MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cùng làm cà phê như ông Đặng Lê Nguyên Vũ nhưng vị doanh nhân Do Thái này có gia đình hạnh phúc, thương hiệu trong top đầu thế giới

22-02-2019 - 09:22 AM | Tài chính quốc tế

Vào thập niên 1970-1980, Starbucks chỉ là một chuỗi nhà hàng cà phê thông thường chuyên bán cà phê, còn các cửa hàng kinh doanh phục vụ đồ uống chỉ là thứ yếu.

Theo một thống kê năm 2016, Người Do Thái Mỹ là nhóm dân tộc mạnh nhất và có ảnh hưởng nhiều nhất nước Mỹ. Tổng dân số người Do Thái rất ít ỏi chỉ có 2% tổng dân số Hoa Kỳ. Nhưng 40% tỷ phú ở nước này là người Do Thái.

CafeBiz xin trân trọng giới thiệu series bài viết về "Những doanh nhân Do Thái nổi bật". Họ là những người phần lớn đi lên từ bàn tay trắng trở thành những tỷ phú tự thân nổi tiếng trên thế giới.

Mới đây, việc cựu CEO huyền thoại Howard Schultz của chuỗi cà phê Starbucks tuyên bố có khả năng tranh cử tổng thống đã thu hút được sự chú ý của dư luận. Trang Vanity Fair cho chạy dòng tít "Howard Schultz: 'Qua' tin tưởng chắc chắn rằng người dân Mỹ muốn một tổng thống như 'Qua'" ngay trên đầu.

Câu chuyện của Schultz không chỉ thu hút vì những tranh cãi liên quan đến cuộc đua bầu cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi nhiều tỷ phú cũng manh nha tỏ ý định sẽ ra tranh cử trong nhiệm kỳ tới, chúng còn khiến giới truyền thông chú ý bởi những thành công mà vị tỷ phú Do Thái này từng làm được cho Starbucks.

Tính đến thời điểm hiện tại, Schultz có tổng tài sản 2,9 tỷ USD và là một trong những huyền thoại của làng cà phê. Nếu Steve Jobs là cái tên không thể bỏ qua trong làng smartphone thì Schultz cũng được coi là ông hoàng của làng cà phê.

Giấc mơ của đứa con nghèo Do Thái

Sinh ngày 19/6/1953 trong một gia đình Do Thái nghèo khó ở Brooklyn-New York Mỹ. Cha mẹ của Schultz thậm chí không tốt nghiệp trung học và ông là người đầu tiên trong gia đình 5 người, gồm 2 đứa em, đỗ vào đại học.

Cha của Schultz là một cựu chiến binh bỏ học giữa chừng, phải làm lái xe thuê để nuôi gia đình 4 miệng ăn. Thu nhập của ông chưa bao giờ vượt quá 20.000 USD/năm và đương nhiên chẳng thể mua nổi một ngôi nhà. Mẹ của Schultz cũng chỉ là nhân viên tiếp tân thông thường và bà hoàn toàn ở nhà chăm sóc con cái từ khi kết hôn.

Thuở bé, Schultz cùng những đứa em của mình phải sống trong ngôi nhà tình thương, khu vực chuyên chăm sóc trẻ em miễn phí cho các hộ lao động nghèo. Ngay từ khi 7 tuổi, Schultz đã ý thức được về cái nghèo khi chứng kiến cha mình bị thương do làm việc nhưng chẳng có bảo hiểm, trợ cấp hay bồi thường gì.

Cùng làm cà phê như ông Đặng Lê Nguyên Vũ nhưng vị doanh nhân Do Thái này có gia đình hạnh phúc, thương hiệu trong top đầu thế giới - Ảnh 1.

"Khi tôi 7 tuổi, tôi đã có một kỷ niệm không bao giờ quên… Tôi nhận ra được thực tế phũ phàng của Giấc mơ Mỹ, tôi chứng kiến cha mẹ mình bất lực và tuyệt vọng… Những vết thương và nỗi tủi hổ đó vẫn còn đi với tôi đến tận ngày nay", ông Schultz nói.

Nếu như nhà sáng lập Trung Nguyên, ông Đặng Lê Nguyên Vũ từng nói "Nhiều tiền để làm gì?" thì ngay từ sớm, huyền thoại làng cà phê Schultz đã phải tự đặt câu hỏi "Làm gì để có nhiều tiền?".

Dẫu vậy, mẹ của Schultz vẫn khuyến khích con trai mình hoàn thiện việc học hành để có nhiều cơ hội trong sự nghiệp hơn nữa, một lời khuyên thường thấy trong những gia đình Do Thái khi giáo dục được qua tâm trên hết.

Vị tỷ phú này đã được nhận vào trường Northern Michigan University theo diện học bổng cho tài năng thể thao nhưng chàng trai Do Thái này lại chẳng chú trọng vào thể thao. Ông dành phần lớn thời gian để làm thêm những công việc lạ hoắc như pha chế rượu ở quầy bar hay thậm chí là bán máu để có tiền đóng học phí, đúng như phương châm "Làm gì để có tiền".

Sau khi tốt nghiệp, Schultz trải qua nhiều công việc khác nhau, từ nhân viên làm công cho sân trượt tuyết ở Michigan cho đến bán hàng cho Xerox rồi kinh doanh nhà kho cho Hammarplast. Chỉ đến khi gặp Starbucks, sự nghiệp của Schultz mới thật sự lật sang 1 trang mới.

Cuộc cách mạng cà phê

Vào thập niên 1970-1980, Starbucks chỉ là một chuỗi nhà hàng cà phê thông thường chuyên bán cà phê, còn các cửa hàng kinh doanh phục vụ đồ uống chỉ là thứ yếu. Mới đầu khi gia nhập, Schultz tin tưởng rằng ông có thể biến chuỗi cà phê này thành một thứ gì đó xa xỉ nhưng vẫn phổ biến với mọi người.

Bản thân ông cũng muốn phát triển Starbucks thành một chuỗi cửa hàng nổi tiếng trên toàn thế giới hơn là chỉ xoay quanh thị trường địa phương, nhưng mong muốn của ông không được lòng ban lãnh đạo và phải rời công ty vào giữa thập niên 1980.

Đến năm 1987, khi các nhà sáng lập của Starbucks muốn chuyển sang kinh doanh thứ khác, Schultz đã dùng toàn bộ tiền dành dụm của mình cùng vay nợ để mua lại công ty cùng 17 cửa hàng để bắt đầu một cuộc cách mạng lịch sử trong ngành cà phê.

Cùng làm cà phê như ông Đặng Lê Nguyên Vũ nhưng vị doanh nhân Do Thái này có gia đình hạnh phúc, thương hiệu trong top đầu thế giới - Ảnh 2.

Số cửa hàng của Starbucks giai đoạn 1987-2016

Khi cửa hàng đầu tiên của Starbucks được mở lại tại thành phố New York, nhiều người vẫn còn khá hoài nghi về mô hình kinh doanh này bởi giá cà phê quá đắt so với thông thường. Tuy nhiên, Schultz đã rất thông minh khi đánh vào trải nghiệm dịch vụ của khách hàng hơn là bán cà phê. Tôn chỉ của Starbucks lúc này là khách hàng trên hết, cà phê đứng sau.

Như một hệ quả tất yếu, việc mua cà phê Starbucks khiến khách hàng cảm thấy mình có đẳng cấp hơn mua cà phê thường và dù hương vị không khác mấy, họ vẫn sẵn sàng chi thêm tiền để đến Starbucks.

Trong khoảng 1998-2008, Starbucks bùng nổ từ 1.886 cửa hàng lên đến 16.680 cửa hàng. Từ một ý tưởng và khát khao "Làm gì để kiếm tiền", Schultz đã tạo nên cuộc cách mạng mới trong việc bán cà phê ngày nay.

Năm 2017, Starbucks đạt doanh thu ròng 22,4 tỷ USD và có đến 28.000 cửa hàng ở 77 quốc gia. Khi đã trở thành tỷ phú và phần nào hoàn thành giấc mơ "Làm gì để kiếm tiền", doanh nhân Schultz bắt đầu hướng đến những mục tiêu khác của cuộc đời.

"Thành công là con số không nếu về đích 1 mình. Phần thưởng tốt nhất là có được sự bao quanh của những người chiến thắng", tỷ phú Schultz trần tình.

Đây có lẽ là triết lý để ông và Starbucks tạo ra hơn 300.000 việc làm mỗi năm cũng như đóng một lượng thuế khổng lồ cho chính phủ.

Năm 2016, Schultz rời bỏ vị trí CEO để quay sang đầu tư những mảng kinh doanh khác. Có lẽ, giấc mơ "làm gì để kiếm nhiều tiền" của ông đã chuyển thành "làm gì để mọi người cùng kiếm nhiều tiền", và đây là một trong những lý do vị tỷ phú này tham gia chính trị và có khả năng tranh cử tổng thống Mỹ năm 2020.

Đối với nhiều người, nhiều doanh nhân, Starbucks có lẽ là giấc mơ cho họ theo đuổi, thậm chí so sánh và cạnh khóe. Tuy nhiên với Schultz, Starbucks chỉ là điểm khởi đầu cho một giấc mơ mới, hành trình mới.

Cùng làm cà phê như ông Đặng Lê Nguyên Vũ nhưng vị doanh nhân Do Thái này có gia đình hạnh phúc, thương hiệu trong top đầu thế giới - Ảnh 3.

"Starbucks chỉ là nước có mùi cà phê pha đường?"

Đầu năm 2013, khi thương hiệu cafe nổi tiếng thế giới- Starbucks đến Việt Nam, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã đăng đàn công kích "Starbucks chỉ là nước có mùi cafe pha đường". Phát ngôn này của ông Vũ đã ngay lập tức tạo nên một làn sóng truyền thông đa chiều, ồn ào, tốn không ít giấy mực của giới truyền thông trong và ngoài nước.

Tuy nhiên cho đến hiện nay, Starbucks vẫn là thương hiệu đình đám trên thế giới nhưng Trung Nguyên lại vẫn lục đục tại Việt Nam và được mọi người nhắc đến chủ yếu qua cuộc ly hôn đầy ồn ào của nhà sáng lập Đặng Lê Nguyên Vũ.

Nếu so sánh, có lẽ ông hoàng cà phê Schultz thành công và trội hơn được rất nhiều về mặt gia đình. Tỷ phú Schultz kết hôn với bà Sheri Kersch Schultz từ năm 1982 và sống hạnh phúc đến tận nay cùng 2 người con.

Hiện Sheri đang là chủ tịch của quỹ Schultz Family Foundation, thành lập vào năm 1996 cùng chồng, chuyên hoạt động vì quyền bình đẳng cho con người.

Nhắc đến Sheri, tỷ phú Schultz luôn mang lòng biết ơn khi bà chấp nhận cùng ông vượt bao gian khó cũng như là điểm tựa luôn ủng hộ ông cho mọi quyết định. Khi Sheri mang thai 7 tháng đứa con đầu lòng, ông Schultz đã rời bỏ Starbucks (vào giữa thập niên 1980) để kinh doanh cà phê riêng mà chưa có bất kỳ lợi nhuận nào, thậm chí còn phải vay nợ chồng chất.

Cha vợ của Schultz khi đó đã đến và nói: "Bố nghĩ đã đến lúc con từ bỏ niềm đam mê cà phê vớ vẩn này và kiếm một công việc tử tế".

Những lời nói này đã khiến Schultz bật khóc bởi sự giằng xé giữa đam mê và gia đình. Tuy nhiên chính Sheri đã phản đối cha mình và ủng hộ ông theo đuổi đam mê cà phê.

"Chúng ta sẽ cùng theo đuổi đam mê của anh. Chúng ta sẽ cùng vượt qua tất cả", Sheri nói với chồng mình theo như tờ Huffington Post thuật lại.

Chính lời động viên đó đã giúp Schultz trụ vững qua thời kỳ khó khăn để mua lại Starbucks vào năm 1987, mở ra một đế chế mới cho ngành cà phê. Rõ ràng, phía sau sự thành công của bất kỳ doanh nhân nào luôn có bóng dáng của một người phụ nữ và đương nhiên, muốn "trị quốc bình thiên hạ" thì trước hết hãy "tề gia" cái đã.


Theo AB

Trí thức trẻ

Trở lên trên