MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Cuộc chiến” trần nợ công khiến Mỹ đứng trên bờ vực thảm họa kinh tế chưa từng có

23-05-2023 - 09:25 AM | Tài chính quốc tế

Nước Mỹ đang đứng trên bờ vực của một thảm họa kinh tế nghiêm trọng chưa từng có và điều này đang tạo ra nhiều áp lực đối với nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden.

Bế tắc trong các cuộc đàm phán về vấn đề trần nợ công đang khiến tình hình tài chính của chính phủ Mỹ bị đe dọa. Tháng 1 năm nay, nợ chính phủ Mỹ đã chạm mức trần 31,4 nghìn tỷ USD. Khi khối nợ của chính phủ đạt đến mức trần, việc tăng trần nợ công sẽ được đưa ra bỏ phiếu tại Quốc hội và cần phải đạt được sự ủng hộ của cả Thượng viện và Hạ viện.

“Cuộc chiến” trần nợ công khiến Mỹ đứng trên bờ vực thảm họa kinh tế chưa từng có - Ảnh 1.

Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (phải). Nguồn: Reuters

Theo luật của Mỹ, trần nợ công là mức trần pháp lý về số tiền mà chính phủ Mỹ có thể vay. Nếu Quốc hội nước này không thể đi đến thống nhất trong việc nâng trần nợ, chính phủ có thể vỡ nợ.

Tổng thống Biden hiện đang tìm cách đạt thỏa thuận trong các cuộc đàm phán về trần nợ, nỗ lực thu hẹp bất đồng với phe Cộng hòa, ngay cả khi điều này có thể khiến nhiều thành viên trong đảng Dân chủ của ông không hài lòng.

Hôm 21/5, ông Biden và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy đã đồng ý khởi động lại các cuộc đàm phán, một ngày sau khi cuộc đàm phán về trần nợ kéo dài 2,5 tiếng rơi vào bế tắc do mâu thuẫn đảng phái. Điều này gửi đi tín hiệu đầy hy vọng rằng hai bên có thể tránh được một thảm họa kinh tế chỉ trong vòng 11 ngày nữa.

Phát biểu với báo chí tại Điện Capitol sau cuộc điện đàm, ông McCarthy cho biết: “Cuộc thảo luận của tôi với tổng thống rất hiệu quả. Tôi nghĩ rằng, các bên có thể giải quyết một số vấn đề nếu ông ấy hiểu những gì chúng tôi đang xem xét”.

Ông Mac Carthy và nhà đàm phán hàng đầu của Đảng Cộng hòa Garret Graves nhấn mạnh, mấu chốt của các cuộc đàm phán liên quan đến mức độ và thời hạn của hạn chế mới đối với chi tiêu liên bang.

Cuộc gọi trên được thực hiện khi ông Biden đang trên đường trở về từ hội nghị thượng đỉnh G7 ở Nhật Bản. Ông đã cắt ngắn chuyến công du ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để về nước tham gia cuộc đàm phán về trần nợ. Trước đó, ông Biden đã kêu gọi các thành viên đảng Cộng hòa “từ bỏ quan điểm cực đoan vì phần lớn yêu cầu của họ không thể chấp nhận được”. “Không có bất cứ thỏa thuận lưỡng đảng nào có thể đạt được chỉ dựa trên điều kiện của một đảng phái. Họ cũng phải thỏa hiệp”.

Theo giới phân tích, cuộc điện đàm giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Hạ viện Mc Carthy có thể tạo tiền đề cho một tuần đầy căng thẳng và đầy rủi ro, sẽ quyết định liệu Mỹ có thể nâng trần nợ công trước hạt chót là ngày 1/6 để tránh nguy cơ vỡ nợ hay không.

“Cuộc chiến” trần nợ công khiến Mỹ đứng trên bờ vực thảm họa kinh tế chưa từng có - Ảnh 2.

Quan điểm khác biệt giữa phe Dân chủ và phe Cộng hòa

Hiện, cuộc đàm phán giữa các phái viên của Nhà Trắng và đảng Cộng hòa vẫn bị cản trở do vấn đề chính sách và chi tiêu cốt lõi. Khi được hỏi về các vấn đề chính sách lớn đang cản trở các bên đạt được một thỏa thuận, ông Graves nói rằng: “Những con số là nền tảng quan trọng. Chủ tịch hạ viện đã nói rõ rằng: "Ranh giới đỏ chính là chi tiêu ít hơn. Đây là điều cốt lõi, còn các vấn dề khác thực sự không liên quan”.

Đảng Cộng hòa muốn Tổng thống Joe Biden phải cắt giảm chi tiêu để đổi lấy sự ủng hộ của họ trong việc nâng trần nợ công. Còn Đảng Dân chủ muốn duy trì chi tiêu ổn định ở mức của năm nay, đồng thời yêu cầu tăng trần nợ một cách vô điều kiện trong thời gian dài.

Ngày 21/5, trả lời báo chí tại Hiroshima, Nhật Bản, Tổng thống Biden cho biết, ông có quyền kích hoạt Tu chính án 14 để tránh Mỹ vỡ nợ. Đây cũng là biện pháp mà nhiều thành viên đảng Dân chủ đã đề xuất để giải quyết bế tắc liên quan đến trần nợ mà không cần sự thông qua của Quốc hội.

Theo Tu chính án 14, “tính hợp lệ của khoản nợ công sẽ không thể bị nghi ngờ,” tức là Mỹ có thể vay thêm tiền ngay cả khi Quốc hội không hành động cho phép nâng mức trần nợ công. Đây được coi là tuyên bố cứng rắn nhất của ông Biden liên quan đến vấn đề trần nợ công. Nhưng không rõ động thái này có thể giải quyết được cuộc khủng hoảng hay không vì Mỹ có nguy cơ cạn tiền để thanh toán các hóa đơn trong vòng 11 ngày tới. Bên cạnh đó, chính ông Biden cũng thừa nhận những thách thức pháp lý tiềm ẩn của biện pháp này.

Tổng thống Biden cho biết thêm, chính phủ Mỹ đã cắt giảm chi tiêu và sẽ tiếp tục làm như vậy nhưng ông lập luận rằng câu hỏi cơ bản là giới hạn chi tiêu ở những lĩnh vực nào. Các trợ lý của ông Biden đã đưa ra đề xuất mà họ cho là nhượng bộ quan trọng, đó là Quốc hội có thể giữ nguyên chi tiêu cho một số chương trình trong nước như giáo dục, nghiên cứu khoa học, viện trợ nhà ở. Nhà Trắng cũng đề xuất giữ nguyên chi tiêu quốc phòng trong năm 2024.

Tháng 4 vừa qua, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua Dự luật “Giới hạn, Tiết kiệm, Tăng trưởng”, nhằm nâng trần nợ, trong khi cắt giảm chi tiêu liên bang và bãi bỏ nhiều biện pháp của Tổng thống Biden liên quan đến biến đổi khí hậu và nợ sinh viên (Student Debt). Nhưng những đề xuất này bị chính quyền Biden và nhiều nghị sỹ Dân chủ trong quốc hội phản đối.

Hiện các bên vẫn giữ quan điểm khác biệt về những vấn đề chính. Đảng Cộng hòa cho rằng không thể nâng mức trần nợ công nếu chính quyền không có các biện pháp mạnh tay để giảm thâm hụt ngân sách, chẳng hạn như cắt giảm chi tiêu cho an sinh xã hội và hạn chế diện tiếp cận với Medicaid, chương trình trợ cấp cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, thu hồi các quỹ viện trợ Covid-19 chưa sử dụng, thay đổi quy trình cấp phép cho các dự án năng lượng nhằm hỗ trợ cho các dự án nhiêu liệu hóa thạch.

Phe Dân chủ đã phản đối biện pháp trên, đồng thời đưa ra kế hoạch tăng thuế đối với những người giàu nhất cùng các tập đoàn hiện đang được hưởng các khoản giảm thuế lớn và thúc đẩy các dự án năng lượng sạch.

Đảng Dân chủ muốn việc hạn chế chi tiêu chỉ kéo dài khoảng 2 năm, nhưng Đảng cộng hòa muốn kéo dài thời hạn của các hạn chế này trong khoảng 1 thập kỷ bởi hiệu lực càng kéo dài thì mức thâm hụt ngân sách sẽ càng giảm. Tranh cãi về chi tiêu và thuế đã khiến các bên khó đạt được thỏa thuận nâng trần nợ công.

Mâu thuẫn giữa các đảng phái trong cuộc đàm phán nâng trần nợ đang khiến Mỹ đứng trên bờ vực của thảm họa kinh tế nghiêm trọng. Phát biểu trên chương trình “Gặp gỡ báo chí” của NBC hôm 21/5, Bộ trưởng Tài chính Janet L. Yellen cảnh báo, khả năng chính phủ có thể duy trì hoạt động và thanh toán tất cả các hóa đơn cho đến giữa tháng 6 là “khá thấp”. “Nếu trần nợ không được nâng, chính phủ Mỹ sẽ phải đưa ra lựa chọn khó khăn khi quyết định những hóa đơn nào không thanh toán”.

Rất khó để dự đoán chính xác điều gì sẽ diễn ra tiếp theo, nhưng các nhà kinh tế cảnh báo rằng, nếu chính phủ Mỹ vỡ nợ thì điều này sẽ gây ra tình trạng suy thoái, kéo theo đổ vỡ hệ thống tài chính, khiến dịch vụ an sinh xã hội bị trì hoãn, hàng loạt nhân viên chính phủ bị sa thải và lãi suất cho vay thế chấp tăng vọt.

Theo Hồng Anh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên