Ai sẽ sống sót trong cuộc chiến “triệu người dùng” của ví điện tử và ngân hàng số?
Với thị trường 93 triệu dân như Việt Nam, việc vượt qua con số 1 triệu người dùng là cột mốc mà các ứng dụng tài chính điện tử số đều mong muốn đạt tới. Tuy nhiên, “triệu người dùng” mới là sự khởi đầu và câu chuyện làm thế nào để tiếp tục sống là không dễ trả lời.
- 23-05-2018Ngân hàng tăng phí, ví điện tử lên ngôi
- 04-01-2018Miễn nhiều loại phí, các ví điện tử đang kiếm lãi từ đâu?
- 31-12-2017Ví điện tử nhiều tiềm năng nhưng vì sao chưa thể phát triển?
- 13-12-2017Hơn 20 ví điện tử đã được cấp phép tại Việt Nam gồm những tên tuổi nào?
Những "tay chơi có số"
Sau vài năm có mặt trên thị trường fintech, Momo hiện có số người đăng ký sử dụng khoảng hơn 6 triệu, kế đến là Ví Việt với hơn 2 triệu người dùng.
Mới ra mắt chính thức ngày 29/6/2018, nhưng chỉ sau vài tháng, dịch vụ ngân hàng số có tên ViettelPay đã vượt ngưỡng 1 triệu người dùng. Đây là sản phẩm tài chính số có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thị trường trong thời gian gần đây.
Ngoài 3 sản phẩm kể trên, thị trường còn có sự góp mặt của Zalo Pay với sự đầu tư từ VNG và các nhà đầu tư nước ngoài như Goldman Sachs, Tencent (Trung Quốc); Samsung Pay từ Samsung; cùng với hơn 20 fintech khác có tương quan yếu hơn như Moca, Vimo, Payoo… chưa cho thấy tiềm năng để vượt lên con số triệu người dùng.
Nguồn tin từ Vimo cho biết, chiến lược của ví điện tử này là tập trung phát triển các điểm chấp nhận thanh toán và liên kết chứ chưa tập trung vào phát triển người dùng. "Việc tập trung vào các thị trường có nhu cầu thực và có khả năng sinh lời sẽ giúp cho Vimo phát triển cân bằng và có mục tiêu trọng điểm. Chúng tôi không thể giải quyết cả 2 bài toán cùng một lúc vì quá khó".
"Cuộc thi bơi vượt đại dương"
Trên thực tế, dù không chính thức thừa nhận, trong số hơn 20 ngân hàng số, ví điện tử đang hoạt động trên thị trường, khá nhiều công ty nhỏ cũng gặp bài toán nan giải như Vimo về khả năng tồn tại trong dài hạn. Chủ tịch một công ty tài chính lớn có trụ sở ở Hà Nội nhận xét, bây giờ là thời "trăm hoa đua nở" nhưng tất cả phải tham gia "một cuộc thi bơi vượt đại dương" và sau vài năm nữa "chỉ còn một số ông trụ được".
Thực tiễn tại một số quốc gia khác cũng cho thấy, với thị trường cạnh tranh số quyết liệt, số lượng fintech hay ví điện tử có thể phát triển tốt chỉ là 2-3. Tại thị trường tỷ dân của Trung Quốc, sau khoảng gần 5 năm "bơi vượt đại dương", chỉ còn 2 sản phẩm chiếm hầu hết thị phần là Ali Pay và Wechat Pay.
Theo đánh giá của vị chủ tịch công ty tài chính nói trên, tại Việt Nam, trong số 20 ví điện tử và dịch vụ ngân hàng số trên thị trường, ngoài các sản phẩm phục vụ nhu cầu nội bộ (thanh toán thẻ game, thương mại điện tử cuả chính công ty đó), nhiều fintech độc lập sẽ bị sáp nhập hoặc khai tử. Thực tiễn cho thấy, các fintech không thể tồn tại riêng biệt mà phải có hệ sinh thái về dịch vụ.
Trong số hàng chục sản phẩm tài chính số trên thị trường, những fintech triệu người dùng hiện nay sẽ là các tay chơi tiềm năng nhất có thể trụ lại được. Tuy nhiên, việc có được triệu người dùng thậm chí mới chỉ là sơ khởi bởi rất nhiều trong số các tài khoản đăng ký là ảo, được khởi tạo bởi các chương trình khuyến mại.
Khoảng trống ở thị trường nông thôn
Ông Trần Nhất Minh, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam, tiết lộ dù có hơn 20 ví điện tử ở Việt Nam, nhưng người dùng thực tế rất thấp, ngay cả việc sử dụng để trả tiền hóa đơn các dịch vụ như điện, nước, Internet, mua vé xem phim, nạp thẻ điện thoại… "Nguyên nhân là vẫn có hơn 90% thanh toán thương mại điện tử bằng tiền mặt, việc thanh toán qua các tiện ích công nghệ Fintech còn rất hạn chế".
Thị trường chứng minh, một chức năng cực kỳ quan trọng trong giai đoạn hiện nay là có thể nạp và rút tiền một cách dễ dàng ở mọi nơi. Đó chính là khoảng trống mà cả ViettelPay, Momo, Ví Việt – những sản phẩm triệu người dùng, đã hướng tới.
Tháng 2/2018, Momo bắt đầu có những đi để tiếp cận được thị trường nông thôn khi liên kết với Agribank để có thể mở rộng thêm kênh phân phối của mình tại khu vực nông thôn, miền núi. Ví Việt chủ yếu dựa vào hệ thống chi nhánh ngân hàng của Lienviet Post Bank nên số điểm giao dịch không lớn nếu so với Momo.
Vượt trội hơn cả, với 120.000 điểm trên toàn quốc, có mặt ở tất cả các xã nhờ dựa vào hệ thống phân phối của Viettel. Ngoài ra, so với các ngân hàng số khác, ViettelPay còn có tính năng đặc biệt là chuyển tiền mặt tận nhà tới bất kỳ nơi nào trên lãnh thổ Việt Nam trong vòng 2h và dùng được với mọi loại điện thoại, không cần smartphone, không cần Internet và dùng được đa mạng.
Ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc Viettel Telecom cho biết: "Chúng tôi có hệ thống phân phối phủ tới tất cả các xã trên toàn quốc nên ViettelPay sẽ đi vào thị trường nông thôn, nơi chưa có dịch vụ tài chính số nào khai thác. Nhờ đó, chúng tôi sẽ là nhà cung cấp duy nhất có thể kết nối dễ dàng các khách hàng dùng dịch vụ ngân hàng số từ thành thị tới nông thôn, điều mà các sản phẩm khác sẽ khó làm vì chi phí quá lớn".
Việt Nam, quốc gia với một lợi thế có dân số trẻ và am hiểu về công nghệ, với sự phát triển Internet đang thuộc top đầu của Đông Nam Á, cùng với sự chú ý từ các nhà đầu tư nước ngoài, thị trường Fintech Việt đang phát triển nóng. Theo dự báo, trong khoảng 3 năm tới, những "tay chơi" có tiềm lực có khả năng tồn tại và phát triển tốt như ViettelPay hay Momo… trong "cuộc thi bơi vượt đại dương" sẽ dần hiện rõ. Đặc biệt, chỉ có những sản phẩm với hạ tầng tốt và hệ sinh thái dịch vụ đa dạng mới có cơ hội trụ lại cao.