Cũng trồng chuối, nuôi bò,... tại Lào, tỷ phú Trần Bá Dương làm gì để tránh "vết xe đổ" của bầu Đức?
Rút kinh nghiệm sâu sắc từ những sai sót về quy hoạch, về đầu tư hạ tầng, như điện, nước, thủy lợi, nước tưới, hay cơ sở vật chất... trong quá khứ, tới đây Chủ tịch Trần Bá Dương sẽ làm dự án đại nông nghiệp 750 triệu USD tại Lào theo cách nào?
Khởi động dự án nông nghiệp tại Lào - kỳ vọng cho sự hồi phục HAGL Agrico của tỷ phú Trần Bá Dương
Mới đây, Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, mã CK: HNG) của chủ tịch Trần Bá Dương vừa công bố nghị quyết ĐHĐCĐ về việc thông qua dự án đầu tư sản xuất trồng trọt cây ăn trái kết hợp chăn nuôi bò quy mô lớn tại tỉnh Attpeu và tỉnh Sekong - Lào.
Dự án trên có tổng diện tích đất 27.384 ha với tổng vốn đầu tư 18.090 tỷ đồng (tương đương 750 triệu USD). Dự án lớn này là kỳ vọng chính cho sự hồi phục của HAGL Agrico.
Trong đó, HAGL Agrico sẽ góp đủ 100% vốn tự có là 9.650 tỷ đồng thông qua hình thức góp vốn điều lệ cho công ty TNHH MTV Đầu tư và Sản xuất - kinh doanh Nông nghiệp Nam Lào. Số còn lại từ vốn vay, trị giá 8.440 tỷ đồng.
Theo HAGL Agrico, sau khi hoàn tất giai đoạn đầu tư (ước tính từ năm 2028), dự án trên sẽ mang lại sản lượng trái cây tươi xuất khẩu 624.000 tấn/năm (chuối: 500.000 tấn; dứa 80.000 tấn; xoài: 18.500 tấn; bưởi: 16.000 tấn; sầu riêng: 9.500 tấn).
Sản lượng trái cây chế biến xuất khẩu ước đạt 25.000 tấn/năm. Sản lượng bò giống cung cấp cho địa phương khoảng 12.000 con/năm. Sản lượng bò thịt thương phẩm xuất khẩu khoảng 17.000 tấn/năm.
Theo đó, doanh thu dự kiến ở mức 13.500 tỉ đồng/năm, lợi nhuận 2.450 tỉ đồng/năm (tương đương 100 triệu USD). Tỉ suất lợi nhuận dự kiến đạt 18%.
Dự án lớn tại Lào chính là kỳ vọng chính cho sự hồi phục của HAGL Agrico. Năm 2023, công ty ghi nhận doanh thu 605,5 tỷ đồng, giảm 18% so với năm 2022. Khấu trừ chi phí, HNG lỗ ròng hơn 1.050 tỷ đồng, đánh dấu năm thứ 3 thua lỗ liên tiếp. Trước đó, trong năm 2021, 2022, công ty lỗ lần lượt là 1.119 tỷ đồng và 3.576,5 tỷ đồng.
Quay ngược thời gian, vào năm 2018, khi công ty nông nghiệp của HAGL là HAGL Agrico gặp khó khăn về tài chính và đứng trên bờ vực phá sản, ông Đoàn Nguyên Đức đã mời ông Trần Bá Dương - Chủ tịch THACO tham gia hỗ trợ.
Tháng 8/2018, THACO đã đầu tư mua và sở hữu 27,63% cổ phần HAGL Agrico. Đến tháng 01/2021, ông Dương được bầu làm Chủ tịch HĐQT của HAGL Agrico. Từ đó THACO tiếp quản điều hành các dự án của HAGL Agrico tại Lào.
Trong suốt 3 năm từ khi bắt đầu tham gia vào HAGL Agrico, tỷ phú Trần Bá Dương đã liên tục rót tiền vào doanh nghiệp này, không khác gì đổ nước vào một cái "thùng không đáy". Con số 40.000 tỷ đồng ông Trần Bá Dương đã rót cho Bầu Đức như "muối bỏ biển". Doanh nghiệp thường xuyên trong tình trạng thiếu hụt dòng tiền để thanh toán các khoản nợ đến hạn, thiếu tiền mua vật tư chăm sóc và đầu tư cho các hạ tầng kỹ thuật quan trọng...
Hiện nay, sau 6 năm, lỗ lũy kế của HAGL Agrico đã vượt 8.000 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu của công ty tại thời điểm cuối năm 2023 tiếp tục giảm về 2.300 tỷ đồng.
Cũng trồng chuối, sầu riêng, nuôi bò,... tỷ phú Trần Bá Dương sẽ làm gì khác so với bầu Đức trước đây?
Cách đây đúng một thập kỷ, HAG từng là doanh nghiệp Việt Nam đầu tư lớn nhất ở Lào với số vốn 1,2 tỷ USD. Khoản tiền này được bầu Đức "rải" vào các lĩnh vực bao gồm cụm công nghiệp mía đường, 6 nhà máy thủy điện; trồng cao su, cọ dầu, bắp, mía trên diện tích 40.000 ha, nuôi bò.
Ông chủ doanh nghiệp phố núi đã không tiếc tiền đầu tư vào nông nghiệp nhưng hiệu quả không như kỳ vọng. Vậy hiện nay, khi chuẩn bị khởi động dự án nông nghiệp tại Lào, cách làm của ông Trần Bá Dương sẽ có gì khác với bầu Đức trước đây?
Trong bài phỏng vấn đầu năm với báo điện tử Chính Phủ, tỷ phú Trần Bá Dương đã chia sẻ: "Sau thất bại của HAGL trong việc trồng cao su (do thổ nhưỡng), trồng chuối, nuôi bò (do không tính toán được về hạ tầng, điện, mặt bằng, cộng thêm dịch COVID-19), chúng tôi quyết tâm làm nông nghiệp quy mô lớn hướng đến tích hợp-tuần hoàn".
Ông Trần Bá Dương cho biết đã nghiên cứu, rút kinh nghiệm từ những sai sót về quy hoạch, về đầu tư hạ tầng, như điện, nước, thủy lợi, nước tưới, hay cơ sở vật chất như nhà ở công nhân, các xưởng đóng gói và các yêu cầu về đầu tư đồng bộ khác để cho ra được mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo hướng tích hợp-tuần hoàn.
Trong đó, các loại cây chuyên canh là cây chuối và dứa, ngoài ra còn nuôi bò sinh sản, bò thịt kết hợp với trồng các loại cây ăn trái khác như sầu riêng, bưởi… Vị chủ tịch này nhấn mạnh: Trong sản xuất nông nghiệp, sự tích hợp tuần hoàn trong một khu vực quy mô lớn rất quan trọng.
Ông Dương lấy ví dụ: Đầu tiên là phải nuôi bò sinh sản đến chăn, thả, vỗ béo. Chúng tôi dùng những trái cây thải loại cho bò ăn, dùng phế phẩm để làm chất độn chuồng, phân xanh rồi dùng phân bò để làm phân hữu cơ, sau đó dùng phân bón lại cho cây ăn trái. Ngay cả bồn chứa nước tưới chúng tôi cũng nuôi cá, vi sinh nước này và tiến tới từng bước không có thải loại trong nông nghiệp (no waste). Với quy mô lớn như thế thì sẽ hạn chế được chi phí vận chuyển rất lớn.
Đây chính là điểm khác biệt cơ bản với cách làm nông nghiệp trước đây của HAGL tại Lào.
Mặt khác, đối với làm nông nghiệp, quy mô sản xuất rất quan trọng, quyết định trực tiếp đến giá thành và khả năng cạnh tranh. Với việc đầu tư sản xuất nông nghiệp quy mô lớn thì đòi hỏi phải quản trị công nghiệp cho toàn bộ chuỗi giá trị, từ giống đến làm đất, trồng, chăm sóc, thu hoạch, tiêu thụ.
Bên cạnh đó, quy mô lớn thì buộc phải cơ giới hóa và chính tập đoàn thành viên chuyên về cơ khí và công nghiệp của THACO sẽ là trợ lực, giúp nghiên cứu và thực hiện chương trình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.
Đây là lợi thế lớn của ông Trần Bá Dương so với bầu Đức trước đây, khi sở hữu hệ sinh thái có thể bổ trợ lẫn nhau.
Một bước tiến xa hơn, trong tương lai, chủ tịch Trần Bá Dương cũng tiết lộ, THACO có kế hoạch làm du lịch nông nghiệp tại Lào. Cụ thể, sau khi hoàn thành khu sản xuất nông nghiệp lớn, người dân có thể vào tham quan, nghỉ dưỡng, một kiểu du lịch sinh thái.
Khu liên hợp nông nghiệp quy mô lớn theo hướng tích hợp-tuần hoàn của HAGL Agrico nằm trên tổng diện tích 27.384 ha tại tỉnh Attapeu và tỉnh Sekong. Trong đó, trồng chuyên canh cây ăn trái là 10.000 ha (8.000 ha chuối; 2.000 ha dứa); trồng cây ăn trái kết hợp chăn nuôi bò là 14.000 ha (5.000 ha cây ăn trái: xoài, bưởi, sầu riêng), quy mô đàn bò 210.000 con.
Ngoài ra, khu công nghiệp sản xuất-chế biến rộng 200 ha, gồm có cụm các nhà máy sản xuất vật tư nông nghiệp, cơ khí nông nghiệp; cụm các nhà máy sản xuất chế biến trái cây và nông sản; cụm văn phòng, tổng kho và trung tâm điều hành logistics.
An Ninh Tiền Tệ