Một mình chống lại cả thế giới, Mark Zuckerberg mất luôn 18 tỷ USD chỉ trong 1 ngày
Việc này khiến Mark Zuckerberg mất luôn ngôi vị giàu thứ 3 thế giới.
- 10-03-2024Cận cảnh BST hàng triệu USD của con trai người giàu nhất châu Á: Có 1 cái khiến Mark Zuckerberg thích thú
- 05-03-2024Tài sản 176 tỷ đô, Mark Zuckerberg vẫn choáng ngợp trước độ chịu chơi của cậu út nhà tỷ phú giàu nhất châu Á
- 05-03-2024Quy tắc hôn nhân nghiêm ngặt của ông chủ Facebook Mark Zuckerberg
Cổ phiếu Meta Platforms hôm qua lao dốc khiến tài sản của ông chủ kiêm CEO Mark Zuckerberg giảm mạnh.
Chốt phiên giao dịch ngày 25/4, cổ phiếu Meta Platforms giảm 11%. Việc này khiến tài sản của CEO Mark Zuckerberg mất 18 tỷ USD. Theo Bloomberg Billionaires Index, đây là mức giảm trong ngày lớn thứ 11 họ từng ghi nhận với các tỷ phú thế giới.
Tài sản của Zuckerberg chủ yếu đến từ cổ phiếu Meta. Anh hiện sở hữu 157 tỷ USD. Việc này khiến ông chủ Meta lùi về vị trí người giàu thứ 4 hành tinh, nhường chỗ cho CEO Tesla Elon Musk.
Musk hôm qua có thêm 5,8 tỷ USD nhờ cổ phiếu Tesla đi lên. Hiện ông sở hữu 184 tỷ USD. Đầu tháng này, Zuckerberg từng vượt lên trên, lần đầu giàu hơn Musk kể từ năm 2020. Tính từ đầu năm, anh có thêm 29 tỷ USD.
Cổ phiếu Meta hôm qua lao dốc sau khi công ty này cho biết doanh thu quý II có thể thấp hơn dự báo của giới phân tích. Hãng cũng nâng dự báo mức đầu tư vào các sản phẩm AI mới và hạ tầng hỗ trợ trí tuệ nhân tạo trong năm nay, lên 96-99 tỷ USD. Mức chi có thể tiếp tục tăng năm tới.
Vài tháng gần đây, Zuckerberg cho biết trí tuệ nhân tạo (AI) là ưu tiên của hãng. Họ chuyển hướng tập trung sang công nghệ này sau khi OpenAI ra mắt chatbot ChatGPT năm 2022, tạo ra cơn sốt trí tuệ nhân tạo trên toàn cầu.
Vào tháng 4, Meta phát hành mô hình ngôn ngữ lớn mới nhất có tên Llama 3 và thông báo sẽ bắt đầu giới thiệu công nghệ này một cách nổi bật trong Instagram và WhatsApp. Llama 3 có khả năng tạo hình ảnh ngay lập tức và cung cấp cho người dùng bản tóm tắt bài viết.
Dẫu vậy, theo Paul Marino, giám đốc doanh thu của GraniteShares, giới đầu tư hiện nay vẫn khá lo ngại rủi ro Meta đầu tư quá mạnh vào AI. Các cổ đông muốn doanh thu cao hơn nữa để bù đắp sự gia tăng chóng mặt về chi phí.
Llama 3 ra đời trong bối cảnh cuộc đua AI nóng dần lên. Google, OpenAI cũng như các công ty khởi nghiệp như Anthropic và Mistral đang cạnh tranh để cung cấp các sản phẩm AI và chatbot phổ biến.
Các cổ đông hào hứng với tiềm năng của AI nhưng đồng thời cũng đang xem xét kỹ lưỡng số tiền mà các công ty chi ra để xây dựng mô hình và ứng dụng. Chi phí đã tăng lên đối với nhiều công ty công nghệ lớn nhất thế giới khi họ đẩy mạnh đầu tư vào máy chủ và thế hệ chip AI mới.
Về phần mình, các lãnh đạo của Meta vẫn vững tin vào chiến lược với AI. "Chúng tôi rất tự tin rằng mình là người đi đầu", Andrew Bosworth, Giám đốc công nghệ Meta chia sẻ với tờ Nikkei. "Chúng tôi đã đi tiên phong khá nhiều kỹ thuật phát triển mô hình ngôn ngữ lớn và vừa thành lập một nhóm AI sáng tạo mới từ vài tháng trước. Đây có lẽ sẽ là lĩnh vực mà tôi, CEO Mark Zuckerberg và Giám đốc sản phẩm Chris Cox chú trọng trong thời gian tới".
Ngoài ra, chia sẻ với Nikkei, ông Bosworth cũng tin rằng trí tuệ nhân tạo của Meta có thể cải thiện một phần hiệu quả của 'cỗ máy' quảng cáo bằng cách cung cấp các công cụ phù hợp. Cụ thể, thay vì sử dụng một hình ảnh duy nhất trong chiến dịch quảng cáo, các công ty có thể yêu cầu AI sáng tạo hình ảnh phù hợp với các đối tượng khác nhau. "Nó có thể giúp họ tiết kiệm rất nhiều thời gian và tiền bạc", Andrew Bosworth nói.
Dự báo chi tiêu vốn của Meta cho năm 2024 đã tăng lên 35 tỷ USD đến 40 tỷ USD, tăng từ mức từ 30 tỷ USD đến 37 tỷ USD. Động lực phần lớn đến từ chiến lược đầu tư vào AI. Trong năm 2025, con số này sẽ tiếp tục tăng lên.
Dự kiến doanh thu trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 rơi vào khoảng từ 36,5 tỷ USD đến 39 tỷ USD. Con số này thấp hơn mức 38,3 tỷ USD mà các nhà phân tích mong đợi.
Reality Labs của công ty, tập trung vào việc xây dựng phần cứng và phần mềm cho thực tế ảo và thực tế tăng cường, vẫn là bộ phận thua lỗ dù ghi nhận đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý. Đơn vị báo cáo doanh thu 440 triệu USD, tăng hơn 29% so với một năm trước. Khoản lỗ hoạt động là 3,8 tỷ USD.
Trong khi một số nhà đầu tư bày tỏ sự thất vọng với khoản lỗ đặt cược vào metaverse, số khác lại coi việc chi tiêu cho AI và Phòng thí nghiệm thực tế là dấu hiệu tích cực của tư duy dài hạn. Stephen Lee, đối tác tại Logan Capital Management, một nhà đầu tư của Meta, cho biết: "Một trong những lý do khiến chúng tôi trở thành cổ đông dài hạn của công ty là Meta sẵn sàng đầu tư vào các nền tảng thế hệ tiếp theo trước khi có động thái rõ ràng. Các công ty có thể sử dụng công nghệ đó để thực sự tạo ra doanh thu và lợi nhuận. Meta là một trong những công ty có vị thế tốt".
Theo BI, Meta cũng đang sử dụng AI nhằm cải thiện nội dung cho người dùng và nâng cao mảng quảng cáo trực tuyến vốn đã chịu thiệt hại nặng từ sau thay đổi bảo mật của Apple.
"Chúng tôi có nền tảng cơ sở hạ tầng để làm điều này với quy mô cực lớn và trải nghiệm mà nó đem lại sẽ vô cùng tuyệt vời", Mark Zuckerberg nói, đồng thời nhấn mạnh đây hiện đang là dự án nhận được đầu tư lớn nhất của Meta.
Từ đầu năm, cổ phiếu Meta đã tăng 25%. Một tháng qua, mã này còn liên tục tiến sát đỉnh lịch sử. Vốn hóa Facebook hiện về 1.120 tỷ USD.
Theo: CNN
An ninh tiền tệ