Cuộc chiến giao đồ ăn: Khi Grab bắt đầu báo lãi thì NOW, Baemin, Gojek lỗ tới 3.700 tỷ riêng năm 2020
Khảo sát của GCOMM cho thấy tần suất sử dụng các dịch vụ đặt món trực tuyến của người thành thị hiện khá cao, 99% người tham gia khảo sát cho biết sử dụng các dịch vụ đặt thức ăn trực tuyến ít nhất 2-3 lần mỗi tháng.
Sau khi TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7, các ứng dụng giao đồ ăn như Grab, Now, Baemin…thông báo ngừng các dịch vụ giao đồ ăn trong phạm vi TP.HCM trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 9/7 hoặc cho đến khi có quyết định mới của cơ quan chức năng.
Điều này đã khiến rất nhiều người tiếc nuối đặc biệt là dân văn phòng và thế hệ GenZ (những người trẻ sinh trong khoảng 1995-2012), đối tượng phụ thuộc quá nhiều vào các ứng dụng giao đồ ăn.
Các ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến
Hãy thử tưởng tượng, trước khi Grab Food, Now, Baemin xuất hiện, dân văn phòng có rất ít sự lựa chọn cho bữa trưa. Hoặc sẽ đi ăn theo nhóm tại các hàng quán gần công ty, hoặc sẽ mang đồ ăn từ nhà đi. Khi các ứng dụng giao đồ ăn phát triển, chỉ cần vài thao tác nhỏ trên điện thoại di động, dân văn phòng sẽ có cả một thế giới đồ ăn đủ món, ship tất cả các khung giờ, ở mọi nơi mọi chỗ, đôi khi còn có rất nhiều voucher khuyến mại, tính ra giá còn rẻ hơn đi ăn trực tiếp ở cửa hàng.
Khảo sát của GCOMM cho thấy tần suất sử dụng các dịch vụ đặt món trực tuyến của người thành thị hiện khá cao, 99% người tham gia khảo sát cho biết sử dụng các dịch vụ đặt thức ăn trực tuyến ít nhất 2-3 lần mỗi tháng.
Dịch COVID-19 đã giúp dịch vụ giao thức ăn tăng trưởng cực thịnh. Theo báo cáo của Reputa– Social Listening Platform về thị trường giao thức ăn trực tuyến trong năm 2020 vừa qua, mảng giao hàng thực phẩm trực tuyến tại Việt Nam dự báo sẽ đạt giá trị hơn 38 triệu USD trong năm 2021 và duy trì mức tăng trưởng bình quân 11% trong 5 năm tới.
Trong đó, GrabFood là thương hiệu dẫn đầu thị trường khi chiếm đến 33,38% thị phần thảo luận, theo sau là Now với 23,16% lượng thảo luận, thứ 3 là BAEMIN với 21,95%.
Xu hướng thảo luận về dịch vụ giao đồ ăn theo báo cáo của Reputa
Theo phân tích từ Reputa, lý do chính yếu làm khách hàng hài lòng với dịch vụ là "chương trình ưu đãi, khuyến mãi" (chiếm đến 84%). Không phải tốc độ lúc nào cũng là điểm vượt trội, điều khách hàng quan tâm thật sự là dịch vụ nào có mã khuyến mãi nhiều nhất, thay vì là tốc độ giao hàng (yếu tố chỉ chiếm 2%). Ngoài ra, thời điểm bữa tối là lúc khách hàng sử dụng dịch vụ nhiều nhất, nhiều thương hiệu đã tận dụng tốt điểm này để thu hút lượng đơn hàng.
Theo nghiên cứu, Promotion (gồm chương trình khuyến mãi/ giảm giá, chương trình quảng bá Marketing) là mối quan tâm hàng đầu của khách hàng, trong đó BAEMIN dẫn đầu thị trường với các nội dung "Khao khủng, Khuyến mãi, Freeship" và chiến dịch truyền thông đặc sắc gắn với Trấn Thành, bộ nhận diện thương hiệu "mèo béo" bắt mắt và loạt Content Marketing "bắt trend". NowFood và GrabFood dẫn đầu về thị phần thảo luận dịch vụ giao hàng, đặc biệt các đánh giá về sự chuyên nghiệp của shipper, tốc độ giao hàng mang tính tích cực. GoFood có tỷ trọng thảo luận cao về trải nghiệm app khi thương hiệu này mới thay đổi app. Đứng sau đó là Loship với đa dạng dịch vụ được tích hợp như Lo-supply, Lozat, Lomec.
Trong cuộc chiến lấy thị phần người dùng, Baemin trong năm 2020 – 2021 đã tung ra rất nhiều chương trình khuyến mãi, như giảm 35.000 đồng cho đơn 50.000 đồng (giảm 70%), hay mua trà sữa 0 đồng, NOW thì có nhiều deal free ship, giảm 50%, trong khi Grab từ năm 2021 trở đi đã giảm rất nhiều khuyến mại.
Khuyến mại sâu của Baemin
Grab cũng tăng cường các hình thức khuyến mại
Do tăng các hình thức khuyến mại nên trong năm 2020, Baemin lỗ hơn 1.400 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với năm trước đó, chỉ trong 2 năm gia nhập thị trường Việt Nam, Baemin đã lỗ hơn 2.000 tỷ đồng. Trong khi đó NOW riêng năm 2020 lỗ 1.500 tỷ đồng, cuộc chơi đốt tiền đã khiến Be Group cắt mảng Be Food. Năm 2019, Lala (thuộc Ahamove) đã đóng cửa sau 1 năm thử nghiệm. Hay trước đó, FoodPanda - đối thủ trực tiếp của Now cũng đã phải "bán mình" cho Vietnammm.
Trong khi đa phần những tay chơi trên thị trường đều đang đốt tiền bằng các hình thức khuyến mãi để lôi kéo người dùng thì Grab bắt đầu có lãi sau 6 năm xâm nhập thị trường Việt Nam. Mặc dù mức lãi năm 2020 khá khiêm tốn, gần 240 tỷ đồng tuy nhiên điều này cho thấy Grab đã bắt đầu hái quả tại thị trường Việt. Khảo sát của Reputa cho thấy, ngoài các chương trình giảm giá thì người dùng quan tâm nhất đối với dịch vụ giao đồ ăn là sự đa dạng của nhà hàng, món ăn ưa thích, sau đó là dịch vụ của shipper, tốc độ giao hàng...
Với những người bán hàng, thực sự Grab Food, Now, Baemin, Go Food đã mang lại cơ hội cho các hàng quán trong ngõ ngách mở rộng tập khách hàng. Mặc dù các ứng dụng này thu phí 20-25% trên mỗi đơn hàng nhưng nhiều cửa hàng nhờ các ứng dụng gọi đồ ăn đã sống sót qua mùa dịch.
Mặc dù phải chia lại 1/4 giá trị đơn hàng cho các ứng dụng giao đồ ăn song các nhà hàng vẫn phải dựa vào các ứng dụng này để mở rộng tập khách hàng