MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cục trưởng Cục Viễn thông từng bị từ chối khi đăng ký thông tin thuê bao bằng chứng minh thư của mình

Đây là câu chuyện có thật được ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) chia sẻ khi nhắc đến tính cần thiết của Nghị định 49, yêu cầu người dân phải chụp ảnh khi đăng ký thông tin thuê bao di động.

Đa số thuê bao có thông tin không chính xác

Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết mặc dù Thông tư 04 được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) ban hành trước đây đã quy định phải bảo đảm chính xác thông tin đăng ký của thuê bao, nhưng đến nay lượng thuê bao có thông tin không chính xác vẫn chiếm đa số. Thậm chí, có người còn sử dụng chính thông tin cá nhân của ông Nguyễn Đức Trung để đăng ký cho thuê bao khác.

“Tôi đến nơi đăng ký và khai báo thông tin xong thì người ta bảo không cho đăng ký nữa bởi đã vượt quá số lượng rồi. Người ta đã dùng thông tin của tôi đăng ký cho người khác (một người chỉ được đăng ký tối đa 4 thuê bao di động với một nhà mạng – PV)” - ông Nguyễn Đức Trung chia sẻ.

Theo Cục trưởng Cục Viễn thông, việc đăng ký thông tin không chính xác đang gây nên nhiều hệ lụy khó lường. Giả sử xảy ra vi phạm pháp luật mà liên quan đến thuê bao đăng ký tên sai, người đứng tên đăng ký thuê bao sẽ phải chịu trách nhiệm cho những việc mà mình không làm hoặc ít nhất là gặp rất nhiều phiền phức không đáng có… Trong khi đó, Nhà nước cũng không thể biết ai là người phạm tội.

Bên cạnh đó còn có vấn đề tin nhắc rác, chống khủng bố... Vì thế, Nghị định 49 được ban hành nhằm thắt chặt hơn nữa các quy định và tăng mức phạt để buộc các nhà mạng phải làm nghiêm việc đăng ký thông tin thuê bao chính chủ.


Ảnh: Mai Lân. Đồ hoạ: Hương Xuân

Ảnh: Mai Lân. Đồ hoạ: Hương Xuân

Theo Cục Viễn thông, việc soạn thảo Nghị định 49 đã qua quá trình tham khảo cách làm ở các nước trên thế giới. Những nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Đức, Singapore đã có cơ sở dữ liệu công dân từ lâu nay và chỉ cần đối chiếu căn cước là thông tin thuê bao được bảo đảm chính xác. Những nước đang phát triển như Thái Lan, Bangladesh, Arab Saudi yêu cầu phải lấy dấu vân tay. Trong khi đó, Nigeria yêu cầu vừa lấy dấu vân tay, vừa chụp ảnh.

Không phải mọi chủ thuê bao đều cần chụp hình

Về yêu cầu chụp ảnh khi đăng ký thông tin thuê bao được quy định trong Nghị định 49, Cục trưởng Nguyễn Đức Trung giải thích, việc này không áp dụng với mọi chủ thuê bao. Đối với thuê bao trả sau, trả trước chuyển sang trả sau mà doanh nghiệp viễn thông xác định được thông tin chính xác thì khách hàng không cần chụp ảnh. Trong trường hợp thông tin thuê bao không chính xác thì người dân phải đăng ký lại như đối với thuê bao mới và phải chụp ảnh. Việc chụp ảnh khách hàng nhằm bảo đảm giao dịch là có thật và tránh việc dùng giấy Chứng minh nhân dân/căn cước công dân của người khác để đăng ký thông tin thuê bao.


Ảnh: Mai Lân. Đồ hoạ: Hương Xuân

Ảnh: Mai Lân. Đồ hoạ: Hương Xuân

Về lo ngại của người dân về vấn đề bảo mật thông tin cá nhân, ông Nguyễn Đức Trung cho rằng các chế tài hiện có rất rõ ràng và nhà mạng phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra chuyện này. Các nhà mạng phải có trách nhiệm giữ bí mật thông tin khách hàng. Khi để lộ lọt thông tin sẽ bị xử phạt từ 30-50 triệu đồng, nếu bán thông tin bị xử phạt từ 50-70 triệu đồng. Đây là những quy định đã có trong Luật An toàn thông tin mạng và Nghị định 174 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.

Trong tương lai, khi Bộ Công an, Bộ Tư pháp hoàn thành được cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư việc xác thực thông tin thuê bao có thể đơn giản hơn. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Trung, cơ sở dữ liệu này hiện chưa có, vì vậy ngành viễn thông vẫn phải tự tạo ra cơ sở dữ liệu chính xác cho lĩnh vực mình quản lý. “Vấn đề là mình không có cơ sở dữ liệu cho nên mình phải tìm mọi cách làm sao cho cơ sở dữ liệu của mình chính xác hơn” – ông Nguyễn Đức Trung nói.

Vương Diệu Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên