MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc đời và sự nghiệp của nữ tướng lừng danh Pepsi: Đặt chân tới Mỹ ở tuổi 22, kiếm được 31 triệu USD trong năm ngoái

07-08-2018 - 20:15 PM | Tài chính quốc tế

Bà Indra Nooyi không còn là CEO của Pepsi nhưng người ta sẽ nhớ mãi tới những đóng góp của bà cho đế chế này trong suốt 24 năm qua.

Trở thành CEO của PepsiCo từ năm 2006, bà Indra Nooyi tuyên bố sẽ rời khỏi vị trí này vào ngày 6/8 theo giờ Mỹ. Trong suốt 24 năm gắn bó với công ty, bà Nooyi được biết tới như người thúc đẩy và quảng bá mạnh mẽ cho những sản phẩm tốt cho sức khỏe mà đế chế thực phẩm và nước giải khát khổng lồ này tạo ra.

Bà Nooyi, 62 tuổi, sinh ra tại Chennai, Ấn Độ trước khi chuyển tới Mỹ năm 1978 và theo học tại trường Quản lý Yale. Với niềm đam mê nhạc rock khi còn trẻ, Nooyi tự mô tả mình như một đứa trẻ nổi loạn trong một gia đình bảo thủ.

"Tôi vẫn còn một chút nổi loạn và luôn khẳng định rằng chúng ta sẽ chẳng thể ngồi yên. Mỗi sáng thức dậy, bạn phải biết lo sợ rằng thế giới đang thay đổi và tin rằng, để chiến thắng, bạn phải thay đổi nhanh hơn bất cứ người nào khác", bà Nooyi nói trong một cuộc phỏng vấn với Harvard Business Review vào năm 2015.

Ở tuổi 21, Nooyi tốt nghiệp hai trường đại học danh tiếng bậc nhất Ấn Độ. Sau vài năm làm việc cho Johnson & Johnson ở quê nhà, Nooyi tiếp tục sự nghiệp học hành tại Trường quản lý Yale vào năm 1978. Đây cũng là những bước đầu của bà Nooyi trên hành trình gây dựng tên tuổi lẫy lừng tại Mỹ và khắp thế giới.

Cuộc đời và sự nghiệp của nữ tướng lừng danh Pepsi: Đặt chân tới Mỹ ở tuổi 22, kiếm được 31 triệu USD trong năm ngoái - Ảnh 1.

Đến Mỹ là một quyết định dũng cảm và kiên định của Nooyi, nhất là khi mẹ bà hoàn toàn phản đối. Trong một gia đình với tư tưởng bảo thủ tại Ấn Độ, con gái 22 tuổi chưa lấy chồng là một điều gì đó rất khủng khiếp. Theo mẹ bà, việc tự kiếm được học bổng không giúp Nooyi trở nên khác biệt so với phần còn lại của Ấn Độ. Phải tới năm 25 tuổi, Nooyi mới kết hôn với Raj K. Nooyi, người sau này trở thành chủ tịch của Amsoft Systems năm 2002. Họ có hai con gái.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2007, Nooyi cho biết bà phải liên tục cân bằng vai trò của một người vợ, một người mẹ và một người quản lý cấp cao. "Đó là điều mà hàng ngày bạn phải làm. Tôi sẽ đến trường của các con khi phải đến nhưng tôi không thể làm nó đều đặn như các bà mẹ khác. Tôi sẽ xem con gái tôi chơi bóng nhưng không phải tất cả trận đấu. Tôi chỉ có thể xem vài trận trong số đó", Nooyi kể lại.

Ở phần đầu sự nghiệp, Nooyi làm vai trò xây dựng chiến lược cho Boston Consulting Group, Motorola và công ty sản xuất robot Asea Brown Boveri. Năm 1994, ở tuổi 39, Nooyi nhận đề nghị từ General Electric và PepsiCo cho vai trò chiến lượng gia trưởng. Bà chọn Pepsi vì thấy mình có cơ hội lớn hơn ở công ty thực phẩm và giải khát.

Cuộc đời và sự nghiệp của nữ tướng lừng danh Pepsi: Đặt chân tới Mỹ ở tuổi 22, kiếm được 31 triệu USD trong năm ngoái - Ảnh 2.

Một trong những quyết định đầu tiên, dứt khoát và gây tranh cãi nhất của bà Nooyi trên cương vị mới là thuyết phục CEO Pepsi là quay lưng bộ phận nhà hàng, bao gồm các chuỗi đồ ăn nhanh như Pizza Hut hay Taco Bell. Đến hiện tại, người ta vẫn chưa thể xác định quyết định này đúng hay sai nhưng những gì bà Nooyi làm được cho Pepsi đã được nhắc tới nhiều hơn.

Nooyi trở thành Giám đốc Tài chính của PepsiCo vào năm 2000 trước khi trở thành Chủ tịch và Chủ tịch hội đồng Quản trị kiêm CEO vào năm 2006.

Trong khi Pepsi phát triển mạnh mẽ trong những năm 1990 và đầu 2000, một loạt các yếu tố đã khiến nó trở nên rất ì ạch và nặng nề khi Nooyi tiếp nhận vị trí lãnh đạo. Người phụ nữ này phải đưa ra những quyết định khó khăn mang tính chiến lược nhằm giúp công ty phục hồi đà tăng trưởng cũng như theo đuổi những chiến lược lâu dài.

"Tôi có thể chọn cách cắt giảm chi phí, mang về lợi nhuận lớn trong vài năm. Tuy nhiên, những điều đó sẽ không mang lại thành công lâu dài", Nooyi nói năm 2015. Thay vào đó, bà tập trung vào thiết kế đồng thời thường xuyên ghé thăm các siêu thị mỗi tuần để xem sản phẩm của Pepsi trông như thế nào khi được đặt lên kệ.

Ngoài ra, bà còn theo đuổi một chiến lược dài hạn là tạo ra những đồ ăn, thức uống có lợi cho sức khỏe. Ban đầu, nó khiến doanh số của công ty sụt giảm cũng như làm dấy lên những nghi ngờ về khả năng lãnh đạo của bà.

Tuy nhiên, chính việc tập trung vào những sản phẩm có lợi cho sức khỏe đã cho thấy tầm nhìn chiến lược và lâu dài của người phụ nữ nhập cư từ Ấn Độ. Và kể từ năm 2016, PepsiCo đã đạt mọi chỉ tiêu tăng trưởng với những sản phẩm hợp thị hiếu người dùng.

Cuộc đời và sự nghiệp của nữ tướng lừng danh Pepsi: Đặt chân tới Mỹ ở tuổi 22, kiếm được 31 triệu USD trong năm ngoái - Ảnh 3.

Năm ngoái, Pepsi có lợi nhuận 63,5 tỷ USD với những sản phẩm như Doritos, Cheetos, Lays, Quaker Oats và Naked Juice. Cá nhân CEO Nooyi nhận khoản tiền hơn 31 triệu USD.

Sau 24 năm cống hiến và 12 năm trên cương vị CEO, bà Nooyi đã nói lời chia tay với PepsiCo vào ngày 6/8/2018. "Dẫn dắt PepsiCo thực sự là vinh dự của cuộc đời tôi. Tôi vô cùng tự hào về những gì mình đã làm trong 12 năm qua, không chỉ để thúc đẩy lợi ích của các cổ đông mà còn chăm lo cho cộng đồng mà chúng tôi phục vụ", bà Nooyi nói.

Trả lời Bloomberg, bà Nooyi cho biết sẽ nghỉ ngơi một thời gian nhưng không quá lâu. Bà muốn giúp phát triển tiềm năng của phụ nữ nhiều hơn nữa để giúp họ có thể làm tốt vai trò lãnh đạo hàng đầu. "Tôi sẽ làm được những việc mà tôi bị ràng buộc và không thể làm khi là CEO của PepsiCo", bà Nooyi nói.

Linh Anh

Business Insider

Trở lên trên