MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc đối thoại của PTT Phạm Bình Minh với phóng viên The Economist về kinh tế Việt Nam

Trong khuôn khổ hội nghị Kinh tế đối ngoại 2016 được tổ chức ngày 3/11 tại TP.HCM, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc đối thoại trong khoảng 45’ với ông Jon Fasman – Trưởng văn phòng khu vực Đông Nam Á của tạp chí The Economist.

Tiếp tục cổ phần hóa

Trả lời câu hỏi của ông Jon Fasman, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, các thành tựu kinh tế của Việt Nam trong 30 năm đổi mới có nguyên nhân lớn nhất là sự chuyển đổi từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường.

“Sự chuyển đổi đó đã gỡ bỏ những rào cản để phát triển kinh tế và đã thành công. Việt Nam đã tận dụng đúng và phát huy được lợi thế là nguồn nhân lực về nhân công”. – ông nói.

“Việt Nam đã sớm hội nhập với quốc tế và lấy hội nhập làm trọng tâm, chính sự hội nhập đó đã tạo cho Việt Nam tiếp cận được những nguồn lực, thúc đẩy được thương mại, và những chuẩn mực của thương mại quốc tế cũng làm Việt Nam hoàn thiện thêm”.

Đề cập đến quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, Phó Thủ tướng khẳng định đây là “mục tiêu của quá trình đổi mới kinh tế”.

“Chúng tôi đang tiếp tục cổ phần hóa, đặc biệt là những doanh nghiệp nhà nước có vốn đầu tư lớn để tăng cường hiệu quả quản trị. Do đó tỉ lệ vốn nhà nước nắm giữ sẽ giảm đi nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đổi mới”.

“Tất nhiên sẽ có những doanh nghiệp trong quá trình cổ phần hóa sẽ không hiệu quả thì vấn đề bán vốn sẽ có khó khăn nhất định”.

“Quyết tâm của nhà nước là đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa và chỉ giữ lại những doanh nghiệp nhà nước liên quan đến vấn đề an ninh” – ông cho hay.


Khách mời lắng nghe cuộc trao đổi.

Khách mời lắng nghe cuộc trao đổi.

Lợi thế về nhân công không còn tác dụng như trước

Trả lời câu hỏi của ông Jon Fasman về những khác biệt của chính sách trong thời gian tới so với hiện nay, Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ thay đổi mô hình phát triển theo chiều sâu và sử dụng trí thức trong sản xuất để tăng năng suất lao động.

“Hiện nay chúng tôi dựa nhiều vào nguồn nhân công rẻ và sử dụng nhiều vốn. Có thể nói bây giờ Việt Nam đã phát triển đến mức những nhân tố này không thể phát huy tác dụng như thời gian trước đây nữa” – ông lý giải nguyên nhân cần thay đổi.

“Trong nông nghiệp sẽ không phát triển theo chiều rộng như trước đây mà tập trung vào phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao, và để sử dụng kỹ thuật cao sẽ đòi hỏi những vấn đề như tích tụ ruộng đất để tạo ra nền sản xuất với môi trường rộng lớn hơn nhằm tạo ra sức cạnh tranh. Đó là những ví dụ cụ thể” – theo Phó thủ tướng.

Ông cũng cho biết Chính phủ đặt ra mục tiêu rất tham vọng là tới đây sẽ giảm tỷ lệ lao động trong ngành nông nghiệp xuống còn khoảng 40%.

“Mục đích chúng tôi tăng cường công nghiệp là để chuyển dịch lực lượng lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp. Điều đó đòi hỏi việc tăng cường đầu tư vào nguồn nhân lực thông qua giáo dục, dạy nghề để nâng trình độ lao động từ giản đơn lên có nghề. Bất cứ mô hình phát triển nào trong tương lai thì lực lượng lao động tay nghề cao vẫn là cần thiết” – Phó Thủ tướng trả lời.

“Sử dụng công nghiệp để phát triển đất nước là con đường bế tắc, vì công nghệ robot hiện nay sẽ loại bỏ thế mạnh đó” – ông Jon Fasman tiếp tục đặt câu hỏi.

“Tôi nghĩ rằng đó là vấn đề mà bất cứ 1 nền kinh tế nào cũng phải đối phó, vì muốn tăng năng suất lao động phải sử dụng tự động hóa, mà tự động hóa thì sẽ mất công ăn việc làm” – Phó Thủ tướng nhận định, tuy nhiên ông cho rằng sẽ khó khăn cho Việt Nam vì chúng ta đang thâm dụng về lao động.

“Phải thừa nhận rằng chúng ta phải đối phó với tình hình hết sức khó khăn trong tạo công ăn việc làm vì mỗi năm Việt Nam phải tạo công ăn việc làm cho khoảng 1,5 triệu lao động. Điều đó đòi hỏi vừa đào tạo và mở rộng thêm ngành nghề để thu hút lao động” – ông nói.

Tuy vậy theo ông, để nâng cao chất lượng phát triển thì chắc chắn vẫn phải thúc đẩy việc áp dụng các tiến bộ của khoa học công nghệ vào sản xuất.

Khung cảnh phiên thảo luận.

Tiếp tục hướng đến xuất khẩu

Với câu hỏi về dự địa tăng trưởng, Phó Thủ tướng cho rằng hiện Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trường nhanh nhưng phải bền vững.

“Có nghĩa phải duy trì mức tăng trưởng hợp lý và dự kiến trong 5 năm tới sẽ là từ 6,5 đến 6,7%. Với những nỗ lực về đổi mới mô hình tăng trưởng chúng tôi hy vọng sẽ duy trì mức tăng trưởng đó, nhưng chúng tôi không phát triển nhanh bằng mọi giá”.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục nhấn mạnh đến xuất khẩu, vì các quý vị biết rằng nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế mở, thương mại đóng góp rất lớn vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, và gấp 1,5 lần GDP. Chúng tôi cũng tiếp tục quan tâm đến thị trường trong nước để kích thích sản xuất” – Phó Thủ tướng đáp lại câu hỏi của ông Jon Fasman cho rằng “thương mại toàn cầu giảm và có vẻ như Mỹ và Châu Âu đang hướng tới bảo hộ”.

“Đúng là hiện nay thương mại toàn cầu đang suy giảm, điều đó tác động đến nền kinh tế Việt Nam bởi vì chúng tôi dựa nhiều vào thương mại và xuất nhập khẩu. Chúng tôi đi theo hướng ký kết các hiệp định thương mại tự do, và thực tế Việt Nam là một trong những nước tham gia nhiều hiệp định thương mai tự do. Với các hiệp định đã ký đó chúng tôi mong muốn sẽ thúc đẩy thương mại, xuất nhập khẩu của Việt Nam” – Phó Thủ tướng cho hay.

Theo Nguyễn Cường

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên