Cuộc chạy marathon dài nhất lịch sử: Chuyến hành trình 54 năm của Shizo Kanakuri, trên đường đi, ông đã kết hôn, có sáu người con và 10 đứa cháu!
Shizo Kanakuri, một vận động viên người Nhật Bản, nổi tiếng với kỷ lục độc đáo: hoàn thành cuộc đua marathon dài nhất trong lịch sử, kéo dài suốt 54 năm, 8 tháng, 6 ngày, 5 giờ, 32 phút và 20,3 giây.
- 21-04-2024Cụ bà 80 tuổi, mắc 2 căn bệnh ung thư vẫn chạy marathon tốt: bí quyết sống thọ là 5 điều rất quen, làm đều tuổi già không lo yếu
- 14-12-2023Nam sinh từng đỗ 21 trường ĐH, thực tập ở BIG3-4, giờ còn tới World Bank làm việc: Vì đời là cuộc chạy marathon!
- 10-12-2023Lão nông U70 và kho thành tích marathon đồ sộ khiến người trẻ phải nể phục, thậm chí từng ghi dấu ấn ở Sea Games
Nếu chạy marathon là một trong những thử thách thể thao khắc nghiệt nhất thì Shizo Kanakuri xứng đáng được gọi là "người đàn ông thép" trong giới marathon. Kanakuri bắt đầu chạy vào năm 1912 và hoàn thành nó một cách đáng kinh ngạc sau 54 năm, 8 tháng, 6 ngày, 5 giờ và 32 phút sau đó!
Sinh ra tại một thị trấn nông thôn trên đảo Kyushu vào năm 1891, Shizo không lạ gì với việc chạy đường dài ngay từ khi còn nhỏ, ông thường trekking gần 4 dặm đến trường mỗi ngày. Trên thực tế, ông đã lập kỷ lục thế giới khi hoàn thành cuộc đua marathon trong 2 giờ 32 phút và 45 giây tại một sự kiện trong nước. Thành tích này giúp ông trở thành một trong hai vận động viên Nhật Bản đầu tiên đủ điều kiện tham dự Thế vận hội.
Vào tháng 11 năm 1911, Kanakuri, 20 tuổi, đã quyết định tham gia Thế vận hội Stockholm 1912. Tuy nhiên, hành trình để ông tham gia Thế vận hội Stockholm cũng vô cùng gian khổ - để gây quỹ cho chuyến đi này, các bạn cùng lớp của Kanakuri đã tổ chức một chiến dịch toàn quốc quyên góp được 1.500 trong số 1.800 yên mà ông cần, phần còn lại là anh cả của ông chi trả. Bản thân cuộc hành trình đã mất 18 ngày mệt mỏi bằng tàu thủy và xe lửa băng qua Đường sắt xuyên Siberia.
Khi đến Stockholm, thể trạng của ông đã bị suy yếu và phải vật lộn để thích nghi với môi trường nước ngoài. Chưa dừng lại ở đó, điều kiện thời tiết khi tổ chức giải marathon cũng vô cùng bất lợi - Ngày 14 tháng 7 năm 1912, cuộc chạy marathon bắt đầu, nó được tổ chức trong một đợt nắng nóng oi bức, cuộc đua nóng đến mức đương kim vô địch Olympic Johnny Hayes đã chê bai đây là “sự ô nhục đối với nền văn minh”. Một vận động viên chạy bộ, Francisco Lázaro, đã gục ngã vì kiệt sức do nóng và qua đời một cách thương tâm, trở thành trường hợp tử vong đầu tiên tại Thế vận hội.
Bản thân Kanakuri cũng không chịu nổi ở mốc 16 dặm, do đó, ông đã loạng choạng rời khỏi đường đua trong tình trạng choáng váng, mê sảng cho đến khi ông thấy mình đang ở trong vườn của nhà một người dân và được cho uống nước ép hoa quả để hổi sức. Quá xấu hổ vì thành tích của mình, ông đã quay trở lại Nhật Bản mà không báo trước cho bất cứ ai, và tên của ông được thêm vào danh sách những người mất tích của Thụy Điển trong 50 năm tiếp theo!
Trong khi trận ra mắt Olympic của Kanakuri kết thúc trong thất vọng thì hành trình chạy marathon của ông chỉ mới bắt đầu. Ông tiếp tục thi đấu tại Thế vận hội 1920, về đích ở vị trí thứ 16 và thành lập cuộc chạy tiếp sức marathon Hakone Ekiden nổi tiếng ở Nhật Bản được tổ chức hàng năm kể từ năm 1920.
Điều đáng kinh ngạc nhất là vào năm 1967 ở tuổi 76, Kanakuri đã có cơ hội “hoàn thành” cuộc chạy marathon của mình ở Stockholm khi truyền hình Thụy Điển đưa ông trở lại để hoàn thành chặng đua sau khi một phóng viên Thụy Điển phát hiện ra ông đang làm giáo viên địa lý ở miền Nam Nhật Bản. Ngay khi đến Thụy Điển, ông đã háo hức “nhảy khỏi máy bay” và “chạy bộ quanh đường băng” để làm ấm chân và “thể hiện sức sống mãnh liệt”, theo hãng tin AP.
Ngày 20/3/1967, ông Kanukari đã hoàn thành cự ly marathon, với thời gian chính thức là 54 năm 8 tháng 6 ngày 5 giờ 32 phút 20,3 giây - một kỷ lục marathon "dài nhất" không ai có thể vỡ! Ông nói: “Đó là một chuyến đi dài. Trên đường đi, tôi đã kết hôn, có sáu người con và 10 đứa cháu”. Kanakuri qua đời vào ngày 13/11/1983 tại quê nhà Tamana, tỉnh Kumamoto, thọ 92 tuổi.
Câu chuyện của Shizo Kanakuri chứng minh rằng không bao giờ là quá muộn để hoàn thành một quá trình. Ông không chỉ được nhớ đến với tư cách là một vận động viên có tinh thần thép mà còn là biểu tượng của lòng khao khát và khao khát không bao giờ tắt. Cuộc sống của Kanakuri và chuyến hành trình lịch sử ông đã trải qua là nguồn cảm hứng vô tận cho nhiều thế hệ, có thể hiện rằng mục tiêu và ước mơ có thể đạt đến bất chấp những thử thách và thời gian.
Tham khảo: Earthlymission; Amusingplanet
Đời sống pháp luật