Cùng gánh khoản dư nợ lớn, Thế giới di động và Hòa Phát sẽ làm gì để ứng phó với lãi suất tăng?
Lãi suất huy động của các ngân hàng đã tăng trên 8%/năm với các kỳ hạn dài; thậm chí tới hơn 9% và còn cao hơn với các khoản huy động lớn. Lãi suất cho vay ra cũng đã được điều chỉnh tăng ở hầu hết các ngân hàng, đặt ra áp lực không hề nhỏ với các doanh nghiệp có vay nợ.
- 29-10-2022Công ty của vợ chồng ông Johnathan Hạnh Nguyễn xin dừng cấp giấy phép lập hãng hàng không
- 29-10-2022Coteccons lãi gần 2 tỷ trong 9T2022, dòng tiền kinh doanh âm 2.000 tỷ, đầu tư cổ phiếu TCB, FPT
- 29-10-2022Quý đầu tiên Vietnam Airlines có lãi gộp trở lại kể từ đầu năm 2020, doanh thu tiệm cận mức trước dịch
Có một sự thật là rất ít doanh nghiệp lớn không vay nợ (ở đây chỉ đề cập đến nợ vay ngân hàng). Doanh nghiệp vay nợ ngắn hạn tài trợ cho vốn lưu động (hàng tồn kho, khoản phải thu,..); vay nợ trung dài hạn tài trợ cho tài sản cố định (máy móc, thiết bị, nhà xưởng, phương tiện vận tải), đầu tư dự án.
Một "ông lớn" đại diện cho ngành không có tính chu kỳ như Công ty cổ phần Thế giới di động (MWG) hay một "ông lớn" đại diện cho ngành có tính chu kỳ sâu sắc như Công ty cổ phần tập đoàn Hòa Phát (Hòa Phát) cũng không ngoại lệ với vốn vay ngân hàng.
Ở điều kiện bình thường, đòn bảy tài chính, đúng như tên gọi của nó, sẽ giúp các doanh nghiệp nhanh chóng đạt được quy mô lớn hơn, kiếm về nhiều lợi nhuận hơn. Ngược lại, khi tình hình kinh tế vĩ mô không thuận lợi, dư nợ lại là thứ khiến các doanh nghiệp "đau đầu" tìm cách ứng phó.
Chẳng hạn như Hòa Phát, lãi suất vay của doanh nghiệp này đã bắt đầu tăng trong quý 3 khiến cho dù đã giảm dư nợ vay so với quý trước, chi phí lãi vay quý 3 vẫn tăng 17% từ 717 tỷ lên 837 tỷ đồng.
Hình ảnh minh họa
Việc đầu tiên mà các ông lớn phải làm để "đối phó" với tình hình lãi suất cho vay đang diễn biến theo chiều hướng tăng đó là giảm dư nợ. Nhưng, bằng cách nào?
Trong tài chính, giảm nợ vay ngắn hạn đồng nghĩa giảm bớt gánh nặng vốn lưu động, hay nói cách khác là giảm nhu cầu vốn lưu động cho sản xuất kinh doanh. Bằng cách đẩy nhanh vòng quay vốn lưu động thông qua giảm thời gian thu hồi các khoản phải thu (cho nợ ngắn hơn, thu hồi công nợ tích cực hơn), giảm thời gian dự trữ hàng tồn kho đồng thời tăng thời gian chiếm dụng vốn của nhà cung cấp (nếu có thể được).
Với Hòa Phát, khi thị trường tiêu thụ tốt vào năm 2021, doanh nghiệp thường xuyên duy trì tồn nguyên vật liệu ở mức an toàn với vòng quay hơn 3 tháng để luôn đảm bảo chắc chắn đủ nguồn đầu vào cho sản xuất.
Tuy nhiên trong điều kiện thị trường khó khăn, Hòa Phát chủ trương quản trị chặt chẽ hàng tồn kho để giảm bớt gánh nặng cho nhu cầu vốn lưu động và nợ vay ngắn hạn bằng cách kết hợp giữa việc nỗ lực tiêu thụ hàng để giảm lượng tồn thành phẩm, đồng thời rút ngắn thời gian tồn và giảm tỷ trọng tồn nguyên vật liệu.
Điều này còn có ý nghĩa quan trọng khi nguyên liệu đang trên đà giảm giá, chiến lược đẩy tốc độ vòng quay giúp Hòa Phát nhanh chóng trung bình giá (xuống) nguyên vật liệu để giảm giá thành sản xuất.
Hình ảnh minh họa. Nguồn: Hòa Phát
Mức tồn kho của Hòa Phát đã giảm mạnh từ hơn 58.317 tỷ đồng cuối quý II xuống còn 44.779 tỷ đồng vào cuối quý III, tương đương mức giảm 23%.
Độ dài vòng quay hàng tồn kho đã được rút ngắn đáng kể, từ 172 ngày xuống còn 126 ngày. Trong đó, vòng quay nguyên vật liệu giảm từ 102 xuống còn mức ngắn nhất 62 ngày, tỷ trọng nguyên vật liệu giảm xuống mức thấp nhất 49% so với các quý trước.
Với Thế giới di động , báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm có nêu các phương án cho những tháng cuối năm, trong đó viết " Kiểm soát chặt chẽ hàng tồn kho ở tất cả các chuỗi để đảm bảo phục vụ khách hàng đầy đủ trong dịp mua sắm cao điểm cuối năm nhưng không gây ra gánh nặng cho năm tới".
Đặc thù kinh doanh của MWG, nhu cầu thường tăng vào những tháng cuối năm. Làm sao để đảm bảo đủ hàng nhưng lại tối ưu về mặt chi phí tồn kho đặt ra một bài toán cần giải thật khéo léo.
Xin nói thêm, với nhiều mặt hàng của MWG được nhập khẩu, đây là giai đoạn tỷ giá USD/VNĐ đang rất cao, nên giá vốn hàng tồn kho giai đoạn này sẽ có đơn giá cao.
Thế giới di động. Nguồn ảnh: Báo đầu tư
Việc làm sống còn tiếp theo với các doanh nghiệp đó là bảo vệ dòng tiền .
Dòng tiền (Cash Flow) được hiểu là sự chuyển động tiền vào, ra của đồng tiền (tức là thu và chi) trong một doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh hay một dự án nào đó.
Ví dụ đơn giản, khi doanh nghiệp bán sản phẩm và nhận tiền về thì đó là dòng tiền vào. Ngược lại, khi thanh toán các khoản chi phí thì đó là dòng tiền ra.
Dòng tiền được ví như huyết mạch đối với một doanh nghiệp. Dòng tiền âm thường xuyên sẽ có thể "xóa sổ" một doanh nghiệp. Cha đẻ của quản trị hiện đại Peter Drucker đã nói “ Nhiều chủ doanh nghiệp khởi nghiệp cho rằng lợi nhuận là quan trọng nhất đối với mọi doanh nghiệp. Tuy nhiên, lợi nhuận chỉ ở vị trí thứ hai. Dòng tiền là quan trọng nhất”
Đối với doanh nghiệp đang vay nợ, dòng tiền càng mang tính chất sống còn. Dẫn lời một chuyên gia trong ngành tài chính, bà Phạm Minh Hương, chủ tịch HĐQT Công ty CP chứng khoán VNDIRECT (VND) " Chúng tôi hiểu được nguyên tắc của nợ phải là dòng tiền ".
Đây cũng là lý do tại sao khi phân tích DN theo mô hình 5C, thay vì chữ C truyền thống trong "Collateral - Thế chấp" như nhiều ngân hàng sử dụng, VND chọn chữ C trong "Cash Flow - Dòng tiền".
Quay trở lại câu chuyện của Thế giới di động. Doanh nghiệp đặt ra mục tiêu nỗ lực tăng trưởng dương trong năm 2022, nhưng trên hết vẫn là bảo vệ dòng tiền hoạt động. MWG cho biết, dòng tiền lành mạnh giúp họ trụ vững qua những năm thách thức, giúp công ty có dư địa và sự chủ động để tăng tốc ngay khi điều kiện kinh doanh thuận lợi và có cơ hội phát triển trong tương lai.
Một trong những biện pháp công ty đã thực hiện ngay từ quý 3 đó là cơ cấu vốn vay, một phần nợ ngắn hạn sang nợ dài hạn. MWG cũng cho biết, những khoản vay dài hạn đến hạn trả trong quý 4 đã được chuẩn bị sẵn nguồn tiền. Khoản vay dài hạn mới giải ngân cuối quý 3/2022 đến 2025 mới đáo hạn và có lãi suất tốt so với thị trường.
Một động thái nữa của MWG là tạm dừng mở mới tất cả các chuỗi (trừ những cửa hàng cho lợi nhuận ngay hoặc cửa hàng thử nghiệm). Điều này cũng góp phần không làm âm thêm dòng tiền hoạt động trong kỳ.
Thế giới di động - Nguồn ảnh: Nhịp cầu đầu tư
Với Hòa Phát , điều đáng ngại nhất không phải là lợi nhuận âm, mà đó là không bán được hàng khi cầu thép suy giảm.
Cho đến lúc này, khi nhìn vào số liệu, Hòa Phát vẫn đang duy trì lực bán hàng ổn so với thị trường chung. 9 tháng đầu năm, công ty tăng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng, thép cuộn cán nóng, ống thép so với cùng kỳ năm trước và tăng hơn so với thị trường chung.
Trong khi tổng sản lượng thép xây dựng của toàn ngành thép Việt Nam chỉ tăng 8% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng thép xây dựng của Hòa Phát vẫn tăng 24%.
Sản lượng HRC, ống thép của Hòa Phát vẫn tăng tương ứng 5% và 16% trong khi sản lượng thị trường cho hai loại sản phẩm này giảm tương ứng 12% và 4%.
Thị phần của Hòa Phát đã được mở rộng trong 6 tháng 2022 và vẫn tiếp tục duy trì trong Quý III ở mức 36% đối với thép xây dựng và 29% đối với ống thép.
Trong thời gian tới, doanh nghiệp có định hướng tập trung khai thác các thị trường khác ít bị ảnh hưởng hơn bởi lạm phát và suy thoái kinh tế như khu vực Đông Nam Á và một số nước khác ở Châu Á.
Việc giữ sản lượng tiêu thụ thực sự không đơn giản trong hoàn cảnh cầu thép suy giảm. Đây là một thử thách lớn mà chủ tịch Trần Đình Long và Ban điều hành của Tập đoàn phải đối mặt trong giai đoạn khó khăn này.
Ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Hòa Phát. Ảnh : Hòa Phát
Nhìn vào Báo cáo lưu chuyển tiền tệ 9 tháng đầu năm có thể thấy, dòng tiền (hợp nhất) từ hoạt động đầu tư của Hòa Phát âm 22.355 tỷ đồng. Dòng tiền đầu tư âm được bù đắp một phần bởi dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh dương 6.752 tỷ đồng, phần khác từ giải ngân của các TCTD (theo các thỏa thuận tín dụng tài trợ dự án đã ký kết), cùng với lượng tiền "khủng" từ đầu năm.
Tiền và các khoản tương đương tiền cuối kỳ (30/09/2022) của Hòa Phát còn gần 12.000 tỷ đồng.
Nhìn vào những con số này, có lẽ cổ đông nắm giữ cổ phiếu HPG sẽ "thấm thía", tại sao năm 2021 lãi kỷ lục nhưng Hòa Phát không chủ trương chia cổ tức bằng tiền.
Nhịp sống thị trường