Cuộc chiến taxi công nghệ ngày càng khốc liệt
Sau khi bị Grab thâu tóm và chiếm lĩnh phần lớn thị trường thì một loạt các hãng gọi xe trong và ngoài nước cũng bắt đầu tham gia khiến cuộc chiến gọi xe công nghệ ngày càng khốc liệt.
- 05-06-2018Grab tăng giá cước sau khi thâu tóm Uber
- 19-05-2018Không để bài học Uber, Grab tái diễn trong ngành hàng không
- 18-05-2018Bộ Công thương điều tra chính thức việc tập trung kinh tế giữa Grab và Uber tại Việt Nam
Cách đây mấy ngày, ứng dụng gọi xe Aber của nhóm kỹ sư công nghệ người Việt du học ở Châu Âu trên nền tảng công nghệ của Cộng hòa Liên bang Đức đã ra mắt tại TPHCM.
Chọn TPHCM là nơi đầu tiên Aber cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, ông Huỳnh Lê Phú Phong, thành viên sáng lập Aber cho biết sẽ tung ra 6 sản phẩm dịch vụ là: xe ôm công nghệ, taxi công nghệ, xe giao hàng - xe tải, trải nghiệm dịch vụ Aber, xe doanh nghiệp, dịch vụ giao hàng.
Bên cạnh đó, dịch vụ của Aber được cho là sẽ có giá cước cạnh tranh, nhiều chương trình ưu đãi cho hành khách và đưa ra mức chiết khấu phù hợp với tài xế (miễn phí sử dụng app với tài xế nếu doanh thu trong tháng dưới 500.000 đồng).
Aber vừa vào Việt Nam với giá cước cạnh tranh
Ông Phú Phong thừa nhận, dù ra đời trong bối cảnh mà những ứng dụng công nghệ khác đã nắm phần lớn thị trường nhưng Aber tự tin sẽ tồn tại và mang lại thêm một sự lựa chọn cho khách hàng.
“Thị trường Việt Nam vẫn còn rất tiềm năng để các ứng dụng gọi xe khai thác. Đây chính là thời điểm vàng để chúng tôi gia nhập thị trường. Aber không lo lắng vì Aber ra đời không để cạnh tranh với bất kỳ đối thủ nào mà Aber ra đời để phục vụ cho người Việt và thêm một sự lựa chọn cho người Việt. Và mục tiêu lớn nhất của Aber là phục vụ tốt nhất cho người tiêu dùng chứ không quan tâm đến đối thủ khác” – ông Phong bày tỏ.
Về giá cước, Aber Bike tính 11.000 đồng/2km đầu và từ kilomet tiếp theo 3.500 đồng/km; với Aber Car từ 5 - 7 chỗ có giá từ 22.500 – 27.000 đồng/2km đầu, những kilomet tiếp theo sẽ được tính 9.900 đồng/km.
Người dùng được lợi khi so sánh giá cước các hãng xe phù hợp
Trước đó, ông lớn trong ngành vận tải – là công ty cổ phần xe khách Phương Trang tuyên bố sẽ rót hơn 2.000 tỷ vào ứng dụng gọi xe Vivu để đổi tên thành VATO.
Điểm khác biệt ứng dụng này khác với Grab là cho phép người dùng mặc cả với lái xe (giá tối thiểu VATO đưa ra) để có thể nhanh chóng hoàn thành chuyến đi.
Tập đoàn Mai Linh cho biết đơn vị cũng nhanh chóng tung ra thị trường ứng dụng gọi xe Mai Linh Bike và cam kết chỉ thu 15% chiết khấu doanh thu chuyến đi của tài xế, thấp hơn 5% so với GrabBike. Mức giá cước được Mai Linh Bike áp dụng là 11.000 đồng/2km đầu và 3.700 đồng/km tiếp theo, đồng thời cam kết không tăng giá vào giờ cao điểm.
Mới đây, FastGo là ứng dụng gọi xe đầu tiên tích hợp bảo hiểm trên mọi chuyến đi cho khách hàng cũng vừa “chào sân” tại Hà Nội. Đặc biệt, FastGo không thu phí chiết khấu theo tỷ lệ % mà chỉ thu phí dịch vụ tối đa không quá 30.000 đồng/ngày.
Các hãng gọi xe chiếm thị phần lớn sẽ không còn giữ thế độc quyền như hiện nay
Sắp tới, 2 ứng dụng gọi xe là Go-Jek từ Indonesia, và MVL từ Singapore đang tích cực mời gọi giới tài xế Việt Nam để chuẩn bị “xuống đường” vào đầu tháng 7 tới đây.
Ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông – Vận tải) cho rằng: “Nhà cung cấp nào mang đến dịch vụ tốt nhất, phù hợp với sở thích của người dân thì sẽ được ưa chuộng. Trong cuộc cách mạng 4.0 hiện nay, người dân mong muốn sẽ có nhiều công ty nội địa tham gia vào cung cấp ứng dụng gọi xe. Thị trường cạnh tranh hơn, vận tải hiệu quả hơn thì người dân càng được hưởng lợi”.
Như vậy, đã có gần chục hãng gọi xe công nghệ tại Việt Nam đang cạnh tranh với Grab. Do đó, khách hàng sẽ có nhiều sự lựa chọn cả về giá cước, chất lượng phục vụ của tài xế mà không còn phụ thuộc vào tình trạng độc quyền của bất cứ một hãng xe nào.
Tiền phong