Cuộc chiến ngành mỳ ăn liền ngày càng cam go
Thị trường nông thôn được cho là nơi tiêu thụ phần lớn sản lượng mì gói tại Việt Nam.
- 02-07-2016Acecook, Masan, Asia Foods chắc hẳn phải rất lo lắng bởi người Việt đang cảm thấy "hoang mang" với mì gói
- 21-04-2016Không còn cơ hội cho Kido tranh giành thị phần với Masan, Acecook?
- 01-04-2016Câu hỏi nóng trước đại hội Masan: Mì gói hết tăng trưởng? Cổ phiếu bao giờ tăng?
CTCP Uniben, doanh nghiệp sở hữu các nhãn hiệu mì ăn liền Reeva, 3 Miền vừa ra thông cáo báo chí trích dẫn số liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel cho biết công ty này đã vượt qua Masan Consumer để trở thành công ty đứng thứ 2 về thị phần mì ăn liền tại khu vực nông thôn. Công ty này cho biết, khu vực nông thôn chiếm phần lớn lượng tiêu thụ mì gói tại Việt Nam.
Theo đó, Acecook Việt Nam đứng đầu với 27,4%, thứ 2 là Uniben với 26,3% và thứ 3 là Masan Consumer với 25%.
Thương hiệu “3 Miền” cũng đang chiếm 22% thị phần, cùng chia sẻ vị trí số 1 trên thị trường với Hảo Hảo của Vina Acecook.
Lâu nay, số liệu của một số công ty nghiên cứu thị trường khác như Euromonitor hay BMI cho biết, Top 3 thị phần mì ăn liền tại Việt Nam vốn nằm trong tay 3 công ty Acecook, Masan Consumer và Asia Foods.
Ai sở hữu nhãn hiệu mì 3 Miền?
Thành lập từ năm 1992, công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Việt Hưng chỉ là một cái tên nhỏ bé trong lĩnh vực mì ăn liền, xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Nga và châu Âu. Năm 2004, công ty này ra mắt thương hiệu 3 Miền với sản phẩm chủ lực là mì gói. Sau đó, thương hiệu thứ 2 mang tính cao cấp hơn là Reeva ra đời. Hiện nay, các sản phẩm của công ty không chỉ là mì gói mà còn có hạt nêm I - ốt 3 Miền, phở, hủ tiếu, cháo 3 Miền, nước mắm 3 Miền.
Năm 2014, Việt Hưng đổi tên thành UNIBEN. Với vốn điều lệ 400 tỷ đồng và tổng tài sản hơn 850 tỷ đồng, khi đó, Uniben Foods chiếm thị phần 17,7% trong ngành mì gói tại thị trường nông thôn, kém xa con số 30,3% của Acecook Việt Nam và 27,3% của Masan Consumer.
Vừa qua, UNIBEN đã tăng vốn lên 900 tỷ đồng. Cổ đông lớn nhất là UNIBEN Holdings nắm hơn 34,7 triệu cổ phần tương đương 38,6% vốn điều lệ. Với tiềm lực tài chính gấp 2,5 lần trước đây, UNIBEN đã giành được thành công bước đầu trong trận chiến mì gói vốn bị thống trị bởi 3 ông lớn Vina Acecook, Masan Consumer và Asia Foods.
Báo cáo của Kantar cũng cho biết, về giá trị, thương hiệu “3 Miền” đang chiếm 22% thị phần, cùng chia sẻ vị trí số 1 trên thị trường cùng với Hảo Hảo. Về số lượng, chênh lệch thị phần giữa UNIBEN và Acecook (nhà sản xuất Hảo Hảo) gần như không đáng kể, hiện chỉ còn xấp xỉ 1%.
Theo số liệu năm 2014, doanh thu thuần của UNIBEN là 1.760 tỷ đồng – bằng 61% của Vina Acecook và bằng 42% của Masan Consumer.
Chìa khóa thành công là gì?
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Phát triển Kinh doanh của Kantar Worldpanel cho biết, thị trường hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) của cả năm 2015 lẫn nửa đầu năm 2016 chỉ tăng trưởng xoay quanh con số 5%, quá thấp so với tốc độ 2 con số của những năm về trước. Tuy nhiên dư địa để tăng trưởng ở thị trường nông thôn vẫn còn rất lớn.
Theo nghiên cứu của công ty này, trong khoảng 100 ngành hàng FMCG đang bán tại nông thôn vẫn "có đến 70% ngành hàng có mức tiếp cận người mua dưới 50%". Riêng trong lĩnh vực mì gói, thị trường nông thôn là nơi tiêu thụ hơn 80% sản lượng.
Tuy nhiên, cuộc chơi bán hàng ở nông thôn không hề đơn giản. Đã có nhiều công ty phải bỏ cuộc.
Ông Nguyễn Huy Hoàng cho biết, từ tháng 9/2015 đến nay, nhãn hiệu mì 3 miền của UNIBEN liên tục chiếm giữ vị trí nhãn hiệu được chọn mua nhiều nhất ở khu vực nông thôn Việt Nam, tăng trưởng liên tục ở mức 2 con số trong suốt 2 năm qua.
Chìa khóa thành công của công ty này là gì? Từ góc độ của người nghiên cứu thị trường, ông Hoàng cho rằng sự tăng trưởng này đến từ việc nhãn hàng đã làm đồng thời các yếu tố: sản phẩm, giá bán, phát triển hệ thống phân phối, quảng cáo khuyến mại, Đặc biệt là chữ P đầu tiên trong 4P của Marketing (Products, sản phẩm) khi đưa ra các sản phẩm hợp khẩu vị người tiêu dùng và có giá bán phù hợp thu nhập.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận, việc chi mạnh tay cho hoạt động marketings là yếu tố vô cùng quan trọng. Từng chia sẻ trên báo chí, Giám đốc marketing của chủ thương hiệu mì 3 Miền đã tiết lộ, quảng cáo chiếm tới hơn 60% tổng chi phí marketing và bán hàng của đơn vị. Không những thế, chi phí này bắt buộc phải tăng theo thời gian nếu muốn chiếm được thị phần.
Bên cạnh đó, con số tài chính của UNIBEN cho hay, doanh thu bán hàng của công ty năm 2014 là 2.162 tỷ đồng nhưng sau khi giảm trừ, chiết khấu hàng bán, doanh thu thuần chỉ còn 1.760 tỷ đồng. Điều này cho thấy doanh nghiệp đã “chi đậm” cho công tác bán hàng như thế nào. Dù sao, điều đó cũng đã đem lại thành quả rất lớn cho doanh nghiệp.
Trí Thức Trẻ