MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc đua gay cấn giữa Nhật Bản và Trung Quốc ở cảng biển quan trọng nhất đối với Campuchia

15-08-2018 - 08:47 AM | Tài chính quốc tế

Trung Quốc đã vượt Nhật Bản trở thành nhà tài trợ lớn nhất của Campuchia trong năm 2010, và hiện giờ nguồn viện trợ của Trung Quốc gấp ba lần Nhật Bản.

Vùng đất bình yên bên bờ biển phía tây nam Campuchia, Sihanoukville, hay còn gọi là Kompong Som, đang trở thành thiên đường với các nhà đầu tư Trung Quốc trong những năm gần đây. Các sòng bạc, khách sạn, nhà hàng, tiệm mát xa và các trung tâm siêu thị treo đầy những biển hiệu bằng tiếng Trung. Nhiều tòa nhà đang được xây dựng nhờ nguồn vốn và nhân lực dồi dào từ Trung Quốc.

Mặc dù thành phố nằm cách Thủ đô Phnom Penh 220km về hướng tây nam và được đặt tên theo vị vua cuối cùng dường như đang trở thành một "căn cứ" của Trung Quốc, đặc thù của Sihanoukville — với vị thế là cảng biển nước sâu duy nhất ở Campuchia — vẫn nằm ngoài tầm với của Bắc Kinh.

Công ty điều hành nhà nước Sihanoukville Automous Port (viết tắt là PAS theo tiếng Pháp) nhận nguồn viện trợ tài chính chủ yếu từ chính phủ Nhật Bản trong gần hai thập kỷ qua. Cảng biển này xử lý hơn 70% lượng hàng hóa đường thủy của Campuchia, ngày càng tăng cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế chóng mặt của Campuchia, đồng thời trở thành công ty niêm yết lớn nhất trên thị trường chứng khoán trong nước. 

Cuộc chạy đua ở Shihanoukville

Giờ đây Sihanoukville cũng đánh dấu cuộc chạy đua giữa Trung Quốc và Nhật Bản ở Campuchia. Và Bắc Kinh đang lép vế trước những biện pháp mới của Tokyo trong việc thắt chặt quan hệ với cảng biển này.

Vào ngày 25 tháng Sáu, một cảng biển mới của Sihanoukville vừa được đưa vào hoạt động với sự viện trợ từ Nhật Bản. Cảng đa dụng mới này có một bến tàu với độ sâu 13,5m, cho phép các tàu hàng lớn và tàu hàng rời neo đậu. Một cảng khác chuyên phục vụ hậu cần cho ngành dầu khí mới bắt đầu được khai thác ở Campuchia. Một mỏ dầu và khí đốt ngoài khơi, được phát hiện ở Vịnh Thái Lan, đang được KrisEnergy, một công ty con của Keppel Corp ở Singapore, khai thác và dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2019.

Việc xây dựng một cảng container khác, với bến tàu có chiều dài 350m và độ sâu 14,5m, đang được đưa ra thảo luận.

Chủ tịch, kiêm GĐĐH, Lou Kim Chhun, trả lời tờ Nikkei Asian Review trong một buổi phỏng vấn gần đây, cho biết việc xây dựng này cho phép "một lượng tàu hàng lớn cập cảng, khắc phục hạn chế về sức chứa". Với việc đưa vào hoạt động trong năm 2023 theo kế hoạch, cảng biển sẽ đáp ứng được hơn 90% lượng tàu trong khu vực, so với mức 20% như hiện tại.

Cuộc đua gay cấn giữa Nhật Bản và Trung Quốc ở cảng biển quan trọng nhất đối với Campuchia - Ảnh 1.

Sihanoukville nhanh chóng phát triển thành một căn cứ của Trung Quốc với nhiều công trình đang được xây dựng © Akira Kodaka

Nguồn viện trợ của Nhật Bản cho cảng biển này đến từ hai tổ chức chuyên viện trợ cho nước ngoài, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC). Tiền thân của JBIC cung cấp gói vay đầu tiên cho cảng biển này năm 1999 như một dự án tái thiết khẩn cấp nhằm giúp Campuchia phục hồi sau cuộc nội chiến kéo dài. Cả JICA và JBIC đã cung cấp các gói vay, viện trợ, và hỗ trợ kỹ thuật tổng cộng trị giá 46 tỉ yên (411,3 triệu USD).

Ông Chhun cho biết: "Với các dự án lớn, chúng tôi vay của JICA, còn những dự án nhỏ (như bổ sung cần cẩu mới), chúng tôi tự đầu tư bằng nguồn vốn của mình. Người kĩ sư từng du học ở Xô Viết và trở thành Chủ tịch PAS từ năm 1998 không hề che giấu sự biết ơn của ông đối với việc Nhật Bản nhiều lần viện trợ cho cảng biển. Ông cho rằng sự viện trợ này "vô cùng hiệu quả và hữu ích với người dân Campuchia".

Cảng biển cũng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Nhật Bản kể từ khi nước này nối lại viện trợ cho Campuchia sau ba thập kỷ gián đoạn. Masayoshi Takehara, Giám đốc giám sát khu vực Lào và Campuchia, cho biết: "Cảng Sihanoukville là dự án mang tính biểu tượng của chúng tôi."

Cảng biển được mở cửa trở lại sau khi Campuchia giành độc lập khỏi Pháp năm 1953 khi nước này đang tìm kiếm cách tiếp cận tự do vùng biển mở rộng và hạn chế phụ thuộc vào Cảng sông Mekong ở Phnom Penh. Sihanoukville được lựa chọn nhờ những đặc tính tự nhiên và độ sâu của nó, đặc biệt là cho phép hạn chế nạo vét. Cảng biển được khởi công xây dựng từ năm 1956 và cầu cảng đầu tiên được đưa vào hoạt động năm 1960.

Sihanoukville hiện là một trong những cảng biển phát triển nhanh nhất khu vực, nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt 7% của Campuchia thời gian gần đây, chủ yếu đến từ xuất khẩu hàng may mặc sang châu Âu và Hoa Kỳ cũng như nhập khẩu nguyên liệu thô từ Trung Quốc.

Khối lượng hàng nhập cảng trong năm 2017 đạt 459.839 TEUs (container hóa), gần gấp đôi so với năm 2011. Tốc độ xử lý hàng tăng 22% trong sáu tháng đầu năm 2018. Cảng biển sẽ mở rộng sức chứa lên tới 1,3 triệu TEUs năm 2023.

Cuộc đua gay cấn giữa Nhật Bản và Trung Quốc ở cảng biển quan trọng nhất đối với Campuchia - Ảnh 2.

Ý nghĩa chiến lược của cảng biển này ngày càng tăng cùng với việc Trung Quốc theo đuổi Sáng kiến Vành đai và Con đường (Belt and Road Initiative), trong đó Bắc Kinh đang tìm cách tiếp cận các cảng biển Á- Âu, bao gồm khu vực Đông Nam Á.

Trung Quốc đã vượt Nhật Bản trở thành nhà tài trợ lớn nhất của Campuchia trong năm 2010, và hiện giờ nguồn viện trợ của Trung Quốc gấp ba lần Nhật Bản. Ông Takehara thừa nhận: "Đang có những hạn chế trong việc chạy đua các gói viện trợ." Nguồn viện trợ của Nhật chủ yếu tập trung vào các dự án không sử dụng nhiều vốn, nhưng Sihanoukville là trường hợp ngoại lệ.

Khi cảng biển này được niêm yết trên Sàn giao dịch Chứng khoán Campuchia tháng Sáu năm 2017, JICA đã mua 13,5% cổ phần— lần đầu tiên có vốn sở hữu trong một dự án viện trợ. JICA cũng trở thành cổ đông lớn thứ hai sau Bộ Tài chính và Kinh tế Campuchia, với 75% cổ phần. Quyết định IPO của cảng biển này cũng thu hút một nhà đầu tư Nhật Bản khác, Kamigumi, một nhà cung cấp dịch vụ hậu cần lớn, giữ 2% cổ phiếu đang lưu hành.

Ông Chhun cho biết có nhiều "đối tác Trung Quốc" đã đến gặp ông. Vài nguồn tin khác tiết lộ các công ty Trung Quốc đã đưa ra nhiều đề nghị đầu tư vào cảng, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Trung Quốc đang dần mất kiên nhẫn với dự án này.

Zhou Xiaoxi, Chủ tịch Guangxi Beibu Gulf International Port Group, đã ký một thỏa thuận ở Phnom Penh ngày 24 tháng Tư nhằm xây dựng một cảng biển mới ở Kampot, một tỉnh giáp Sihanoukville. Theo hãng tin địa phương, ông cho hay: "Chúng tôi đã quyết định tiếp tục thực hiện dự án này sau khi nhận thấy gần đây Campuchia đang thiếu hụt nguồn đầu tư cần thiết cho một cảng biển nước sâu."

Cuộc đua gay cấn giữa Nhật Bản và Trung Quốc ở cảng biển quan trọng nhất đối với Campuchia - Ảnh 3.

Nhà điều hành cảng biển Trung Quốc hiện đang liên kết với Try Pheap Group, của ông trùm gỗ địa phương Try Pheap. Mặc dù các chi tiết không được tiết lộ, cảng biển mới có thể đáp ứng được những chuyến tàu lớn lên tới 30.000 tấn.

Ở phía nam Sihanoukville, tập đoàn Trung Quốc Union Development Group cho biết họ đang xây dựng một cảng nước sâu mới. Theo website của công ty, "việc xây dựng cảng đa dụng về cơ bản đã hoàn thành và sẽ được đưa vào sử dụng trong thời gian sớm nhất".

Cảng biển này nằm trong dự án đầu tư du lịch qui mô lớn, bao gồm dự án Resort Dara Sakor Seashore cao cấp rộng 45.000 ha thuộc công viên quốc gia tỉnh Koh Kong. Khu đất này được một công ty Trung Quốc thuê lại trong 99 năm từ năm 2008, dù không biết rõ chi tiết dự án phát triển này. Một nguồn tin ở Koh Kong tiết lộ với Nikkei rằng việc xây dựng cảng biển chưa được bắt đầu. Công ty Tianjin từ chối đề nghị phỏng vấn của Nikkei.

Ban quản lý Cảng Sihanoukville đang cân nhắc cuộc chạy đua lớn nhất với cảng sông ở Phnom Penh và các cảng lớn nhất ở Laem Chabang, Thái Lan, và Cái Mép, Việt Nam.

Các cảng biển trong dự án của Trung Quốc chưa được xem xét là đối thủ cạnh tranh lớn do tiến độ thực tế và tính khả thi không rõ ràng. Nhưng Trung Quốc có thể mở rộng các dự án này bởi những lí do chiến lược nhằm phá vỡ liên kết giữa Nhật Bản và Cảng Sihanoukville.

Cảng này cũng đối mặt với sự cạnh tranh từ các đối thủ nội địa Trung Quốc trong việc thu hút đầu tư vào đặc khu kinh tế. Khu vực này trở thành đặc khu kinh tế vào năm 2012 với sự tư vấn của JICA, nhưng chỉ thu hút được ba công ty. Nhà đầu tư mới nhất, được chấp thuận vào tháng Bảy, là Union Gakki, một công ty Nhật Bản chuyên phục hồi piano cũ và xuất khẩu sang hơn 80 nước. Mặc dù JICA đã thông qua gói hỗ trợ đặc biệt trong tháng Tư, không có thêm bất kỳ công ty nào hưởng ứng đầu tư.

Theo nhà điều hành đặc khu công nghiệp, ngược lại, đặc khu kinh tế ở Sihanoukville được các nhà đầu tư Trung Quốc thành lập vào năm 2008, do Wuxi-based Hongdou Group quản lý, có 107 công ty khai thác và 18 công ty dự định tham gia trong đầu tháng Bảy. Các công ty, chủ yếu của Trung Quốc, sản xuất hàng dệt may, quần áo, sản phẩm làm từ da, máy móc và đồ gỗ với 21.000 nhân công.

Gần đây, đặc khu kinh tế của Trung Quốc đã bắt tay vào dự án mở rộng gấp đôi quy mô sau khi nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Cảng Sihanoukville có nguồn tài chính nhỏ hơn rất nhiều so với các đối thủ Trung Quốc. Mặc dù đây là công ty niêm yết lớn nhất ở Campuchia, với nguồn vốn hóa thị trường đạt 444,3 tỷ riels (108,7 triệu USD) tính tới cuối tháng Bảy, số vốn này vẫn kém xa nguồn tài chính của các nhà khai thác Trung Quốc.

Cảng Beibu Gulf, chi nhánh đã được niêm yết ở Thẩm Quyến thuộc một công ty nhà nước Trung Quốc, dự định xây cảng biển ở Kampot, có giá trị thị trường gấp 15 lần Sihanoukville.

Cuộc đua gay cấn giữa Nhật Bản và Trung Quốc ở cảng biển quan trọng nhất đối với Campuchia - Ảnh 4.

Mặc dù triển vọng tăng trưởng và mức cổ tức đảm bảo hàng năm đạt 8% trong ba năm đầu tiên dựa trên giá IPO 5.040 riels, ông Chhun cho biết ông "không mấy hài lòng" với giá cổ phiếu của công ty.

Công ty này có thể thờ ơ các nhà đầu tư vì nhiều lí do. Bản cáo bạch (prospectus) cho thấy cổ đông chính của công ty, Bộ Tài chính và Kinh tế, "đặt ra mức lãi suất cao hơn" mức các nhà đầu tư Nhật Bản cung cấp gói cho vay.

Trong khi lãi suất gốc phía Nhật Bản đưa ra dao động từ 0,01 & đến 1% mỗi năm, bộ Tài chính đưa ra mức 2,5% đến 3,7%. Công ty cho biết thêm: "Các khoản thanh toán gốc và mức lãi suất có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của PAS." Nhưng JICA tiết lộ với Nikkei rằng họ không tin sự chênh lệch lãi suất sẽ gây ra những rủi ro đáng ngại.

Thị trường chứng khoán Campuchia cũng đang chứng kiến sự thiếu hụt các công ty mới lên sàn, ngăn cản các nhà đầu tư tham gia giao dịch trong khi vẫn giữ tính thanh khoản và tần suất giao dịch ở mức thấp. Chỉ có năm công ty được niêm yết ở Campuchia, ít hơn cả nước láng giềng là Lào với bảy công ty, dù chỉ mở cửa giao dịch sớm hơn một năm, vào năm 2011.

Trên cơ sở thiếu những kiến thức cơ bản về giao dịch chứng khoán, Takashi Kihara, giáo sư kinh tế học tại Đại học Dokkyo, đồng tác giả của một báo cáo mới đây về các thị trường vốn châu Á, cho biết "những nguồn tài chính gián tiếp vẫn có thể đáp ứng đủ nhu cầu viện trợ cho các doanh nghiệp ở Campuchia tại thời điểm này, trong khi đó mức độ đô la hóa cao có tác động không nhỏ đến sự phát triển của thị trường chứng khoán địa phương."

Hơn 90% tiền gửi ngân hàng ở Campuchia dùng đồng đô la Mỹ, điều này có nghĩa là thị trường chứng khoán dùng đồng riel không mấy hấp dẫn với các nhà đầu tư. Trong tương lai, Cảng Sihanoukville có thể phải đối mặt với những thách thức tài chính trong việc thu hút viện trợ từ Sàn Giao dịch Campuchia.


Minh Trang

FT

Trở lên trên