MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cùng một chặng bay, người Việt mất tới 12 ngày làm việc,Thái Lan là 5 ngày, Australia là 0,6 ngày và Mỹ là 0,3 ngày

Với cùng một chặng bay, người Việt mất tới 12 ngày làm việc; Thái Lan là 5 ngày, Mỹ là 0,3 ngày và Australia là 0,6 ngày.

Thông tin tại cuộc họp giữa Cục Hàng không Việt Nam và Hiệp hội các hãng hàng không châu Á - Thái Bình Dương (AAPA) cho thấy, giá vé máy bay trên thế giới hiện nay và thời gian tới có xu hướng tăng cao hơn so với thời điểm trước.

Thống kê cho thấy giá vé máy bay hạng phổ thông nhiều chặng tại một số khu vực trên thế giới cuối năm 2023 nhích tăng so với cùng kỳ năm 2019, có chặng tăng tới 40%. Tại một số khu vực như Châu Á tăng 21%; Úc/New Zealand tăng 22%; Châu Âu tăng 18%; Nam Mỹ tăng 25% và Bắc Mỹ tăng 17%. 

Cụ thể, với đường bay Hà Nội - TP.HCM (hơn 1.100km), giá phổ biến khoảng 66 USD/ chiều, tương ứng 0,08 USD/km; giá cao nhất là 113 USD/chiều, tương ứng 0,12 USD/km. Đường bay Hà Nội - Đà Nẵng (628 km), mức giá từ 0,12 USD/km đến 0,16 USD/km.

Tương tự chiều bay Bangkok - Phuket của Thái Lan, khoảng 0,1 - 0,29 USD/km; Los Angeles đến Sanfrancisco khoảng 0,20 - 0,25 USD/km. Nhưng thấp hơn chặng bay Thượng Hải - Quảng Châu của Trung Quốc, khoảng 0,27 - 0,3 USD/km...

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Vietravel Corp thời gian qua, có nhiều thông tin sai lệch, sau đó biến thành quy chụp dẫn đến nhiều người hiểu nhầm rằng ngành hàng không đang cố tình bán vé giá cao để hưởng lợi 1 mình, không quan tâm đến các đơn vị khác, nhất là ngành du lịch. Đặc biệt, nhiều dẫn chứng các đường bay trong nước đắt hơn bay nước ngoài. Tuy nhiên, đây chỉ là một vài trường hợp cá biệt nhờ chương trình khuyến mãi, không phải phổ biến.

"Giá vé máy bay cả thế giới đều tăng chứ không chỉ Việt Nam. Vì thế, nếu nói bay quốc tế rẻ hơn bay nội địa là chưa thật sự theo sát ngành. Hiện nay chỉ có duy nhất đường bay từ Việt Nam đi Thái Lan giá mềm, nhưng đó là nhờ họ tổ chức du lịch theo từng gói, sản phẩm 3 trong 1; 4 trong 1. Mỗi cấu phần đều bán dưới giá thành, chịu lỗ nhưng nhưng thu lời từ dịch vụ mua bán, lưu trú, chủ yếu là shopping. Họ lấy tiền đó rồi chia ngược lại cho các đơn vị bù lỗ, cùng liên kết tạo thành 1 gói sản phẩm giá rẻ. Hình thức này hiện nay gần như chỉ mình Thái Lan có thể làm được" - ông Nguyễn Quốc Kỳ chỉ rõ.

anh-chup-man-hinh-2024-05-06-luc-150644-1714983048770718839391.webp

Bảng so sánh giá vé/km các đường bay trục nội địa của Vietnam Airlines và nước ngoài

Giá vé máy bay nội địa tăng là trong xu hướng tăng chung trên thế giới

Phân tích sâu hơn về vấn đề này đã có một nghiên cứu nhằm so sánh giá vé máy bay ở Việt Nam so với một số quốc gia trên thế giới, dựa trên thu nhập bình quân đầu người. 

Nhìn ở góc độ chi phí vé máy bay, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế phân tích, theo cách tính của một số chuyên gia hàng không với thu nhập bình quân đầu người của mỗi nước (số liệu World Bank 2022), Việt Nam là 4.163 USD, Thái Lan là 6.910 USD, Mỹ là 76.330 USD và Australia là 65.100 USD.

Ví dụ về giá vé máy bay rẻ nhất của những chặng bay phổ biến nhất thế giới, và kết quả tìm kiếm vào ngày 10/3 như sau:

Hà Nội - Đà Nẵng (1 giờ 20 phút) rẻ nhất là Vietjet với giá 141 USD (Việt Nam); Bangkok - Phuket (Thái Lan) (1 giờ 30 phút) rẻ nhất là Thai Asia với giá 94 USD; Miami - Atlanta (Mỹ) (1 giờ 50 phút) rẻ nhất là 70 USD; Melbourne - Sydney (Australia) (1 giờ 20 phút) rẻ nhất là 114 USD.

Đối với với mức giá vé rẻ nhất là 70 USD của Mỹ, chiếm khoảng 0,09% thu nhập tháng của một người có thu nhập bình quân. Chiếm khoảng 1,36% thu nhập tháng so với thu nhập bình quân của Thái Lan so với mức giá vé rẻ nhất là 94 USD cho một chiều.

Riêng tại Việt Nam, với mức giá vé bay nội địa lên tới 141 USD chiếm gần 3,38% thu nhập bình quân tháng của một người. Trong khi đó, Australia chỉ chiếm 0,17%. 

Vậy với cùng một chặng bay, người Việt mất tới 12 ngày làm việc; Thái Lan là 5 ngày, Mỹ là 0,3 ngày và Australia là 0,6 ngày. Như vậy, giá vé là quá đắt so với thu nhập của người dân Việt Nam.

avatar1715934883516-17159348848811994054551.webp

Riêng tại Việt Nam, với mức giá vé bay nội địa lên tới 141 USD chiếm gần 3,38% thu nhập bình quân tháng của một người

Có thể thấy, giá vé máy bay nội địa tăng là trong xu hướng tăng chung trên thế giới do chịu tác động bởi các nguyên nhân chính: giá nhiên liệu tăng cao; chênh lệch tỷ giá ngoại tệ; việc triệu hồi động cơ của nhà sản xuất làm thiếu hụt tàu bay và tình hình cung - cầu vận tải hàng không. Ngoài ra, việc trượt giá của các đồng ngoại tệ cũng là một phần khiến giá vé máy bay tăng.

Bên cạnh những tác động chung của thế giới, điều góp phần làm cho giá vé máy bay tại Việt Nam trở nên quá cao so với thu nhập bình quân đầu người, việc trượt giá của các đồng ngoại tệ cũng là một phần khiến giá vé máy bay tăng.

"Các hãng hàng không đều phải dùng USD để chi tiêu cho các chi phí hoạt động hàng không, từ thuê máy bay, sân đỗ, cất hạ cánh, điều hành bay... để đáp ứng theo tiêu chuẩn quốc tế quy định. Do đó, khi mở bán vé máy bay, hãng hàng không cũng phải tính theo USD để quy đổi ra giá tiền Việt Nam đồng, nên giá vé máy bay cao", PGS-TS Đinh Trọng Thịnh chia sẻ.

Hiện nay, các hãng hàng không trên khắp thế giới đang xem xét lại các kế hoạch tăng trưởng và thậm chí cắt giảm các chuyến bay do các vấn đề về chuỗi cung ứng đang diễn ra. Chỉ riêng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Singapore Airlines, Qantas Airways và Air New Zealand đã bị ảnh hưởng bởi sự chậm trễ giao máy bay, bảo trì động cơ ngoài kế hoạch và các vấn đề khác.

Nhằm điều tiết giá vé máy bay, Cục Hàng không Việt Nam đã triển khai sớm các giải pháp để hạn chế tối đa những tác động tiêu cực đến hoạt động khai thác và đáp ứng nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không của hành khách. 

Đồng thời, nỗ lực thực hiện các giải pháp để phấn đấu có nguồn cung không thấp hơn so 2023 như: thay đổi giờ hạ cất cánh tại các cảng hàng không quốc tế để rút ngắn giờ đậu tàu lại; tiếp tục tăng cường khai thác các chuyến bay sau 22h00...

Trước những lo ngại của hành khách về tăng giá vé máy bay, Cục Hàng không Việt Nam khuyến cáo hành khách cần sớm xây dựng kế hoạch di chuyển, thực hiện mua vé qua các kênh bán vé chính thức và chủ động theo dõi thông tin về kế hoạch khai thác của các hãng hàng không để có những sắp xếp, điều chỉnh phù hợp và lựa chọn được các mức giá vé hợp lý.

Khánh Linh

Đời sống Pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên