MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc chiến chống rác thải nhựa của ASEAN và 3 quốc gia 'dẫn đầu' về nhập khẩu nhựa là Malaysia, Thái Lan, Việt Nam

Ô nhiễm rác thải nhựa đã trở thành một vấn đề toàn cầu. Theo thống kê, lượng rác nhựa thải ra ngoài đại dương đã đến mức báo động 100 triệu tấn, trong đó có từ 80 đến 90% nguồn phát thải là ở đất liền.

Vấn đề này thực sự còn nghiêm trọng hơn ở ASEAN, khi lượng nhập khẩu rác nhựa từ các nước phát triển vào khu vực tăng mạnh, nhất là sau khi nước láng giềng Trung Quốc ra lệnh cấm nhập khẩu chất thải vào đầu năm 2018. Trong đó ba quốc gia ASEAN có lượng nhập khẩu nhựa nhiều nhất là Malaysia, Thái Lan và Việt Nam.

Theo số liệu từ Mỹ, trong nửa đầu năm 2018 có gần một nửa lượng chất thải nhựa được xuất khẩu từ quốc gia này tới Malaysia, Thái Lan và Việt Nam (với mục đích tái chế).

Tuy nhiên, hỗn hợp các chất thải nhựa bị ô nhiễm rất khó hoặc không thể tiến hành tái chế. Điều này dẫn tới một lượng lớn loại rác thải này bị đổ ra đại dương hoặc đem đi tiêu hủy.

Đông Nam Á được đánh giá là khu vực được hưởng lợi nhiều nhất từ việc bổ sung kiểm soát rác thải nhựa trong Công ước Basel, một công ước toàn cầu về kiểm soát vận chuyển qua biên giới và tiêu hủy các loại rác thải độc hại. Hiện cả 10 quốc gia thành viên của ASEAN đã tham gia ký kết công ước này.

Dự thảo sửa đổi của Công ước Basel cung cấp cho các bên tham gia quyền từ chối nhập khẩu các loại chất thải nhựa khó tái chế hoặc không thể quản lý được. Việc này sẽ đem lại sự kiểm soát tốt hơn với loại chất thải này, khiến việc quản lý trở nên minh bạch hơn, nhằm đảm bảo sự an toàn người dân và môi trường.

Cuộc chiến chống rác thải nhựa của ASEAN và 3 quốc gia dẫn đầu về nhập khẩu nhựa là Malaysia, Thái Lan, Việt Nam - Ảnh 1.

Ô nhiễm sông và biển tại Đông Nam Á đã không còn là vấn đề mới và thậm chí ngày càng nghiêm trọng bởi sự gia tăng dân số, tốc độ đô thị hóa cao và biến đổi khí hậu. Điều này đã dẫn tới sự suy thoái và cạn kiệt nhiều nguồn tài nguyên, trong đó có cả nước và các hệ sinh thái liên quan.

Nhiều con sông trong khu vực bị ô nhiễm nặng bởi chất thải sinh hoạt, công nghiệp và nông nghiệp, khiến chỉ số chất lượng nước (WQI) đạt ngưỡng không an toàn.

Nhiều vật thể khó tái chế, gây nguy hại cho môi trường như chai nhựa hay dép cao su thường được tìm thấy trôi nổi trên các dòng sông trong khu vực. Một khi đã bị thải ra sông, nếu không được xử lý kịp thời thì điểm đến tiếp theo của chúng sẽ là biển khơi.

Năm ngoái, truyền thông Malaysia đưa tin rằng nước này đã bắt đầu tiến hành gửi trả lại một lượng chất thải nhập khẩu. Năm 2018, quốc gia này đã ban hành lệnh cấm vĩnh viễn việc nhập khẩu các loại chất thải nhựa và cho biết sẽ loại bỏ hoàn toàn nhập khẩu các loại đồ nhựa vào năm 2021.

Trong những động thái tương tự, Việt Nam đã cấm việc cấp phép nhập khẩu chất thải nhựa và Thái Lan cũng hướng đến mục tiêu trên vào năm 2021.

Để giải quyết vấn đề rác thải nhựa và thúc đẩy cách tiếp cận hiệu quả trong việc phát triển đô thị bền vững, các nhà hoạch định chính sách cần phải hợp tác với khu vực tư nhân và cộng đồng quốc tế để tiến hành xây dựng các khung pháp lý và cơ chế thực thi có liên quan.

Cùng với đó, cũng cần phải tiến hành các nghiên cứu toàn diện, đánh giá tình hình ô nhiễm sông, biển, nhằm đưa ra các định hướng trong việc bảo vệ, cải thiện chất lượng nguồn nước.

Ngoài ra, việc tổ chức các chiến dịch nâng cao nhận thức, sát cánh cùng cộng đồng sẽ đảm bảo nâng cao nhận thức của người dân, góp phần giữ cho các con sông và vùng biển khỏi tình trạng ô nhiễm như hiện tại.

Hoàng Linh

The ASEAN Post

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên