MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cung, cầu thanh long thế giới hiện nay ra sao?

06-12-2020 - 15:06 PM | Thị trường

Những năm gần đây, tiêu thụ thanh long ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới bởi sự thơm ngon và giàu dinh dưỡng, nhu cầu vì thế liên tục tăng qua hàng năm, nhưng cũng vì thế nhiều quốc gia đã và đang không ngừng mở rộng diện tích trồng loại quả này, nhất là Trung Quốc.

Cây thanh long hiện được trồng khá phổ biến ở khoảng 20 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc Châu Á, Trung Đông và Châu Mỹ, trong đó tập trung nhiều ở Châu Á – Thái Bình Dương, nhất là ở Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Trung Quốc đại lục, Đài Loan (Trung Quốc)…Trong đó, rất nhiều nơi đều có kế hoạch mở rộng diện tích trồng thanh long.

Hiện chưa có thống kê chính thức đầy đủ về lượng sản xuất và xuất khẩu thanh long hàng năm của thế giới. Vùng Trung Mỹ, Nicaragua sản xuất thanh long ruột đỏ xuất khẩu sang Mỹ, Canada, châu Âu và Nhật. Guatemala, El Salvador, Honduras, Costa Rica sản xuất thanh long quy mô nhỏ, trong sân vườn. Colombia sản xuất hàng đầu loại thanh long vàng. Ecuador sản xuất cả hai loại thanh long vàng và loại ruột đỏ. Israel cũng được xem là nơi sản xuất thanh long để xuất sang các nước châu Âu.

Ở khu vực Châu Á, Việt Nam đứng đầu về sản xuất thanh long với khoảng 50.000ha; đồng thời cũng là nước xuất khẩu thanh long lớn nhất thế giới, chiếm thị phần cao nhất ở châu Á, châu Âu và đôi khi là ở Mỹ. Tuy nhiên, năm nay do một số yếu tố, xuất khẩu thanh long trong 10 tháng đầu năm chỉ đạt 961,4 triệu USD, giảm 10,8% so với cùng kỳ năm 2019; riêng tháng 10 giảm 38,4% so với cùng tháng năm ngoái, chỉ đạt 62,9 triệu USD. Quả là chủng loại xuất khẩu chính trong cơ cấu hàng rau quả xuất khẩu của Việt Nam, trong đó quả thanh long là chủng loại xuất khẩu quả chủ lực.

Về những nước xuất khẩu thanh long khác, Thái Lan và Israel là những nhà xuất khẩu lớn thứ hai và thứ ba tại thị trường châu Âu. Tại thị trường Mỹ, Mexico và các nước Trung – Nam Mỹ là các đối thủ cạnh tranh lớn nhất đối với các nhà xuất khẩu thanh long từ châu Á do lợi thế địa lý. Thanh long Việt Nam từ lâu đã được người Mỹ gốc Á biết đến. Thanh long Thái Lan, Malaysia… đang cố gắng tìm kiếm thị phần tại thị trường này. Tại châu Á, Việt Nam là nhà xuất khẩu hàng đầu vào thị trường Trung Quốc đại lục, tuy nhiên xuất khẩu sang các thị trường như ASEAN, Hồng Kông vấp phải cạnh tranh ngày càng tăng từ các thị trường xuất khẩu khác như Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan và Malaysia.

Về thị trường tiêu thụ, nhu cầu thanh long thế giới hiện đang tăng trưởng khoảng 4%/năm, và dự báo xu hướng này sẽ còn tiếp diễn.

Châu Á là thị trường thanh long lớn nhất và dễ tiêu thụ nhất, đặc biệt là trong cộng đồng người Hoa, do niềm tin vào vận may do tên gọi, hình dáng và màu sắc của trái thanh long mang lại. Trung Quốc là nước tiêu thụ thanh long lớn nhất châu Á và cũng là lớn nhất thế giới hiện nay. Nhu cầu thanh long ở Indonesia, Singapore, Thái Lan và Philippines cũng tăng lên trong những năm gần đây. Một số quốc gia châu Á không chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa như Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng ngày càng quan tâm đến quả thanh long do những lợi ích sức khỏe mà thanh long mang lại. Đáng chú ý là người Nhật không thích trái thanh long to; họ coi trọng hương vị hơn kích thước.

Thị trường Trung Quốc

Nhu cầu thanh long ở Trung Quốc những năm gần đây không ngừng tăng nhờ những lợi ích tuyệt vời của thanh long cùng chế độ ăn uống của người dân thay đổi. Trung Quốc từ lâu đã trở thành thị trường xuất khẩu thanh long lớn của Việt Nam.

Do người dân Trung Quốc đặc biệt ưa chuộng thanh long, nên trong vài năm gần đây diện tích trồng thanh long nội địa của nước này đã tăng hơn 10 lần. Hiện nay diện tích trồng thanh long của Trung Quốc là khoảng 35.555 ha, tương đương với diện tích trồng thanh long của Việt Nam.

Quảng Tây là địa phương có diện tích trồng lớn nhất nước này với khoảng 20.000 ha cho 500.000 tấn trong năm 2020. Tiếp đến là các địa phương như Quảng Đông, Quý Châu, Hải Nam, Vân Nam, Phúc Kiến… Thanh long đã được một số địa phương như Quảng Tây, Hải Nam đưa vào danh mục trái cây trọng điểm phát triển trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 13, dự kiến diện tích gieo trồng và sản lượng thanh long nội địa Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trong một số năm tới đây.

Thanh long của Trung Quốc chủ yếu là thanh long ruột đỏ. Mùa vụ của thanh long Trung Quốc bước vào thu hoạch từ tháng 5 – 11. Trong khi đó, mùa chính vụ của Việt Nam bắt đầu từ tháng 4 – 8. Thời điểm thu hoạch giữa hai quốc gia không chênh lệch nhiều và ảnh hưởng không ít đến giá bán của thanh long Việt.

Thị trường Châu Âu

Châu Âu là thị trường nhập khẩu rau quả tươi hàng đầu thế giới và khá cởi mở với các sản phẩm mới. Vì vậy, mặc dù thanh long là một loại trái cây khá mới và chưa được quảng cáo rộng rãi, giá cao nhưng  rất có triển vọng và ngày càng thu hút được nhiều người tiêu dùng. Nếu giá thanh long bán tại Châu Âu có thể giảm xuống và việc bảo quản tốt cũng như độ ngon được cải thiện thì Châu Âu sẽ trở thành thị trường thanh long rất hấp dẫn.

Thị trường Mỹ

Thanh long là mặt hàng truyền thống đối với người tiêu dùng gốc Á nói chung và gốc Việt nói riêng ở Mỹ. Do cộng đồng người Á và Việt khá cao nên nhu cầu tiêu thụ thanh long tương đối lớn. Đối với các nhóm sắc tộc khác, thanh long vẫn là sản phẩm tương đối mới và chỉ được biết đến ở phân khúc của thị trường cấp cao. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết đây là thị trường sẽ phát triển nhanh và mạnh trong thời gian tới, bằng chứng là các chủ trang trại ở Florida và California đã bắt đầu tiến hành trồng thanh long để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ở thị trường Mỹ, thanh long vỏ vàng ruột trắng của Columbia hiện được đánh giá cao hàng đầu về hương vị và hình thức tại thị trường Mỹ, vì có độ ngọt và đậm đà nhất trong các giống thanh long. Giống thanh long này thời điểm chính vụ cũng ngược với các loại thanh long khác, thường vào tháng 11 đến tháng 2 hàng năm. Thanh long vỏ đỏ ruột trắng của Việt Nam, theo đánh giá trên các trang web của người tiêu dùng Mỹ, thường có kích cỡ to hơn các loại thanh long khác, hình thức đẹp và ấn tượng, nhưng vị nhạt, xốp chứ không giòn và ngọt như thanh long vỏ vàng nên không được ưa chuộng. Ngược lại, thanh long ruột đỏ của Việt Nam tuy không được đánh giá cao về hình thức, nhưng lại được đánh giá vượt trội về hương vị so với thanh long ruột đỏ khác.

Vốn được biết đến là một trong những thị trường khắt khe và nghiêm ngặt trong việc nhập khẩu thực phẩm, thị trường Mỹ đã chấp nhận thanh long nhập khẩu của Việt Nam từ ngày 20/8/2012. Hiện nay, thanh long được bày bán nhiều ở các khu chợ người Việt và rất được ưa chuộng.

Tham khảo: Globenewswire, freshplaza, tridge

Vũ Ngọc Diệp

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên