MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc chiến khốc liệt giành tài sản của những gia tộc giàu nhất nước Mỹ

21-12-2020 - 09:59 AM | Tài chính quốc tế

Cuộc chiến khốc liệt giành tài sản của những gia tộc giàu nhất nước Mỹ

Dưới đây là câu chuyện đấu đá khốc liệt của 6 gia tộc tỷ phú Mỹ, những minh chứng cho thấy tiền không phải lúc nào cũng mua được hạnh phúc.

Tháng 9 vừa qua, một tỷ phú thuộc một trong những gia tộc giàu có nhất nước Mỹ qua đời. Di chúc của ông chỉ định rõ tài sản sẽ được phân chia như thế nào cho các thành viên trong gia đình, bao gồm con cái, con riêng và các anh chị em, ngoại trừ người em gái Susan. Đây là diễn biến mới nhất trong “cuộc chiến gia tộc” kéo dài hàng thập kỷ giữa các thành viên nhà Gore.

Câu chuyện của gia tộc Gore không quá hiếm hoi. Trong danh sách 50 gia tộc giàu có nhất nước Mỹ mà Forbes thống kê gần đây, có ít nhất 6 gia tộc đã và đang phải trải qua những tấn bi kịch, với các cuộc chiến pháp lý, lừa đảo nhận con nuôi và thậm chí là cả các cáo buộc giết người.

Gia tộc Gore: Cuộc chiến giành quyền thừa kế Gore Tex

Giá trị tài sản: 8,2 tỷ USD

Bill Gore (mất năm 1986) và vợ ông Genevieve (mất năm 2005), những người thành lập W.L. Gore – công ty sản xuất ra loại vải chống thấm Gore-Tex – đã tạo nên một “thùng thuốc súng” khi quyết định lập quỹ tín thác cho các cháu nội ngoại, nhằm phân bổ tài sản của mình tới toàn bộ các thành viên của gia đình.

Mâu thuẫn xảy ra khi cô con gái Susan chỉ sinh được 3 người con, trong khi các anh chị em còn lại mỗi người sinh được tới 4 người con. Điều này đồng nghĩa với việc con của Susan sẽ nhận được ít tài sản hơn các em chị em họ của mình. Vì thế năm 2003, Susan nghĩ ra cách giải quyết vấn đề, đó là nhận người chồng cũ 65 tuổi làm con nuôi hợp pháp để tăng số người được nhận thừa kế.

Tuy nhiên, động thái khiến toàn bộ thành viên còn lại trong gia tộc Gore tức giận cũng không mang lại kết quả. Người chồng cũ từ chối thực hiện cam kết chia số tài sản nhận được cho 3 người con và vào năm 2012, tòa án tối cao Delaware ra phán quyết rằng cả chồng cũ cũng như các con của Susan không được hưởng phần thừa kế.

Câu chuyện không dừng lại ở đây. Khi Bob Gore – anh trai của Susan – qua đời vào tháng 9 vừa qua, ông để lại di chúc, trong đó nêu rõ: nếu các con của ông không còn sống ở thời điểm ông qua đời, toàn bộ tài sản của ông sẽ được chia đều cho các anh chị em – ngoại trừ Susan.

Cuộc chiến khốc liệt giành tài sản của những gia tộc giàu nhất nước Mỹ  - Ảnh 1.

Bill và David Koch. Ảnh: Getty Images

Gia tộc Koch: Vụ kiện đòi phần chênh lệch cổ phiếu bán sớm
Giá trị tài sản: 100 tỷ USD

Mâu thuẫn của gia tộc Koch xảy ra giữa 4 người anh em trai. Năm 1980, William (Bill) Koch tìm cách giành quyền kiểm soát công ty gia đình Koch Industries, tuy nhiên kế hoạch của ông thất bại và Bill đã bị sa thải khỏi công ty. Ba năm sau, ông cùng người anh cả Frederick bán lại cổ phần công ty mình đang nắm giữ cho 2 người anh em Charles và David với giá hơn 700 triệu USD.

Song, Bill và Frederick sớm hối hận vì đã bán số cổ phiếu với giá đó và dành 18 năm để theo đuổi các vụ kiện tụng để đòi thêm số tiền tương xứng với giá trị thực của số cổ phiếu. Tới năm 2001, mọi việc mới được dàn xếp ổn thỏa.

Dưới sự điều hành của Charles và David, doanh thu của tập đoàn Koch đã lên tới 115 tỷ USD mỗi năm, với các mảng kinh doanh đa dạng, bao gồm đường ống dẫn dầu, hóa chất, cốc Dixie và thảm Stainmaster. Cả Charles và David đều nằm trong danh sách những người giàu nhất nước Mỹ của Forbes với khối tài sản khoảng 44,9 tỷ USD mỗi người.

David Koch qua đời vào tháng 8/2019. Vợ ông, Julia, và 3 người con thừa kế 42% cổ phiếu của David tại Koch Industries. Trong khi đó, tài sản của Bill chỉ vào khoảng 1,5 tỷ USD. Người anh cả Frederick theo đuổi con đường nghệ thuật và qua đời vào tháng 2/2020.

Cuộc chiến khốc liệt giành tài sản của những gia tộc giàu nhất nước Mỹ  - Ảnh 2.

Liesel Pritzker Simmons. Ảnh: Getty Images


Gia tộc Pritzker: Vụ kiện quỹ ủy thác của cô gái 18 tuổi

Giá trị tài sản: 32,5 tỷ USD

Người thừa kế khách sạn Hyatt, Liesel Pritzker, chỉ mới 18 tuổi khi nộp đơn kiện cha và 11 người anh họ khác với cáo buộc đã lạm dụng quỹ tín thác của cô và người anh trai Matthew, đồng thời đòi khoản bồi thường lên tới 6 tỷ USD. Theo đơn kiện, cha cô, Robert Pritzker – người đã ly hôn với mẹ cô, bà Irene – đã sử dụng tiền trong quỹ tín thác của hai con mình để đóng cổ phần cho công ty gia đình bên nội. Tuy nhiên nhiều năm sau, khi các anh em họ của cô lên kế hoạch chia tài sản, họ đã bỏ qua Liesel và anh trai cô.

“Đây không phải là vấn đề tiền bạc”, Liesel Pritzker cho biết trong cuộc phỏng vấn với Forbes vào năm 2003. “Tôi nộp đơn vì tôi muốn biết điều gì đã xảy ra. Nó sẽ rất phức tạp và sẽ mất nhiều thời gian.”

Kết cục, Liesel chỉ nhận được 500 triệu USD. Cuộc chiến dẫn đến việc khối tài sản bị chia năm xẻ bảy và tạo ra thêm gần một chục tỷ phú mang họ Pritzkers trong danh sách những người giàu nhất nước Mỹ. Danh sách này bao gồm cả thống đốc bang Illinois J.B. Pritzker – chính trị gia giàu nhất đất nước – hiện sở hữu khối tài sản trị giá 3,4 tỷ USD.

Gia tộc Goldman: Cuộc chiến giành quyền thừa kế giữa mẹ và các con

Giá trị tài sản: 13,2 tỷ USD

Khi qua đời vào năm 1987, Sol Goldman đang sở hữu đế chế bất động sản lớn nhất thành phố New York. Ông thậm chí từng nắm trong tay cả tòa nhà Chrysler nổi danh. Ngay sau khi ông qua đời, vợ ông – bà Lilian – và 4 người con bắt đầu tranh giành quyền thừa kế.

Năm 1983, hai vợ chồng Sol và Lilian đã đệ đơn ly hôn, nhưng sau đó hòa giải. Vào năm 1984, cả hai đã ký một thỏa thuận, theo đó  Lillian được sở hữu 33% tài sản của chồng mình. Thảo thuận này sau đó đã bị các con của bà phản đối. Nhưng sau 5 năm kiện cáo, mọi việc vẫn lâm vào bế tắc. Khi Lillian qua đời vào năm 2002, tòa án đã phán quyết chia đều tài sản của bà cho các con.

Gia tộc Rollins: Vụ kiện kéo dài gần 1 thập kỷ

Giá trị tài sản: 13,1 tỷ USD

Năm 1948, 2 anh em Wayne Rollins và John Rollins đã thành lập Rollins Inc., sau này trở thành một trong những công ty diệt côn trùng lớn nhất ở Bắc Mỹ với doanh thu 2 tỷ USD vào năm 2019.

Các con trai của Wayne, Randall (mất tháng 8 năm 2020) và Gary, tham gia vào công việc kinh doanh của gia đình. Năm 2010, 4 người con của Gary đã kiện cha và chú của họ, cho rằng họ bị từ chối quyền phân bổ tiền mặt hợp pháp. Cũng trong khoảng thời gian đó, vợ của Gary là Ruthie đệ đơn ly dị Gary sau 45 năm chung sống.

Sau 9 năm kiện tụng và phiên tòa kéo dài 2 tuần, các thành viên trong gia tộc đã đạt được một thỏa thuận bí mật vào năm 2019.

Cuộc chiến khốc liệt giành tài sản của những gia tộc giàu nhất nước Mỹ  - Ảnh 3.

Edward J. "Joe" Shoen cùng con trai trên vai. Ảnh: Getty Images

Gia tộc Shoen: Cuộc chiến giành quyền kiểm soát U-Haul

Giá trị tài sản: 9 tỷ USD

Ba thập kỷ sau khi hai vợ chồng Leonard S. Shoen và Anna Mary Shoen đồng sáng lập công ty cho thuê xe tải và xe kéo U-Haul, Leonard và con trai cả của ông, Samuel, đã mở rộng lĩnh vực kinh doanh của công ty sang các mảng hoàn toàn mới: cho thuê băng video, sàn nhảy và ván trượt.

Hai người con còn lại, Joe và Mark, nghĩ rằng Samuel đang phá hoại công ty. Năm 1986, Joe đã có hành động bất ngờ để nắm quyền kiểm soát công ty và buộc cha mình phải nghỉ hưu, đồng thời giữ khoảng cách với hầu hết 12 người anh chị em ruột và anh chị em cùng cha khác mẹ của mình (Leonard đã tái hôn sau khi người vợ đầu tiên của ông qua đời).

Gia đình Shoen sa lầy trong các vụ kiện tụng trong suốt 25 năm. Thậm chí, Leonard S. Shoen có lúc còn đưa ra cáo buộc những người con trai bị ghẻ lạnh của mình tham gia vào vụ sát hại vợ của Samuel hồi năm 1990 (một kẻ hiếp dâm sau đó đã thú nhận là hung thủ vụ giết người này). Leonard S. Shoen tự tử vào năm 1999. Vụ kiện cuối cùng kết thúc vào năm 2012. Joe và Mark mỗi người hữu khoảng 1/5 cổ phiếu của Amerco – công ty mẹ của U-Haul.

Theo Đỗ Hiền

NDH

Trở lên trên