhưng một số người lại được khuyến cáo không nên ăn

30-10-2019 - 17:06 PM | Sống

Cứ mỗi độ thu về, ngoài đặc sản cốm Hà Nội mềm dẻo thì chúng ta còn được nhâm nhi các món ăn từ rươi bổ béo. Tuy nhiên, rươi lại rất dễ nhiễm chất độc từ môi trường sống và hoàn toàn có thể trở thành vật trung gian làm lây truyền rất nhiều loại vi khuẩn gây bệnh.

Đã từ lâu, các món ăn về rươi được xem là "cực phẩm" trong tiết trời mùa thu hàng năm, đặc biệt là ở Hà Nội. Vì là thực phẩm theo mùa nên phải đợi tới trời thu, người ta mới có thể mang đến những món ăn từ rươi độc đáo như chả rươi vỏ quýt, rươi kho nồi đất, rươi nướng lá lốt, xôi bọc rươi chiên... thơm ngon, chuẩn vị.

Cực phẩm mùa thu Hà Nội chứa đầy giá trị dinh dưỡng nhưng một số người lại được khuyến cáo không nên ăn - Ảnh 1.
Cực phẩm mùa thu Hà Nội chứa đầy giá trị dinh dưỡng nhưng một số người lại được khuyến cáo không nên ăn - Ảnh 2.
Cực phẩm mùa thu Hà Nội chứa đầy giá trị dinh dưỡng nhưng một số người lại được khuyến cáo không nên ăn - Ảnh 3.

Rươi thuộc họ giun nhiều tơ, có khoảng 500 loài chia thành 42 chi. Môi trường sinh sống của rươi thường là ở các khu nước lợ hoặc các khu tiếp giáp giữa môi trường nước lợ và nước ngọt. Một số loài nhỏ khác thuộc họ rươi có thể sinh sống trong cả môi trường biển. Hình thù của rươi không khác con giun là mấy, thậm chí còn dễ gây sợ hãi hơn vì nó thường uốn lượn, ngoằn ngoèo với màu sắc khá "sinh động", đặc trưng của chúng. Nhiều người phải công nhận khi nhìn thấy cả đàn rươi nhung nhúc trong chậu cũng không tránh khỏi cảm giác nổi da gà, rùng mình.

Cực phẩm mùa thu Hà Nội chứa đầy giá trị dinh dưỡng nhưng một số người lại được khuyến cáo không nên ăn - Ảnh 4.

Dù đáng sợ là thế nhưng trong mỗi con rươi lại chứa đựng rất nhiều lợi ích sức khỏe nhờ giá trị dinh dưỡng vô cùng cao.

Giá trị dinh dưỡng tuyệt vời của rươi

Các chuyên gia nhận định, giá trị dinh dưỡng của rươi hoàn toàn không thua kém gì thịt bê non. Trong 100gr rươi thì có đến 12.4gr protid, 4.4gr lipid, 81.9gr nước, cung cấp cho cơ thể được 92 calo.

Bên cạnh đó, rươi còn chứa nhiều loại muối khoáng quan trọng với sức khỏe như canxi, phốt pho, sắt, kẽm...

Cực phẩm mùa thu Hà Nội chứa đầy giá trị dinh dưỡng nhưng một số người lại được khuyến cáo không nên ăn - Ảnh 5.

Rươi có độc không?

Chứa hàm lượng dinh dưỡng cao là vậy nhưng khi thưởng thức các món ăn từ rươi, bạn phải lưu ý rằng, rươi dù sao cũng là một loài thuộc họ giun, sống ở môi trường bùn cát, đáy nước nên khó có thể kiểm soát được những mầm mống gây hại có trong rươi trước khi mang đi sơ chế.

Rươi dễ nhiễm chất độc từ môi trường sống và hoàn toàn có thể trở thành vật trung gian truyền nhiều loại vi khuẩn gây bệnh như Salmonella, E.coli... gây ra các bệnh về đường ruột nguy hiểm nếu không sơ chế cẩn thận và chế biến đúng cách.

Chính vì lẽ đó, người ta mới kết hợp rươi cùng vỏ quýt để làm ra món chả rươi nức tiếng mùa thu. Một phần trong vỏ quýt chứa 3.8% tinh dầu, 9% hectozan cùng các chất khác như carotene, vitamin B1, B2 nên rất tốt trong việc phòng và chữa những bệnh liên quan đến tiêu hóa. Một phần khác là để tăng thêm hương vị thơm ngon trong món chả rươi "danh bất hư truyền" của thu Hà Nội.

Những người nào không nên ăn rươi?

Bạn cần phân biệt rõ rằng, đạm từ rươi khác với đạm trong các loại thịt như bò, lợn, gà nên việc ăn các loại thực phẩm chế biến từ rươi cũng cần hết sự chú ý. Một số đối tượng sau đây được khuyến cáo không nên thử các món ăn từ rươi:

- Những người có tiền sử dị ứng với hải sản.

- Những người đang mang thai: vì rươi dễ gây khó tiêu, đầy bụng nên ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe thai nhi.

- Trẻ nhỏ: do hệ tiêu hóa của trẻ em đang trong quá trình hoàn thiện, việc ăn rươi quá nhiều có thể gây ra những tác hại không đáng có.

Nếu chẳng may cơ thể không hấp thu được đạm rươi, nặng hơn còn gây ngộ độc, sốc phản vệ thì người ăn nên nhanh chóng tới bệnh viện hay các cơ sở y tế gần nhất để theo dõi và khám chữa trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không tự phỏng đoán và chữa bệnh theo kinh nghiệm tại nhà.

(Nguồn tham khảo: National Geographic, Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam, chia sẻ của Ths. BS Trần Thuấn, Khoa Đông y, Bệnh viện Xanh Pôn và TS. Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai).

Theo Gà

Helino

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên