MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc chiến năng lượng bất ngờ xoay trục: châu Âu đang giành phần thắng?

01-11-2022 - 16:18 PM | Thị trường

Cuộc chiến năng lượng bất ngờ xoay trục: châu Âu đang giành phần thắng?

Sau nhiều tháng lo sợ về việc thiếu hụt nguồn cung khí đốt trong mùa đông, các thương nhân đang thận trọng hơn trong việc đánh giá khả năng chịu đựng của châu Âu.

Giá khí gas đã giảm gần 65% kể từ khi đạt mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 8. Các kho dự trữ khí đốt trên khắp lục địa đã được lấp đầy và sẵn sàng cung cấp cho các hộ gia đình và ngành công nghiệp trong mùa đông năm nay. Ngay cả các tàu chở khí đốt tự nhiên hoá lỏng đường biển cũng đang đối diện với tình trạng ùn tắc tại các cảng Châu Á để chờ được dỡ hàng.

Sau nhiều tháng lo sợ về việc thiếu hụt nguồn cung khí đốt trong mùa đông, hầu hết các thương nhân sẽ thận trọng hơn trong việc nhận định về vận may của Châu Âu đã được cải thiện hay chưa.

Thời tiết ấm hơn bình thường trong vài tuần trở lại đây đã làm chậm thời điểm bắt đầu sử dụng lò sưởi. Trong khi đó, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh việc cắt giảm tiêu thụ khí đốt. Như vậy, lượng khí đốt cho cao điểm mùa đông năm nay sẽ dồi dào hơn.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng khí đốt đã được giải quyết chưa hoàn toàn được khẳng định.

Giá khí đốt giao sau vẫn cao ngất ngưởng, đặc biệt là vào đầu năm tới khi thời tiết lạnh hơn, vẫn còn lo ngại Châu Âu có thể nhanh chóng tiêu thụ hết lượng khí đốt dự trữ, kéo theo nguồn cung sẽ bị thắt chặt sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh.

Giá gas tại Châu Âu được giao dịch quanh mức 115 euro/MWh, tương đương 180 USD/thùng nếu tính theo giá dầu. Các hợp đồng khí đốt giao trong tháng 12 và tháng 1 ở mức trên 230 USD/thùng.

Alex Tuckett, Trưởng bộ phận Kinh tế tại CRU Group cho biết: “Tình hình chung ở Châu Âu là mọi người dường như đang khá tự tin - giá giao ngay hiện đã giảm, kho chứa đã đầy nhưng còn quá sớm để nói rằng mọi thứ sẽ ổn”.

Cuộc chiến năng lượng bất ngờ xoay trục: châu Âu đang giành phần thắng? - Ảnh 1.

Giá gas châu Âu lao dốc từ đỉnh hồi tháng 8.

Henning Gloystein, Giám đốc phụ trách bộ phận năng lượng, khí hậu và tài nguyên của Công ty tư vấn địa chính trị của Eurasia Group cho rằng Châu Âu đủ khả năng lấp đầy các kho dự trữ của mình dù phải mua với giá cao ngất ngưởng.

“Kho dự trữ đầy khiến việc phân bổ năng lượng trong mùa đông trở nên dễ dàng hơn và thậm chí ít khả năng cắt điện hơn. Đồng thời, rủi ro kinh tế suy thoái kinh tế dù không thể ngăn chặn được nhưng cũng được giảm bớt phần nào” ông Gloystein cho biết.

Tuy nhiên, vị này không chắc chắn rằng điều tồi tệ nhất đã qua vì yếu tố thời tiết chi phối nhiều đến thị trường khí đốt. Nếu mùa đông năm nay không quá lạnh thì Đức, nền kinh tế lớn nhất Châu Âu có thể chỉ dùng hết khoảng một nửa kho dự trữ.

Nếu thời tiết chỉ lạnh hơn bình thường một chút thì dự trữ khí đốt của Đức sẽ gần như cạn kiệt vào cuối mùa đông và họ phải tập trung cắt giảm nguồn cung.

Điều đó dẫn đến một trong những nỗi sợ hãi lớn nhất là ngay cả khi Châu Âu có thể vượt qua mùa đông năm nay nhưng năm tới tình hình sẽ càng trở nên tồi tệ hơn và sức nóng của thị trường khí đốt cũng sẽ không dừng lại. Nhu cầu sưởi ẩm có thể giảm xuống nhưng Châu Âu không thể ngừng cuộc đua tích trữ năng lượng.

Nhưng không giống như 6 tháng đầu năm 2022 khi nguồn cung của Nga vẫn còn được duy trì, Châu Âu có thể đối mặt với cuộc chiến khó khăn hơn để đảm bảo nguồn cung dự trữ khí đốt phục vụ cho mùa đông.

Châu Âu đã khai thác gần hết các nguồn khí đốt sẵn có, từ việc tăng nhập khẩu LNG cho đến việc yêu cầu Na Uy tối ưu hoá sản lượng trong nhiều tháng. Có rất ít cách bổ sung nguồn cung khí đốt trên toàn cầu cho đến giữa thập kỷ này. Và nếu không có khí đốt của Nga, EU sẽ cần nhiều LNG hơn nữa trong 12 tháng tới.

Vì vậy, giá gas tương đối thấp ở thời điểm hiện tại chỉ là tạm thời. Giá gas giao sau đã phản ánh nỗi lo này khi hợp đồng giao trong quý I/2024 quanh mốc trên 200 USD/thùng.

Triển vọng giá khí đốt giảm vẫn có thể thành hiện thực. Các nhà điều hành ngành năng lượng Châu Âu cho rằng vẫn chưa rõ mức độ ảnh hưởng của việc giá khí đốt leo thang tàn phá thế nào đến nhu cầu vì một số công ty đã ký hợp đồng mua hàng với kỳ hạn rất dài. Khi giá khí đốt tăng mạnh trở lại, nhiều doanh nghiệp sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi cú sốc giá năng lượng.

Vậy liệu Châu Âu có đang chiến thắng trong cuộc chiến khí đốt? Về dài hạn, các nền kinh tế có thể tìm cách vượt qua cơn khủng hoảng năng lượng này nhưng về ngắn hạn họ sẽ còn nhiều điều phải ứng phó.

Tham khảo: FT

Khánh Vy

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên