MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

BVSC dự báo hàng loạt ngành kinh doanh tại Việt Nam hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Ở các ngành hàng như lắp ráp đồ điện tử, các loại chip, chất bán dẫn, hàng may mặc, da giày, sản xuất đồ chơi trẻ em, đồ dùng thể thao, đồ gỗ nội thất... Việt Nam có cơ hội rất lớn trong việc giành thêm thị phần từ Trung Quốc tại thị trường Mỹ cũng như thu hút thêm vốn FDI vào các ngành hàng này, qua đó tạo thêm việc làm, tăng xuất khẩu, cải thiện cán cân thương mại.

CTCK Bảo Việt (BVSC) vừa đưa ra báo cáo "Toàn cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung" với những dự báo về các nhành hàng Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến này.

Theo đánh giá của BVSC, nếu chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tiếp tục leo thang lên quy mô toàn diện, cơ hội sẽ đến với rất nhiều nước khác trong vai trò thay thế các mặt hàng xuất khẩu vào hai thị trường Mỹ và Trung Quốc, trong đó có Việt Nam.

Ở các ngành hàng như lắp ráp đồ điện tử, các loại chip, chất bán dẫn, hàng may mặc, da giày, sản xuất đồ chơi trẻ em, đồ dùng thể thao, đồ gỗ nội thất... Việt Nam có cơ hội rất lớn trong việc giành thêm thị phần từ Trung Quốc tại thị trường Mỹ cũng như thu hút thêm vốn FDI vào các ngành hàng này, qua đó tạo thêm việc làm, tăng xuất khẩu, cải thiện cán cân thương mại.

Theo BVSC, với mảng điện thoại di động, thiết bị điện tử viễn thông, linh kiện máy tính, đồ điện tử gia dụng, giá trị Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ 256 tỷ USD (năm 2017), việc chuyển hướng đầu tư sản xuất các mặt hàng điện tử sang các thị trường khác ngoài Trung Quốc dù quy mô được dự báo không lớn nhưng có thể cũng mang đến những thuận lợi cho các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Riêng đối với mặt hàng điện thoại di động, Việt Nam hiện đang là nơi sản xuất lớn nhất của Samsung với sản lượng khoảng 240 triệu chiếc/năm, theo sau là Trung Quốc với sản lượng 150 triệu chiếc/năm. Samsung đang có kế hoạch cắt giảm sản lượng khoảng 40 triệu sản phẩm tại Trung Quốc do giá nhân công cao kết hợp với rủi ro chiến tranh thương mại Mỹ -Trung leo thang nên Tập đoàn này càng có lý do để đẩy mạnh chuyển hướng đầu tư sang các nước khác. Trong bối cảnh này, Việt Nam có cơ hội thu hút thêm vốn đầu tư của Samsung. Theo đó, thu hút vốn FDI, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng, các khu công nghiệp sẽ được hưởng lợi, nhiều việc làm mới sẽ được tạo ra.

Đối với hàng may mặc, giày dép, đồ dùng thể thao, đồ chơi trẻ em, đồ nội thất, giá trị Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ là 85 tỷ USD (2017).

Năm 2017, Mỹ là thị trường XK dệt may lớn nhất của Việt Nam với 12,2 tỷ USD (tương đương gần 50% tổng XK hàng dệt may của Việt Nam ra thế giới). Hàng dệt may của Việt Nam vào Mỹ hiện đang chịu mức thuế từ 8-10%. Ngành dệt may và da giày được dự báo là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất trong chiến tranh thương mại nhờ hai khía cạnh.

Thứ nhất, là đồng NDT mất giá mạnh so với USD, qua đó NDT cũng mất giá so với VND giúp các doanh nghiệp nhập được vải và các nguyên phụ liệu dệt may, da giày với giá rẻ hơn.

Thứ hai, là các ngành này của Việt Nam có thể lấy thêm được thị phần của Trung Quốc tại thị trường Mỹ nhờ mức giá cạnh tranh hơn cũng như thu hút được thêm vốn đầu tư FDI, từ đó giúp xuất khẩu tăng, nhiều việc làm mới được tạo ra.

Ở nhóm hàng đồ chơi và dụng cụ thể thao, năm 2017, Việt Nam xuất khẩu tổng cộng 1,24 tỷ USD, trong đó riêng thị trường Mỹ đạt 434 triệu USD. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng là cơ hội để các đơn hàng chuyển dần sang Việt Nam, qua đó giúp Việt Nam thu hút thêm nhiều vốn FDI, tăng XK và tạo thêm việc làm.

Đối với mảng đồ gỗ nội thất, giá trị Trung Quốc XK vào Mỹ là 20 tỷ USD (2017), các đơn hàng đồ gỗ nội thất có thể sẽ chuyển từ các nhà máy tại Trung Quốc sang các nước khác trong khu vực Đông Nam Á như Malasia, Thái Lan, Việt Nam…

Năm 2017, Việt Nam XK 7,6 tỷ USD gỗ và các sản phẩm gỗ, trong đó riêng thị trường Mỹ đạt 3,2 tỷ USD. Chiến tranh TM Mỹ-Trung cũng mở ra cơ hội nhận được thêm các đơn hàng xuất khẩu cho các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ nội thất của VN như TTF, SAV…

Về mảng sắt thép các loại, giá trị Trung Quốc XK vào Mỹ là 1 tỷ USD (2017), việc Mỹ áp thuế mang đến lo ngại thép Trung Quốc sẽ tìm một thị trường khác để tiêu thụ hoặc "xuất khẩu nhờ" vào Mỹ, trong đó Việt Nam có thể là một địa chỉ lý tưởng. Tuy nhiên, trên thực tế, lượng thép Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ năm 2017 có quy mô khá nhỏ (chỉ là 740.000 tấn) nên nếu có tràn vào Việt Nam tiêu thụ thì cũng không đáng lo ngại.

Ngoài ra, sản phẩm thép xây dựng và tôn mạ của VN hiện vẫn được bảo vệ tốt nhờ hàng rào thuế quan nên Trung Quốc khó có khả năng cạnh tranh ở những mặt hàng này. Trong khi đó, nguy cơ Việt Nam trở thành nơi trung chuyển để thép Trung Quốc đi "đường vòng" sang Mỹ mặc dù có nhưng mức độ cũng khá hạn chế do lượng thép Trung Quốc XK vào Mỹ cũng không lớn.

Các ngành hàng nào sẽ bị tác động khi Trung Quốc đáp trả?

Hiện tại, Trung Quốc đã có động thái đáp trả đối với hầu hết các gói đánh thuế của Mỹ nhắm vào hàng Trung Quốc. Tác động cụ thể của việc Trung Quốc áp thuế trả đũa lên hàng hàng nhập khẩu từ Mỹ đối với một số ngành hàng của Việt Nam cũng được BVSC đề cập.

Ở mảng chip và chất bán dẫn, giá trị Mỹ XK vào TQ là 6 tỷ USD (2017), Khi Trung Quốc đánh thuế vào mặt hàng này, các công ty đa quốc gia của Mỹ có thể sẽ chịu áp lực cơ cấu lại chuỗi cung ứng. Việt Nam có thể được hưởng lợi từ xu hướng này.

Năm 2017, Việt Nam nhập khẩu 37 tỷ USD máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, trong đó nhập từ Mỹ là 2,8 tỷ USD. Intel hiện đã có nhà máy tại Việt Nam nên hoàn toàn có khả năng công ty này sẽ phân bổ đầu tư nhiều hơn cho Việt Nam trong chuỗi cung ứng sản phẩm của họ.

Ở mảng đậu tương, ngô, giá trị Mỹ XK vào Trung Quốc là 12,3 tỷ USD (2017), không nhập khẩu từ Mỹ, Trung Quốc có thể sẽ quay sang nhập khẩu đậu tương từ các nước khác. Giá đậu tương và ngô của Mỹ giảm là cơ hội cho các doanh nghiệp ở các nước khác phải nhập khẩu đậu tương và ngô mua được giá rẻ.

Với diễn biến mới từ giá đậu tương và giá ngô Mỹ, nhiều khả năng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chuyển hướng sang tăng nhập khẩu đậu tương và ngô từ Mỹ với giá rẻ hơn.

Đối với mảng bông, giá trị Mỹ XK vào Trung Quốc đạt 1,06 tỷ USD (2017), giá bông thế giới vẫn khá ổn định, không chịu áp lực giảm quá tiêu cực do cầu vẫn lớn. Năm 2017, Việt Nam nhập khẩu 2,3 tỷ USD bông, trong đó 50% là nhập khẩu từ Mỹ (tương đương 1,2 tỷ USD). Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể dẫn đến việc Việt Nam là một điểm trung chuyển khi tăng nhập khẩu bông từ Mỹ sau đó xuất khẩu lại sang Trung Quốc.

Long Nhật

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên