Cuộc "chạy đua" ly kỳ giữa Vingroup và Thaco để trở thành doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam
Nhìn chung trong suốt gần 10 năm qua, doanh thu của Vingroup và Thaco đã tăng trưởng rất ấn tượng và bám đuổi nhau khá sát.
Mới đây, Vietnam Report đã công bố bảng xếp hạng danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam - VNR500 năm 2017 dựa trên tổng doanh thu đạt được trong năm 2016. Trong nhóm các doanh nghiệp tư nhân, đáng chú ý là Tập đoàn Vingroup (VIC) đã vượt qua CTCP Ô tô Trường Hải - THACO để vươn lên vị trí số 1.
Tất nhiên để xếp hạng doanh nghiệp về độ lớn có rất nhiều tiêu chí để đánh giá như vốn hóa thị trường, lợi nhuận, tài sản.... Trong khi đó, xếp hạng của VNR500 chủ yếu dựa trên tiêu chí doanh thu.
Mặc dù Vingroup vượt qua Thaco nhưng cách biệt về doanh thu giữa 2 doanh nghiệp này là không nhiều. Theo tính toán của chúng tôi, tổng doanh thu của Vingroup trong năm 2016 đạt 63.600 tỷ đồng còn của Thaco là 60.800 tỷ. Con số này bao gồm cả doanh thu từ hoạt động kinh doanh, doanh thu tài chính, doanh thu khác và lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết.
Nếu chỉ tính riêng doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh chính thì Thaco vẫn nhỉnh hơn một chút so với Vingroup, đạt lần lượt là 59.200 tỷ và 57.600 tỷ đồng. Do đặc thù hoạt động kinh doanh, Vingroup có doanh thu tài chính khá lớn trong khi con số này của Thaco không nhiều.
Nhìn chung trong suốt gần 10 năm qua, doanh thu của 2 doanh nghiệp này đã tăng trưởng rất ấn tượng và bám đuổi nhau khá sát. Động lực tăng trưởng chính của Thaco trong những năm gần đây là do thị trường ô tô tăng trưởng phi mã còn Vingroup bên cạnh nguồn thu chủ lực là bất động sản đã mở rộng sang nhiều lĩnh vực mới, chẳng hạn như bán lẻ, ô tô.
Một điểm thú vị là trong khi Thaco bắt đầu đầu tư mạnh vào lĩnh vực bất động sản với việc nắm quyền kiểm soát CTCP Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh thì Vingroup cũng bắt đầu tiến vào lĩnh vực ô tô với việc thành lập VinFast.
Trong khi doanh thu tương đương nhau thì lợi nhuận của Thaco trong 2 năm 2015-2016 có phần vượt trội do sự tăng trưởng nóng của ngành ô tô. Lợi nhuận hợp nhất của Vingroup các năm gần đây không cao dù lợi nhuận của mảng bất động sản vẫn rất lớn do tập trung đầu tư cho lĩnh vực bán lẻ, khách sạn, nông nghiệp...
Cách biệt lớn nhất giữa Vingroup và Thaco nằm ở quy mô tài sản khi mà tính đến cuối tháng 6/2017, tổng tài sản của Vingroup đã lên đến gần 200.000 tỷ đồng trong khi tài sản của Thaco mới chỉ gần 60.000 tỷ. Ngoại trừ một số ngân hàng lớn và vài tập đoàn nhà nước hàng đầu như PVN hay EVN thì khó có doanh nghiệp nào có thể so sánh với Vingroup về quy mô tài sản.
Sau khi cổ phiếu VIC tăng gần gấp đôi trong những tháng gần đây, hiện vốn hóa thị trường của Vingroup đã lên đến gần 190.000 tỷ đồng (8,4 tỷ USD), là một trong ba doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất Việt Nam cùng với Sabeco và Vinamilk.
Do chưa lên sàn nên không có con số chính thức về mức định giá của Thaco. Với giá giao dịch trên thị trường tự do vào khoảng 170.000 đồng/cp (trước chia thưởng 300%) thì giá trị của Thaco vào khoảng 70.000 tỷ đồng.
Một điểm tương đồng nữa giữa Vingroup và Thaco nằm ở cơ cấu sở hữu khi người sáng lập và đứng đầu doanh nghiệp đều đang trực tiếp và gián tiếp sở hữu 2/3 cổ phần của công ty.
Tại Vingroup, ông Phạm Nhật Vượng cùng vợ là bà Phạm Thu Hương trực tiếp sở hữu 32% cổ phần và sở hữu gián tiếp 33,4% thông qua CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam.
Đối với Thaco, ông Trần Bá Dương và vợ là bà Viên Diệu Hoa chỉ trực tiếp nắm giữ 11,9% còn lại chủ yếu sở hữu qua Công ty Trân Oanh (53,3%).
Trí Thức Trẻ