MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc cách mạng về tư duy bán lẻ của Chủ tịch PNJ Cao Thị Ngọc Dung

Những năm thập niên 90, bà Cao Thị Ngọc Dung quyết định đưa PNJ đi theo hướng sản xuất vàng trang sức để tạo sự khác biệt với các đối thủ. Đây chính là quyết định mang tính cách mạng đưa PNJ trở thành thương hiệu bán lẻ trang sức hàng đầu Việt Nam hiện nay.

Bà Cao Thị Ngọc Dung sinh năm 1957 trong một gia đình có truyền thống kinh doanh ở tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1979 bà thi đỗ vào trường Đại học Kinh tế TP.HCM rồi năm 1982 tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế thương nghiệp tại đây.

Sau khi tốt nghiệp, bà Cao Thị Ngọc Dung bắt đầu công việc đầu của mình tại Công ty Thương Nghiệp Tổng hợp Phú Nhuận và chỉ sau một năm đã được thăng cấp lên Phó phòng.

Cuộc cách mạng về tư duy bán lẻ của Chủ tịch PNJ Cao Thị Ngọc Dung- Ảnh 1.

Bà Cao Thị Ngọc Dung tại một sự kiện nội bộ PNJ năm 2000.

Năm 1985, bà được chuyển công tác sang công ty Nông sản và thực phẩm Phú Nhuận với chức vụ Trưởng phòng kế hoạch. Đến năm 1988, bà Cao Thị Ngọc Dung chính thức gia nhập Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận với chức vị Giám đốc. Thời điểm đó, PNJ chỉ là một doanh nghiệp nhỏ với vốn điều lệ chỉ 7,4 cây vàng với khoảng 20 nhân viên.

Giai đoạn những năm 90, phần lớn các công ty vàng bạc đều thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, tập trung vào kinh doanh vàng miếng, người dân cất giữ như một dạng tài sản đảm bảo là chính. Tuy nhiên, PNJ đã tạo sự khác biệt khi lựa chọn hướng đi của mình là công ty sản xuất vàng trang sức.

Bà Dung từng chia sẻ, văn hóa Việt Nam và các quốc gia Á Đông nói chung rất coi trọng vàng, đặc biệt là phụ nữ. Bất kỳ gia đình nào, dù có điều kiện hay không đều cố gắng sắm ít nhiều nữ trang bằng vàng, bạc. Vì thế, ngay từ đầu PNJ đã không có ý định đưa vàng miếng vào hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Do đó, ngay từ năm 1992, PNJ đã đầu tư công nghệ sản xuất của Ý và có nhà máy sản xuất vàng trang sức. Năm 1993, PNJ mạnh dạn đầu tư nhập khẩu máy móc thiết bị sản xuất hiện đại, và một năm sau chính thức sản xuất trang sức theo công nghệ máy móc tân tiến.

Năm 1995, với sự hỗ trợ Hội đồng Vàng thế giới, PNJ đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại một số nhà máy sản xuất trang sức trong khu vực. Nhờ đó, thế hệ những nhà thiết kế sáng tạo đầu tiên của PNJ được mở mang tầm mắt, học tập trực quan về xu hướng thiết kế trang sức đá quý hiện đại.

Cuộc cách mạng về tư duy bán lẻ của Chủ tịch PNJ Cao Thị Ngọc Dung- Ảnh 2.

Sau khi kết hôn với ông Trần Phương Bình, bà Dung giữ chức Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) giai đoạn 1992-1997, chồng bà cũng từng giữ chức vụ Chủ tịch hội đồng tín dụng và kiêm Tổng giám đốc DongA Bank.

Năm 2003 - 2013, bà Cao Thị Ngọc Dung tiếp tục giữ chức Chủ tịch HĐQT công ty Cổ Phần Địa ốc Đông Á. Năm 2005 - 2011, bà vinh dự làm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Năng lượng Đại Việt.

Từ năm 2004 đến nay, bà Dung đã giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận - PNJ.

Dưới sự dẫn dắt của vị "nữ tướng" đầy bản lĩnh, đến nay PNJ trở thành thương hiệu bán lẻ trang sức hàng đầu Việt Nam với hơn 7.000 nhân sự cùng mạng lưới hơn 400 cửa hàng trên toàn quốc.

Từ năm 2009, PNJ chính thức đạt doanh trên 10.000 tỷ đồng tuy không duy trì mức doanh thu này hàng năm nhưng biên lợi nhuận ngày càng được cải thiện. Cụ thể, từ năm 2012 đến 2016, doanh thu của PNJ giảm xuống dưới 10.000 tỷ đồng nhưng biên lãi gộp đạt 15-17%, cải thiện hơn nhiều so với mức dưới 5% ở giai đoạn trước năm 2012.

Sau đó, từ 2017-2021, PNJ trở lại mức doanh thu trên 10.000 tỷ đồng và trong hai năm gần nhất mức doanh thu tăng đột biến trên 30.000 tỷ đồng. Tính chung từ năm 2014-2024, tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân của PNJ là 17%/năm.

Từ 2019-2023, lãi ròng hàng năm của PNJ luôn duy trì trên 1.000 tỷ đồng. Năm 2023, công ty đã đạt lãi ròng xấp xỉ 2.000 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế PNJ trong thập niên gần đây trung bình đạt 35%/năm.

Về quy mô tổng tài sản, từ năm 2021 đến nay, quy mô tổng tài sản của PNJ đã vượt mức 10.000 tỷ đồng. Năm 2023, tổng tài sản PNJ đã đạt trên 14.400 tỷ đồng, vốn điều lệ ở mức gần 3.300 tỷ đồng.

Trong sự nghiệp của mình, bà Cao Thị Ngọc Dung nhiều lần được vinh danh ở những giải thưởng cao quý. Nữ Chủ tịch PNJ hai lần được trao tặng Huân chương Lao động hạng nhất vì những thành tựu đóng góp cho ngành kim hoàn, lần đầu tiên vào năm 2010 và lần thứ hai vào ngày 16/4/2024.

Bà Cao Thị Ngọc Dung được Tạp chí Forbes châu Á bình chọn vào top 40 phụ nữ có tầm ảnh hưởng nhất châu Á năm 2018. Năm 2019, bà được vinh danh Thành tựu trọn đời cho ngành kim hoàn châu Á (JNA).

Cuộc cách mạng về tư duy bán lẻ của Chủ tịch PNJ Cao Thị Ngọc Dung- Ảnh 3.

Chủ tịch PNJ được vinh danh là một trong 40 biểu tượng xuất sắc nhất (Extraordinary 40) ngành kim hoàn thế giới. Ảnh: PNJ

Tháng 9/2023, Chủ tịch PNJ là người Việt Nam duy nhất được vinh danh là một trong 40 biểu tượng xuất sắc nhất (Extraordinary 40) ngành kim hoàn thế giới. Trong số 40 nhân vật được vinh danh, bà là 1 trong 4 người phụ nữ hiếm hoi nhận được giải thưởng này.

Theo Hà Ly

An Ninh Tiền Tệ

Từ Khóa:
PNJ
Trở lên trên