Cuộc đua gom đất của các đại gia bất động sản đang 'nóng' lên từng ngày
Trong khi nhiều doanh nghiệp bất động sản phải co cụm, bán tài sản để có nguồn tiền duy trì hoạt động thì các "ông lớn" như Tập đoàn Novaland, Tập đoàn Hà Đô, Kim Oanh... không ngần ngại chi tiền để mở rộng quỹ đất xây dự án đô thị, nghỉ dưỡng và khu công nghiệp.
Giai đoạn từ cuối năm 2023 đến đầu năm 2024, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã có động thái mở rộng quỹ đất với mục tiêu thực hiện các dự án đô thị, nghỉ dưỡng và khu công nghiệp lớn diễn ra khắp cả nước.
Mới đây, liên danh giữa Vinhomes và Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (VIG) là nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị mới Phước Vĩnh Tây tại xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Đây là dự án có quy mô sử dụng đất dự kiến khoảng 1.089 ha, dân số khoảng 89.960 người. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm, tiến độ thực hiện 7 năm (kể từ ngày có quyết định chấp thuận nhà đầu tư). Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án là 80.000 tỷ đồng, chi phí mặt bằng là 10.678 tỷ đồng (tương đương gần 4 tỷ USD).
Trong tháng 1 vừa qua, CTCP Tập đoàn Hà Đô đã đề xuất tỉnh Ninh Thuận thực hiện đầu tư 2 cụm công nghiệp Phước Nam 1 và Phước Nam 2 (gần khu công nghiệp Cà Ná). Mỗi cụm đều có quy mô 50 ha, tập trung vào các ngành ít gây ảnh hưởng đến môi trường, có công nghệ cao. Ngoài ra, trong năm nay, Tập đoàn Hà Đô còn lên kế hoạch thực hiện thêm nhiều thương vụ M&A, tích lũy quỹ đất triển khai các dự án khu đô thị tại nhiều tỉnh miền Bắc như Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh, mục tiêu mở rộng lĩnh vực hoạt động kinh doanh sang đa ngành.
Cùng thời điểm, Kim Oanh Group do nữ đại gia Đặng Thị Kim Oanh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc đã thâu tóm thành công Dự án đầu tư xây dựng Một Thế Giới (còn gọi là Dự án Hòa Lân) tại TP Thuận An, Bình Dương. Dự án có quy mô gần 50 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng, sản phẩm chính của dự án này bao gồm shophouse, nhà phố liền kề, biệt thự compound, căn hộ...
Tập đoàn Novaland cũng không nằm ngoài cuộc đua gom đất khi vừa đề xuất đầu tư một tổ hợp du lịch - nghỉ dưỡng rộng gần 437 ha tại khu vực Mũi Yến (tỉnh Bình Thuận). Bên cạnh đó, doanh nghiệp này còn tích cực làm việc với tỉnh Lâm Đồng để triển khai dự án khu đô thị phức hợp du lịch nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi giải trí Cao nguyên Lâm Viên vốn đã đề xuất từ năm 2022.
Tập đoàn Đất Xanh cũng đang tìm kiếm quỹ đất rộng 100 - 200 ha khắp cả nước, pháp lý tốt để làm các dự án giai đoạn 2024 - 2025. Doanh nghiệp này cũng lên kế hoạch M&A các quỹ đất dự án hiện hữu tập trung tại khu vực có mức độ đô thị hóa cao, có thể triển khai nhanh để phát triển sản phẩm nhà ở đáp ứng nhu cầu thực.
Một ông lớn bất động sản khác vừa tái cơ cấu nợ thành công năm qua là CTCP Phát triển Phát Đạt cũng có chiến lược mở rộng quỹ đất, phát triển dự án khu đô thị kiểu mẫu tại nhiều tỉnh thành như Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên, Lâm Đồng, Khánh Hòa và Đồng Nai. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn hướng đến săn quỹ đất tại các khu vực có tiềm năng du lịch như Phú Quốc, Bình Định và Bà Rịa - Vũng Tàu để đầu tư vào mô hình bất động sản nghỉ dưỡng.
Ngoài những cái tên kể trên, loạt doanh nghiệp bất động sản lớn khác như Ecopark, Hoàng Huy, TNG Holdings, Eurowindow... cũng đang tích cực tham gia phát triển dự án từ các quỹ đất lớn từ 50-150 ha tại Lâm Đồng, Long An, Hải Phòng, Bình Thuận...
Cuộc đua phát triển quỹ đất làm dự án của các doanh nghiệp bất động sản còn lan sang cả các doanh nghiệp "ngoài ngành" khi vừa qua, CTCP Tập đoàn TH vừa đề xuất tỉnh Lâm Đồng đầu tư dự án Khu du lịch Quốc gia Đankia - Suối Vàng. Theo quy hoạch, dự án có tổng diện tích gần 4.000 ha, gồm một phần diện tích thuộc thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương và một phần thuộc phường 7, TP. Đà Lạt. Dự án có tổng mức đầu tư lên tới 30.313 tỷ đồng, được triển khai theo hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Vào cuối tháng 12/2023, CTCP Tập đoàn Hoa Sen (MCK: HSG, sàn HoSE) đã thông qua chủ trương góp 40% vốn thành lập CTCP Hoa Sen Sài Gòn - công ty bất động sản của Tập đoàn Hoa Sen. Sau khi thành lập, đơn vị này sẽ hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm bất động sản có giá trị 1.000 đến 3.000 tỷ đồng nhằm phát triển các dự án văn phòng - trung tâm thương mại - nhà ở; bố trí văn phòng làm việc cho Tập đoàn Hoa Sen; cho thuê; hoặc xem xét chuyển nhượng.
CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) cũng gây bất ngờ khi tuyên bố lấn sân sang mảng bất động sản thông qua việc bổ sung ngành nghề "kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê" vào danh sách các ngành nghề kinh doanh của mình.
Trước đó, MPC đã công bố nghị quyết của HĐQT phê duyệt dự án nhà ở xã hội ở xã An Khánh, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Theo công bố, đây là dự án nhà ở xã hội có quy mô hơn 17,6 ha được MPC đầu tư xây dựng với tổng vốn gần 633 tỷ đồng, trong đó gồm hơn 619 tỷ đồng chi phí thực hiện dự án, còn lại 13,5 tỷ đồng là chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng.
Có thể thấy rằng, thị trường bất động sản vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng đây cũng là cơ hội cho những doanh nghiệp "mạnh vì gạo bạo vì tiền" gia tăng quỹ đất, M&A những dự án tiềm năng với mức giá tốt. Theo đánh giá của các chuyên gia, rất có thể sau giai đoạn khó khăn, thị trường bất động sản sẽ xuất hiện một lớp đại gia bất động sản mới.