MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc đời khác biệt giữa những người ngày ngủ 6 tiếng và người ngủ 8 tiếng: Áp lực và sự bất lực đầy rẫy, nhưng muốn sống tiếp, nên học cách tự điều chỉnh bản thân

30-08-2020 - 21:46 PM | Sống

Chỉ khi bạn trải qua đủ mọi đau khổ do thức khuya mang lại, bạn mới nhận ra hy sinh giấc ngủ để dành nhiều thời gian cho công việc hay các trò giải trí trên điện thoại là việc làm sai trái cỡ nào.

Trong những năm gần đây, số người mắc chứng mất ngủ ngày càng gia tăng. Theo khảo sát, có đến 81% số người ngủ ít hơn 8 tiếng, 60% số người thường ngủ trong khoảng thời gian từ 11 giờ tối – 5 giờ sáng, và 46,61% số người thức dậy trước 7 giờ sáng.

Trong đó, có hơn một phần ba số người trưởng thành không ngủ đủ giấc trong những ngày đi làm, nhưng chỉ có một số ít có thể ngủ bù vào cuối tuần.

Hãy hỏi những người xung quanh và bạn sẽ nhận ra, rất ít người có thể duy trì lịch trình ngủ đều đặn 8 tiếng mỗi ngày. Dù bạn có đăng status lúc 1,2 giờ đêm đi nữa, cũng sẽ có người like hoặc comment ngay lập tức.

Ngủ không đủ giấc, và thức dậy với cặp mắt gấu trúc vào hôm sau, là hiện trạng sống của rất nhiều người.

Đó là do công việc quá bận? Điện thoại quá vui? Hay một căn bệnh?

Cuộc đời khác biệt giữa những người ngày ngủ 6 tiếng và người ngủ 8 tiếng: Áp lực và sự bất lực đầy rẫy, nhưng muốn sống tiếp, nên học cách tự điều chỉnh bản thân  - Ảnh 1.

Những người thường xuyên thức khuya, sẽ có khác biệt gì?

Một thí nghiệm được thực hiện tại một trường học ở Anh sẽ đưa ra câu trả lời.

Tinh nguyện viên trong thí nghiệm này là Sarah Chalmers, khi ngủ đủ 8 tiếng trong một tuần, người ta nhận thấy tình trạng của cô ấy luôn tỉnh táo, da dẻ hồng hào, và có thái độ sống rất tích cực, vui vẻ.

Nhưng một tuần kế tiếp, khi cô ấy thực hiện thí nghiệm chỉ ngủ 6 tiếng/ ngày, cô ấy bắt đầu có những thay đổi rõ rệt, gương mặt phờ phạc, làn da sần sùi, thân hình gầy guộc và thậm chí còn rất dễ nổi nóng với người xung quanh.

Đây chỉ là sự thay đổi được tạo ra trong 7 ngày liên tiếp, vậy giả sử nếu trường hợp này kéo dài suốt 7 tháng thì sao?

Câu hỏi này khiến chúng ta phải tự cảnh tỉnh và suy nghĩ về thói quen, lối sống hiện tại của chính mình.

Thức khuya trong thời gian càng dài, càng dễ dàng dẫn đến nhiều tác hại xấu cho cơ thể và mắt. Đáng nguy hiểm hơn là, những nguy hiểm này thường tiềm ẩn, và chúng ta rất khó để nhận ra bằng mắt thường nếu không trải qua những cuộc xét nghiệm, thăm khám bệnh.

Theo nghiên cứu, đối với những người trẻ thường xuyên ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi ngày, trong cơ thể họ sẽ có 711 gen bị biến đổi.

Mà sự thay đổi của của hơn 700 loại gen này có tác động trực tiếp đến sự trao đổi chất, khả năng miễn dịch trong cơ thể chúng ta. Chức năng gen bị thay đổi càng nhiều, trạng thái tinh thần và sức khỏe của chúng ta sẽ càng không ổn định.

Tóm lại, nếu tác hại nhẹ, chúng ta sẽ bị rụng tóc, giảm trí nhớ; còn nặng hơn thì có thể dẫn đến sa sút trí tuệ, tăng tốc độ lão hóa và nguy cơ bị ung thư...

Thậm chí, những người trưởng thành ngủ ít hơn 4 tiếng mỗi ngày có tỉ lệ tử vong cao hơn nhiều so với những người khác.

Nếu tìm kiếm từ khóa: "Những người đột tử vì thức khuya" trên mạng, sẽ có rất nhiều cái tên được hiện lên, mà đa số trong đó toàn là người trẻ tuổi.

Sống trên đời, chúng ta thường nghe người khác nhắc bản thân phải luôn sống có trách nhiệm với gia đình, với xã hội, nhưng lại ít ai nhắc bạn rằng, bảo vệ sức khỏe của chính mình cũng là một loại trách nhiệm.

Nếu bạn không trân quý sức khỏe của mình, một khi bạn ngã xuống, sẽ có thể dựa vào ai?

Dù có người để nương tựa, bạn có đành lòng thấy họ buồn khổ, lo lắng và mệt mỏi từng ngày?

Thế nên, ngay từ bây giờ, hãy cố gắng duy trì một thời khóa biểu ăn uống điều độ, đi ngủ đủ giấc. Chỉ khi bạn thay đổi từ những thói quen nhỏ, bạn mới có thể hoàn thiện những mục tiêu lớn.

Cuộc đời khác biệt giữa những người ngày ngủ 6 tiếng và người ngủ 8 tiếng: Áp lực và sự bất lực đầy rẫy, nhưng muốn sống tiếp, nên học cách tự điều chỉnh bản thân  - Ảnh 2.

Không biết bao giờ, "một đêm ngon giấc" đã trở thành thứ xa xỉ với nhiều người.

Ai cũng có lý do chính đáng cho việc mất ngủ của mình, có người là do quá bận rộn không có thời gian để ngủ; có người là vì tính chần chờ; cũng có người là do suy nghĩ quá nhiều, lo lắng mãi nên không thể ngủ được.

Đừng như vậy nữa!

Chỉ khi bạn trải qua đủ mọi đau khổ do thức khuya mang lại, bạn mới nhận ra hy sinh giấc ngủ để dành nhiều thời gian cho công việc hay các trò giải trí trên điện thoại là việc làm sai trái cỡ nào.

Dù bạn có hàng ngàn lo lắng đi nữa, tốt hơn hết đừng nên thức khuya, hãy nghỉ ngơi đúng lúc. Hôm sau mới có thể đủ sáng suốt giải quyết vấn đề được.

Để làm được điều này, có một số thứ bạn cần biết ngay từ bây giờ:

1. Hiệu quả của việc chợp mắt 20 phút tốt hơn nhiều so với việc dùng 200 mg caffeine

Khi bạn mệt mỏi, thay vì uống cà phê để lấy lại tinh thần, tốt hơn hết là nên tìm chỗ nghỉ ngơi một lát, ngủ trên bàn một lúc cũng được. Chợp mắt trong 20 phút sẽ giúp bạn lấy lại 40% khả năng nhận thức sáng suốt.

2. Không tham gia các hoạt động trí óc căng thẳng hoặc những bài tập thể dục cường độ cao trước khi đi ngủ.

Não bộ bị kích thích quá nhiều sẽ khiến chúng ta rất khó ngủ. Ngược lại, hãy thử ngâm chân, mặc đồ ngủ rộng rãi, hoặc tắm nước nóng, sẽ giúp thần kinh thư giãn, khiến bạn nhanh tiến vào giấc ngủ hơn.

3. Đừng tạo áp lực cho bản thân, hãy học cách trút bỏ nó

Khi mọi người hoặc mọi thứ xung quanh khiến bạn cảm thấy có quá nhiều áp lực, hãy cố gắng tìm cách trút bỏ nó.

Đừng nghĩ sẽ khiến họ thất vọng, nó chỉ khiến sự lo lắng của bạn thêm trầm trọng.

Có đôi lúc, bạn không cần sống quá lý trí, không nên tự tiêu hóa mọi thứ tiêu cực, tìm kiếm một bác sĩ tâm lý cũng là lựa chọn không tồi.

Cuộc sống là thế, đầy rẫy những áp lực và sự bất lực, nhưng muốn sống tiếp, chúng ta cần nên học cách tự điều chỉnh bản thân.

Ngủ ngon, sống tốt, và cố gắng nỗ lực hết mình trong phạm vi sức khỏe cho phép. Hãy dành thời gian cho giấc ngủ, vì nó thực sự rất có ích cho phần đời còn lại của bạn.


Theo Thiên Tuyết

Báo Dân sinh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên