Cuộc đời tuột dốc của thần đồng 2 tuổi đọc thơ lưu loát, 13 tuổi vào đại học
13 tuổi đỗ đại học gây chấn động dư luận, nhưng khi tất cả kỳ vọng vào tương lai của thần đồng này thì nam sinh lại sa ngã vì mê game.
- 25-03-2024Thần đồng vật lý Trung Quốc khiến Đại học Harvard phá bỏ thông lệ 300 năm
- 23-03-2024Thần đồng Tam Quốc: Lưu Ba không thu nhận, Tào Tháo muốn gả con gái, sau chết yểu vì lý do bất ngờ này
- 19-03-2024Thần đồng toán học 12 tuổi dạy trực tuyến cho sinh viên đại học
- 14-03-2024"Thần đồng phương Đông" 13 tuổi đỗ đại học, 17 tuổi bị trường đuổi rồi qua đời vì bạo bệnh: Hai chữ "thất bại" đeo bám chỉ vì không biết tự chăm sóc bản thân, ăn cơm cũng cần mẹ đút
Khi các bạn cùng trang lứa đang học cấp 2, Liêu Uy khiến dư luận chấn động khi đỗ vào Đại học Nông nghiệp Trung Quốc ở tuổi 13. Tuy nhiên, khi tất cả rất kỳ vọng vào tương lai của thần đồng này, thì nam sinh lại sa ngã vì mê game.
13 tuổi đỗ đại học
Liêu Uy sinh năm 1996 trong một gia đình nghèo ở tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. Ngay khi mới 2 tuổi, Liêu Uy có thể đọc lưu loát hàng trăm bài thơ Đường.
Bà Hách Gia Quỳnh, mẹ của Liêu Uy cho biết thường ru con ngủ bằng cách đọc các bài thơ Đường, không ngờ Liêu Uy có thể hiểu và thuộc làu các bài thơ ở độ tuổi còn quá nhỏ như vậy.
Liêu Uy không chỉ có trí nhớ tốt mà còn có khả năng tiếp thu và tư duy xuất sắc.
Bà Hách nhớ lại lần đầu tiên con trai bị mời phụ huynh vì "gây ra nhiều vấn đề cho giáo viên trong lớp". Tuy nhiên, điều này xuất phát từ việc học trò quá thông minh, tiếp thu nhanh kiến thức, có thể tự suy luận và hay hỏi giáo viên những kiến thức ở giáo trình cao hơn.
Các giáo viên nhận ra Liêu Uy với khả năng vượt trội không còn phù hợp để tiếp tục học với những bạn cùng tuổi. Họ mời phụ huynh lên trao đổi nhằm thống nhất quyết định cho "thần đồng" vượt lớp.
Được bật đèn xanh, Liêu Uy phát triển nhanh chóng và hoàn thành tất cả chương trình tiểu học chỉ trong hai năm rưỡi.
Tình hình tương tự cũng diễn ra khi Liêu Uy lên cấp 2, cấp 3 và hoàn thành chương trình phổ thông khi chỉ mới 12 tuổi.
Năm 2009, Liêu Uy, 13 tuổi đã tham gia thi Gaogkao - kỳ thi tuyển sinh đại học của Trung Quốc và được xem là kỳ thi khốc liệt nhất thế giới.
Không phụ sự kỳ vọng, Liêu Uy đạt tổng 563/700 điểm và nhận được lời mời của nhiều trường học. Cuối cùng, nam sinh chọn Đại học Nông nghiệp Trung Quốc ở Bắc Kinh, nhưng gia đình không đủ tiền để đóng học phí, chưa kể mức sinh hoạt đắt đỏ ở Thủ đô.
May mắn một công ty đã liên lạc với cha mẹ của Liêu Uy, đề nghị tài trợ toàn bộ kinh phí cho "thần đồng cùng quê", đồng thời cam kết một vị trí làm việc tại tập đoàn sau khi cậu tốt nghiệp.
Cha mẹ Liêu Uy ngay lập tức đưa con lên Bắc Kinh nhập học. Hiệu trưởng Đại học Nông nghiệp Trung Quốc cũng đích thân đón Liêu Uy ở ga xe lửa. Ông cũng nhiệt tình giới thiệu học trò với hội đồng trường.
Sa ngã vì game
Trong ngày nhập học, Liêu Uy tuyên bố hùng hồn sẽ lấy bằng tiến sĩ tại trường trong 6 năm. Tuy nhiên, chỉ chưa đầy một năm sau đó, chẳng ai còn nhận ra khí chất của một thần đồng.
Vấn đề đầu tiên mà Liêu Uy gặp phải đó là sự thiếu đồng bộ giữa tư duy và kiến thức. Kiến thức của Liêu Uy có thể ở bậc đại học nhưng suy nghĩ và hành động là của người ở lứa tuổi 13.
Liêu Uy không tìm được tiếng nói chung với các bạn học, những người lớn tuổi hơn. Bên cạnh đó, phương pháp giảng dạy linh hoạt và tự do hơn ở môi trường đại học cũng khiến Liêu Uy khó thích nghi, thành tích học tập mà anh luôn tự hào nhất đã không còn nổi bật trong lớp.
Học tập sa sút khiến lòng tự trọng của Liêu Uy bị tổn thương. Nam sinh không chỉ ra vào lớp tùy tiện, gây rối trật tự trong lớp khi giáo viên đang giảng bài, mà còn thường xuyên hỏi giáo viên một số câu hỏi bất thường để thu hút sự chú ý của mọi người.
Cùng với những điều mới lạ và thú vị ở các thành phố lớn, Liêu Uy dần chệch hướng. Buồn chán ở đời thực, Liêu Uy đắm chìm trong thế giới ảo. Anh thậm chí còn là khách quen của quán game gần trường.
Một nhân viên quán game kể lại, lần đầu gặp Liêu Uy, anh không cho phép cậu vào quán vì chưa đủ độ tuổi quy định. Quản lý quán game thấy vậy liền tiến tới nói với Liêu Uy: "Chỗ cũ. Vào đi".
Quản lý còn nói: "Đừng lo, là khách quen. Sinh viên đại học đó. Cậu không xem tin tức sao? Đó là một thần đồng".
Dưới con mắt nghi ngờ của nhân viên, Liêu Uy bật máy tính và chơi game thuần thục. Chơi game chán, cậu lại đọc truyện tranh trên mạng. Cho đến khi trời sáng, Liêu Uy trở lại trường với những bước chân mệt mỏi.
Thường xuyên thức khuya chơi game khiến giờ giấc sinh hoạt của Liêu Uy đảo lộn, thành tích học tập ngày một bết bát. Kết thúc đại học năm nhất, thần đồng này nợ 14/16 môn học.
Thái độ và thành tích học tập kém của Liêu Uy cũng khiến tập đoàn tài trợ thất vọng. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, tập đoàn này quyết định hủy bỏ mọi hỗ trợ tài chính cho việc học của Liêu Uy.
Kịp thời tỉnh ngộ
Từ một người xuất chúng, Liêu Uy bỗng trở thành một thanh niên ngỗ ngược và đứng trước nguy cơ bị buộc thôi học. Nếm trải hậu quả cùng những lời răn đe từ mẹ, Liêu Uy kịp thời tỉnh ngộ.
Cậu đến gặp hiệu trưởng trường để giải thích với thầy những khó khăn gặp phải trong quá trình học tập, những điều chán nản và đánh mất bản thân.
Trong thâm tâm hiệu trưởng vẫn rất yêu quý cậu học trò này. Trước những lời nhận lỗi chân thành của Liêu Uy, ông quyết định đứng ra bảo lãnh trước hội đồng để xin cho cậu một cơ hội làm lại.
Đến lúc này, cuộc đời của Liêu Uy mới quay lại đúng hướng. Năm 2011, dưới sự sắp xếp của nhà trường, Liêu Uy được chuyển từ khoa Toán - Lý sang khoa Kỹ thuật thông tin điện tử, ngành cậu quan tâm hơn và bắt đầu học lại từ năm thứ nhất.
Liêu Uy rất trân trọng cơ hội khó có được này. Cậu mỗi ngày đều chăm chỉ học tập và cố gắng hết sức để bù đắp khoảng thời gian đã bỏ lỡ trước đây.
Do phải học lại với khóa mới, Liêu Uy nhận thấy khoảng cách tuổi tác giữa cậu và các bạn cùng lớp được thu hẹp. Nhờ đó, cậu dần quen được những người bạn tốt có cùng sở thích.
Năm 2015, Liêu Uy tốt nghiệp đại học và tiếp tục ở lại trường theo học thạc sĩ, tiến sĩ. Sau tất cả, Liêu Uy nói rằng bản thân không phải thần đồng mà chỉ là người thường, luôn cần nỗ lực và chăm chỉ.
VTC News