MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc chiến thị phần: Lộc Trời và VFG làm sao chống chọi với cơn bão hàng nhập khẩu từ Trung Quốc?

02-12-2017 - 10:04 AM | Doanh nghiệp

Trước sức ép cạnh tranh, đặc biệt từ hàng nhập khẩu, cả 2 doanh nghiệp dẫn đầu ngành BVTV tại VN đang gặp nhiều khó khăn với bài toán giữ thị phần.

Trong khi thị trường chứng khoán ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất trong vòng chục năm qua, thế nhưng nhóm cổ phiếu ngành thuốc Bảo vệ thực vật (BVTV) lớn trên sàn như LTG của Tập đoàn Lộc Trời hay VFG của Công ty Cổ phần Khử trùng Việt Nam đang trải qua những ngày tăm tối nhất kể trong lịch sử.

Và dù trước đó không lâu, cả 2 cổ phiếu của này từng nhận được nhiều kỳ vọng của các nhà đầu tư về tiềm năng tăng trưởng. Thế nhưng sau giai đoạn cao trào của sự kỳ vọng, cổ phiếu cả 2 DN đầu ngành này đang âm thầm sụt giảm để lại những dấu hỏi lớn về triển vọng tăng trưởng trong giai đoạn tiếp theo có thực sự rõ ràng?

'Ngộp thở’ với hàng nhập

Những báo cáo gần đây cho thấy, lượng nhập khẩu thuốc BVTV từ Trung Quốc đang tăng nhanh trở lại kể từ năm 2016. Theo Bộ NN&PTNT, trong 9 tháng đầu năm, nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật và nguyên vật liệu đã tăng 47,9% so với cùng kỳ đạt 739 triệu USD. Trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 54,2% tương đương 400,5 triệu USD (tăng 66% so với cùng kỳ).

Với tốc độ tăng trưởng nhanh, con số xấp xỉ 50% thị phần từ các sản phẩm nhập khẩu có nguồn gốc từ Trung Quốc được phân phối thông qua kênh bán hàng của hàng trăm doanh nghiệp, đại lý nhỏ đang có nguy cơ nới rộng so với thị phần trong nước. Trong khi đó, số liệu được CTCK BVSC tổng hợp cho thấy lượng tiêu thụ thuốc BVTV bắt đầu có biểu hiện chững lại. Nguyên nhân được BVSC đưa ra là trong những năm gần đây, diện tích đất trồng trọt không còn tăng đáng kể trong khi sự phát triển của ngành giống mang lại các loại gien mới có sức chống chịu tốt với sâu bệnh hơn cũng góp phần làm cho nhu cầu thuốc BVTV giảm.


Lượng tiêu thụ thuốc BVTV có xu hướng giảm trước đòi hỏi ngày càng cao về yêu cầu ATTP

Lượng tiêu thụ thuốc BVTV có xu hướng giảm trước đòi hỏi ngày càng cao về yêu cầu ATTP

Không những vậy, trong một cuộc hội nghị nói về làm sao để hỗ trợ DN Việt xuất khẩu nông sản qua Hàn Quốc diễn ra các đây không lâu, đại diện của 2 tập đoàn Lotte và CJ đã nêu ra một thực trạng đau đớn của ngành nông nghiệp Việt Nam đó là dư lượng hoá chất quá lớn trong các loại rau củ quả của Việt Nam đã tạo ra một rào cản lớn khi đưa hàng hoá sang tiêu thụ tại thị trường Hàn Quốc. Không chỉ riêng Hàn Quốc mà xu hướng tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp đã có sự thay đổi rất lớn trên thế giới.

Theo đó, xu hướng sử dụng thuốc BVTV có trách nhiệm hơn, khoa học hơn và dần chuyển sang sử dụng các loại thuốc BVTV có chất lượng cao để đảm bảo vệ điều kiện sinh an toàn thực phẩm của nông sản đầu ra là một xu hướng không thể đảo ngược. Trong 5 năm sắp tới, BVSC cũng không kỳ vọng một sự tăng đột phá trong tổng nhu cầu của ngành do chi tiêu thuốc BVTV của Việt Nam không còn thấp so với khu vực trong khi tổng diện tích đất trồng trọt không còn khả năng tăng nhanh như trước đây.

Quy mô thị trường đang có chiều hướng giảm, trong khi sức cạnh tranh của các sản phẩm từ TQ ngày càng mãnh liệt đang trở thành một thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp đang sản xuất và phân phối thuốc BVTV. Dù Lộc Trời và VFG hiện vẫn đang dẫn đầu DN trong nước về thị phần thuốc BVTV với thị phần lần lượt 20% và 7,4% và cùng là đối tác phân phối của Syngenta – hãng thuốc BVTV hàng đầu thế giới đến từ Thuỵ Sỹ nhưng vẫn khó tách khỏi xu hướng chung.

Tìm lời giải cho bài toán thị phần

Ngay tại cuộc gặp các Nhà đầu tư trước thềm niêm yết trong năm nay, đại diện Lộc Trời cũng đã cho rằng lĩnh vực BVTV đang có sự cạnh tranh mạnh mẽ với hơn 200 DN sản xuất thuốc BVTV trong nước. Trước những khó khăn đó, Lộc Trời đã có sự ứng phó bằng cách tổ chức lại hệ thống phân phối. Từ việc chỉ bán hàng cho 200-300 đại lý trung gian ban đầu, Lộc Trời đã chuyển hướng sang phát triển mạnh hệ thống bán lẻ với trên 5.000 điểm bán lẻ khắp cả nước và thậm chí bán trực tiếp đến nông dân.

Thực tế cho thấy LTG cũng phải chấp nhận chi lớn cho hoạt động bán hàng và các hoạt động khuyến mãi cho các đại lý. Chính điều này đã giúp cho hiệu quả hoạt động của Tập đoàn trong 9 tháng đầu năm vẫn có sự tăng trưởng nhẹ lên mức 3.472 tỷ so với mức 3.358 tỷ đồng cùng kỳ. Với giá vốn thấp, biên lãi gộp mảng này của LGT lên đến 1.238 tỷ đồng, tương đương mức lãi gộp đạt đến 35,6% so với mức 32,6% cùng kỳ năm trước.

Theo phân tích của CTCK BVSC, Lộc Trời đã tạo ra lợi thế cạnh tranh ở quy mô và hệ thống phân phối. Nhờ quy mô lớn, Lộc Trời có lợi thế hơn so với các DN cùng ngành ở thời điểm hiện tại khi giảm được chi phí sản xuất. Sự kết nối với nông dân thông qua chuỗi cung ứng nông nghiệp, từ vật tư đến thu mua, chế biến lúa gạo mà Tập đoàn Lộc Trời đang có cũng là một sự khác biệt giúp LTG vượt trội so với các đối thủ cùng ngành.

Đồng thời, Lộc Trời gần đây cũng cho biết đã đạt được thoả thuận với Syngenta và có thể hợp tác với một số đối tác khác để phân phối các loại sản phẩm mới bên cạnh sản phẩm truyền thống của Syngenta hiện nay. Danh mục sản phẩm rộng cũng giúp cho các sản phẩm của Lộc Trời được thị trường nhận diện tốt hơn.

Trong khi đó, VFG – doanh nghiệp nội địa thị phần thứ 2 về thị phần dường như vẫn chưa thể thích nghi được trước sự thay đổi. Kết quả là trong 9 tháng đầu năm nay, VFG dù đã phải tăng chiết khấu cho hoạt động bán hàng nhưng kết quả vẫn chưa được cải thiện. Tổng doanh số 9 tháng của mảng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật & giống cây trồng giảm 11,1% so với cùng kỳ xuống còn 1.141 tỷ đồng. Đây cũng là mức sụt giảm lần đầu tiên trong nhiều năm tăng trưởng của VFG.

Theo Bộ phận phân tích của CTCK HSC, trong khi LTG chuyển sang làm việc trực tiếp với các đại lý bán lẻ thì VFG vẫn giữ kênh phân phối 2 cấp (VFG bán hàng trực tiếp cho đại lý bán buôn để đại lý bán buôn bán lại cho các đại lý bán lẻ). Như vậy các đại lý bán lẻ sẽ nhận được chiết khấu cao hơn khi bán sản phẩm của LTG. Điều này làm hạn chế sức cạnh tranh của sản phẩm VFG trên thị trường.

VFG trong năm nay đã đưa vào vận hành nhà máy mới tại Long An với công suất tăng gấp 3 lần từ 3.500 tấn lên 9.500 tấn với mục tiêu doanh thu đến năm 2020 là 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, HSC cho biết sau khi đưa vào hoạt động trong nửa cuối năm nay, công suất hoạt động mới chỉ đạt khoảng 4.000-4.500 tấn/năm so với tổng công suất thiết kế là 9.500 tấn/năm; tương đương tỷ lệ công suất hoạt động/công suất thiết kế là 42-44%.

HSC cho biết, để ứng phó với việc doanh thu giảm và tỷ lệ sử dụng công suất thấp, VFG sẽ sử dụng phần công suất còn lại để sản xuất gia công và dự kiến sẽ đưa ra thị trường sản phẩm mới tự pha trộn có giá rẻ hơn .Dù vậy, HSC cũng cho rằng việc đưa ra thị trường sản phẩm giá thấp chưa phải là giải pháp toàn diện và VFG có lẽ cần xem xét nghiêm túc hơn về chiến lược của mình.

Huy Nguyên

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên