Cuộc chạy đua sân bay để đón 4 tỷ khách tại châu Á
Trong nhiều tháng nay, các kỹ sư và nhân viên kiểm soát không lưu đã quen với không gian làm việc mới trong những căn phòng không có cửa sổ tại sân bay Changi, Singapore. Người ta gọi đây là hình mẫu tháp không lưu của tương lai.
- 30-12-2018Tàu sân bay Trung Quốc gặp "hạn"
- 29-12-2018Rơi máy bay tại Indonesia: Hãng Boeing đối mặt với vụ kiện mới
- 25-12-2018Rơi máy bay, nữ thống đốc của gia đình quyền lực bậc nhất Mexico thiệt mạng
Đã không còn những bức tường kính cho phép các nhân viên có thể quan sát 360o với tầm nhìn bao quát các đường băng, khu vực đường lăn hay bãi đáp, nơi nhiều máy bay xếp hàng ngay ngắn.
Ở đó hiện là một màn hình điện tử khổ rộng. Theo Hiệp hội hàng không dân sự Singapore (CAAS), nó mang lại một góc nhìn không khác gì so với đài quan sát cũ. Không những thế, nhân viên ở đây thậm chí còn có thể quan sát những thứ mà trước kia họ khó thấy bằng mắt thường nhờ hệ thống camera tân tiến, công nghệ ghép nối video cho phép theo dõi, di chuyển, xoay và phóng to đến từng máy bay hoặc một khu vực cố định trong sân bay.
Các nhân viên ở đây vẫn đang trong quá trình kiểm nghiệm hệ thống mới - giúp họ xử lý hàng loạt các dữ liệu số để có thể quản lý giao thông đường không hiệu quả hơn. Nếu thành công, Changi sẽ là sân bay lớn đầu tiên trên thế giới áp dụng giải pháp tháp không lưu thế hệ mới này. Cơ quan hàng không quốc gia Singapore cũng đang tiến hành thử nghiệm trí tuệ nhân tạo để có thể giúp sân bay này hoạt động “nhịp nhàng” hơn.
Mục tiêu trên hết ở đây là khả năng tiếp nhận nhiều máy bay cũng như phục vụ được nhiều hành khách hơn. Đó là cách mà Singapore đang áp dụng để đối mặt với các vấn đề đang làm đau đầu nhiều sân bay trên toàn châu Á: khả năng đáp ứng nhu cầu tăng cao của ngành hàng không.
Lượng hành khách tại khu vực châu Á đã gia tăng “chóng mặt” trong thời gian gần đây và các sân bay không thể theo kịp đà tăng trưởng đó. Khi tầng lớp trung lưu bùng nổ ở khu vực này, số lượng hành khách trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương được dự đoán sẽ tăng 4,8% mỗi năm trong vòng 20 năm tới, cao hơn nhiều so với mức trung bình 3,5% của thế giới.
Nói cách khác, sẽ có khoảng 3,9 tỷ hành khách thực hiện các chuyến bay trên toàn châu Á vào năm 2037, tăng thêm khoảng 2,35 tỷ lượt so với hiện nay, theo thông kê từ Hiệp hội hàng không quốc tế.
“Thế giới sẽ được hưởng lợi nếu như sự kết nối các khu vực, các quốc gia được cải thiện”, theo Alexandre de Juniac, giám đốc Hiệp hội hàng không quốc tế. Ông cũng cảnh báo “với tốc độ phát triển ở mức hiện tại, các sân bay cũng như cơ quan kiểm soát không lưu sẽ không đủ năng lực để có thể đáp ứng được nhu cầu đang ngày một gia tăng này”.
Dự báo lượng hành khách hàng không thường niên đến năm 2037.
Không chỉ là khu vực sở hữu mức tăng trưởng lượng khách sử dụng dịch vụ hàng không lớn nhất trên thế giới, châu Á cũng là khu vực phải đối mặt với khoảng cách lớn giữa nhu cầu hành khách với tốc độ phát triển của các sân bay, theo Torbjorn Karlson, chuyên gia quan hệ khách hàng cấp cao tại công ty tư vấn Korn Ferry.
Karlson nhấn mạnh những khu vực biệt lập, đặc biệt là các quốc đảo bao gồm nhiều hòn đảo nhỏ như Indonesia và Philippines, là những nơi cần nhiều sự kết nối hàng không hơn cả để có thể phát triển, nhưng vị trí địa lý lại là những khó khăn trong việc thu hút nguồn vốn từ các nhà đầu tư tiềm năng.
Các chính phủ cũng đang ra sức hành động bằng việc liên tục khuyến khích xây dựng các sân bay. Chỉ tính riêng trông khu vực châu Á- Thái Bình Dương, 228 sân bay đang trong quá trình xây dựng, theo viện nghiên cứu hàng không CAPA tại Sydney. Con số này chiếm hơn một nửa tổng số lượng sân bay trên toàn thế giới.
Tính cả các dự án mở rộng các sân bay hiện tại, khu vực này đã đầu tư tổng cộng 316,5 tỷ USD để xây dựng, cải tạo hệ thống sân bay.
Indonesia là một ví dụ cho sự “vội vã” này.
Chỉ trong vòng 2 năm, sân bay Soekarno- Hatta tại thủ đô Jakarta đã đưa vào sử dụng sảnh hành khách thứ 3, và sảnh hành khách thứ 4 cũng đang trong quá trình xây dựng. Những các quan chức ở đây tiết lộ kế hoạch xây dựng một sân bay mới trị giá 100 nghìn tỷ rupiah (tương đương 6,87 tỷ USD) ngay gần sân bay hiện tại.
Sảnh hành khách số 3 tại sân bay Soekarno-Hatta, Jakarta, Indonesia, trong quá trình xây dựng năm 2016. Ảnh: Nikkei.
“Việc xây dựng sảnh hành khách thứ 4 cũng như đường băng số 3 chỉ đáp ứng đủ nhu cầu hiện tại”, Muhammad Awaluddin- chủ tịch công ty Angkasa, một công ty quốc doanh chuyên quản lý hệ thống sân bay tại Indonesia, nói. “Công suất tăng thêm từ sân bay mới sẽ giảm nguy cơ quá tải cho sân bay hiện tại”.
Quá trình xây dựng sân bay mới, có thể gọi là sân bay Soekarno- Hatta II, sẽ được khởi công vào năm 2021. Công trình này có diện tích hơn 2.000 hecta nằm trên vùng đất mới vừa được khai phá với quy mô ngang bằng với sân bay hiện tại.
Thái Lan cũng là một minh chứng cho công cuộc mở rộng hệ thống sân bay. Quốc gia này lên kế hoạch tăng gấp 3 lần công suất của sân bay Suvarnabhumi tại thủ đô Bangkok lên 150 triệu hành khách/năm, Airport of Thailand- cơ quan điều hành bay thuộc chính phủ Thái Lan, cho biết.
Sân bay hiện tại, được khai trương năm 2006 và đang là sân bay lớn nhất Thái Lan, được thiết kế phục vụ 45 triệu khách mỗi năm nhưng đang phải “gồng mình” đón lượng hành khách lên đến 65 triệu lượt.
Việc “đổ bộ” như vũ bão của các dự án sân bay mới có thể vẫn là chưa đủ đáp ứng nhu cầu. Công ty DBS Group Research ước tính lượng vốn cần thiết để đầu tư xây dựng các sân bay mới trong hai năm 2019 và 2020 lên đến 516 tỷ USD.
Paul Yong, một chuyên gia chứng khoán ngành hàng không của DBS, cảnh báo chi phí giải phóng mặt bằng cũng như xây dựng đang là gánh nặng kìm hãm sự phát triển, qua đó cũng đưa ra lời khuyên cho các chính phủ nên dựa vào nguồn vốn tư nhân “như là một nguồn bổ sung, hoặc thậm chí là nguồn vốn chính để tiến hành các dự án”.
Phần lớn những quan sát viên đều nhất trí tiền không phải vấn đề cốt lõi. “Không có sự thiếu hụt về nguồn vốn, cái thiếu ở đây là những hợp đồng xây dựng chất lượng”, theo một ngân hàng đầu tư tại Singapore.
“Tại châu Á, khi chính phủ khuyến khích tư nhân hóa các sân bay, các điều khoản đưa ra lại không đủ hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư. Một vài chính phủ đang cố đẩy hết các rủi ro lên đầu họ”.
Tại Philipines, một nhà đầu tư với mong muốn xây dựng một sân bay phải chờ hàng năm trời trước khi chính phủ chấp thuận chủ trương.
Ramon Ang, chủ tịch liên doanh sản xuất bia và xây dựng cơ sở hạ tầng San Miguel, đã từng từ bỏ phương án xây dựng một sân bay mà ông đã trình lên cựu tổng thống Benigno Aquino. Hiện tại, ông mong muốn xây dựng một khu phức hợp hàng không mới tại Bulacan, ngoại ô thủ đô Manila- và ý tưởng này đã được ông trình lên Tổng thống Rodrigo Durterte vào năm 2016.
Chính quyền Durterte ban đầu đã thống nhất chủ trương đầu tư khu phức hợp hàng không này, nhưng dự án vẫn đang bị trì hoãn vì chính phủ muốn đảm bảo sân bay mới của San Miguel sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động của sân bây Clark, một sân bay khác nằm tại khu vực phía bắc thủ đổ Manila, hiện đã được chấp thuận chủ trương cải tạo mở rộng.
“Chúng tôi muốn biết được những ảnh hưởng của sân bay tại Bulaca đến New Clark City, sân bay được coi là tài sản của người Philippines”, Bộ trưởng Tài chính Carlos Dominguez cho biết hồi tháng 9.
Tại Ấn Độ, các chuyên gia phân tích cũng bày tỏ nghi ngại về những kế hoạch đầy tham vọng nhằm thu hút nguồn vốn tư nhân.
Tháng 9, quốc gia này khánh thành sân bay thứ 100 và bộ trưởng bộ Hàng không dân dụng Suresh Prabhu tiếp tục nhấn mạnh kế hoạch mở thêm 100 sân bay nữa trong vòng 10-15 năm tới. Vị bộ trưởng này cho biết những sân bay mới chủ yếu sẽ nằm tại các thành phố loại 2 và 3, với tổng số vốn đầu tư rơi vào khoảng 60 tỷ USD thông qua nguồn vốn đối ứng công-tư.
Amitabha Roychowdhury, một chuyên gia phân tích hàng không độc lập tại New Delhi, tỏ ra khá hoài nghi. “Kế hoạch của chính phủ thiếu tính khả thi vì rất khó có thể thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân vào các dự án tại các thành phố, thị xã nhỏ", anh cho biết. “Sự tham gia của khu vực tư nhân chỉ có thể khả thi tại các thành phố lớn, nơi có thể dễ dàng kết nối với các điểm đến quốc tế, trong đó bao gồm cả những thành phố lớn như Delhi, Mumbai và Bangalore”.
Ngay cả khi nguồn vốn và dự án được thông qua, những dự án sân bay vẫn vấp phải những trở ngại. Người đứng đầu cơ quan hàng không dân dụng Hong Kong đang tỏ ra khá lo lắng.
Hiệp hội nhân lực ngành hàng không Hong Kong ước tính rằng các sân bay tại thành phố này đang thiếu hụt khoảng 5.000 lao động. Mức lương thưởng và chế độ đãi ngộ của các công ty đang hoạt động trong các sân bay không đủ hấp dẫn, so với các công việc khác trong thành phố. “Thật khó để có thể thu hút các lao động đến làm việc tại sân bay”, Cheung Shu-wang, chủ tịch hiệp hội chia sẻ.
Sự thiếu hụt nhân lực này có thể diễn biến trầm trọng hơn khi Hong Kong xây dựng thêm một đường băng, dự tính vào năm 2024. Đường băng này có độ dài lên đến 3,8 km, với chi phí xây dựng lên đến 18 tỷ USD kỳ vọng sẽ phục vụ khoảng 30 triệu hành khách mỗi năm sau khi hoàn thành. Nhưng dự án này chỉ khả thi khi có đủ lực lượng lao động giúp vận hành đường băng mới.
Sân bay quốc tế Hong Kong đang đối mặt với nguy cơ thiếu nhân lực. Ảnh: Reuters.
Ngay bây giờ, điều đó khó có thể xảy ra.
Nếu như công suất phục vụ tại các sân bay ngày càng “thụt lùi” so với tốc độ gia tăng nhu cầu, sẽ có nhiều hơn những hành khách phải đối mặt với sự tắc nghẽn cũng như việc tăng giá vé.
“Chi phí di chuyển bằng đường hàng không tại các sân bay quá tải sẽ tăng cao nếu như các sân bay không thể đáp ứng đủ nhu cầu tăng cao của hành khách. Lượng hành khác gia tăng sẽ khiến các hãng hàng không tăng giá vé của họ”, theo một nghiên cứu thực hiện bởi SEO Amsterdam Economics.
Nhiều người cũng đã cho rằng mức giá vé đang ở mức rất thấp. Vụ tai nạn của hãng hàng không Lion Air hồi cuối tháng 10 tại Jakarta, cướp đi sinh mạng của 189 hành khách đã dấy lên những cuộc tranh luận nảy lửa về việc liệu giá vé rẻ có đảm bảo sự an toàn cho hành khách hay không? Bộ trưởng bộ Giao thông vận tải Indonesia Budi Karya Sumadi gần đây cho biết chính phủ đang lên kế hoạch tăng mức sàn giá vé máy bay.
Trong ngắn hạn, việc tăng chi phí đi lại bằng đường hàng không có thể làm chậm đà tăng hiện tại. Nhưng không thể phủ nhận, các sân bay chứa đựng rất nhiều tiềm năng để thúc đẩy nền kinh tế.
“Một khi một sân bay quốc tế mới được xây dựng trên hòn đảo này, sẽ có nhiều khách du lịch nước ngoài sẽ tìm đến chúng tôi hơn”, Annaliza B. Page, chủ một khách sạn gia đình trên hòn đảo Bohol của Philipines. “Điều đó sẽ giúp ích rất nhiều cho công việc kinh doanh”.
Những lợi ích thậm chí còn tăng gấp nhiều lần nếu như những sân bay mới được trang bị những công nghệ mới. Sân bay Changi với hệ thống tháp điều khiển mới là một ví dụ. Về sau này, máy bây siêu âm sẽ giúp hành khách vượt qua các đại dương một cách tức thời trong khi những máy bay điện có thể giảm ô nhiễm tiếng ồn cũng như thời gian bay không cần thiết.
Karlson (Korn Ferry) cho rằng chúng ta sẽ mất nhiều hơn là được nếu những nỗ lực nhằm phát triển hệ thống sân bay không được thực hiện. “Bạn sẽ bỏ lỡ một cơ hội phát triển cực kỳ hấp dẫn”, ông nói. “Tương lai của chúng ta phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng ngành hàng không”.