Cuộc đua hạ lãi suất tiếp tục ở châu Á
Động thái cắt giảm lãi suất bất ngờ của Indonesia ngày 23/8 là diễn biến mới nhất trong làn sóng nới lỏng chính sách tiền tệ ở châu Á...
Động thái cắt giảm lãi suất bất ngờ của Indonesia ngày 23/8 là diễn biến mới nhất trong làn sóng nới lỏng chính sách tiền tệ ở khu vực châu Á. Giới phân tích nói rằng các ngân hàng trung ương trong khu vực sẽ còn nới lỏng hơn nữa trong thời gian tới bởi tăng trưởng kinh tế đang đối mặt nguy cơ giảm tốc mạnh.
Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) hạ lãi suất cơ bản đồng Rupiah 0,25 điểm phần trăm, về mức 5,5% để hỗ trợ tăng trưởng trong bối cảnh sức khoẻ nền kinh tế toàn cầu ngày càng trở nên mong manh. Động thái này nằm ngoài dự báo của hầu hết các chuyên gia được hãng tin Reuters khảo sát ý kiến trước đó.
Sau quyết định trên, Thống đốc Perry Warjiyo của BI nói với CNBC rằng ngân hàng trung ương này vẫn còn dư địa để hạ lãi suất trong thời gian tới vì lạm phát cả năm nay được dự báo sẽ nằm trong khoảng mục tiêu 2,5-4,5%. Việc hạ lãi suất sẽ giúp Indonesia duy trì được đà tăng trưởng giữa lúc cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cản trở các hoạt động kinh tế toàn cầu, ông Warjiyo giải thích.
Theo lý thuyết, môi trường lãi suất thấp hơn sẽ khuyến khích các doanh nghiệp và người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng đồng thời cũng khiến lạm phát tăng. Giá cả tăng quá nhanh và quá mạnh sẽ gây hại đến nền kinh tế, bởi vậy mà các ngân hàng trung ương phải cân bằng giữa hai mục tiêu tăng trưởng và lạm phát khi điều chỉnh lãi suát.
"Đây là một động thái đón đầu nhằm hỗ trợ đà tăng trưởng và lường trước khả năng xảy ra những rủi ro suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong thời gian tới", ông Warjiyo nói với CNBC về quyết định hạ lãi suất ngày 23/8.
BI dự báo nền kinh tế Indonesia tăng trưởng từ 5-5,4% trong năm nay. Năm ngoái, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này tăng trưởng 5,17%.
Theo giới chuyên gia, đợt hạ lãi suất này của Indonesia sẽ không phải là động thái nới lỏng chính sách tiền tệ cuối cùng ở châu Á. Thời gian gần đây, nhiều nước trong khu vực như Ấn Độ, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Hàn Quốc đều đã cắt giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng và có thể tiếp tục hạ thêm lãi suất trong thời gian tới.
Một số nước đến thời điểm này chưa hạ lãi suất, như Singapore, có thể sớm hành động tương tự.
Các nền kinh tế châu Á có mối quan hệ mật thiết với hoạt động xuất nhập khẩu của Trung Quốc, bởi vậy mà các nước này đặc biệt dễ tổn thương khi thương chiến Mỹ-Trung leo thang, theo giới chuyên gia.
"Nên nhớ rằng châu Á thực sự chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hoạt động thương mại của Trung Quốc", chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Moody’s Analytics, ông Steve Cochrane, nhận định với CNBC. "Bởi vậy, rủi ro ở đây là thực sự lớn".
Tuy nhiên, làn sóng cắt giảm lãi suất đến nay mới chỉ mang lại một "hiệu ứng khiêm tốn" trong việc nới lỏng các điều kiện tài chính nói chung ở châu Á, theo một phân tích của ngân hàng ANZ. Theo nhà băng này, những đợt hạ lãi suất vừa rồi ở khu vực có thể không đủ để hỗ trợ tăng trưởng.
"Điều này cho thấy các ngân hàng trung ương châu Á cần phải nới lỏng thêm chính sách tiền tệ để bù đắp cho sự thắt chặt các điều kiện tài chính mới có thể ứng phó được với những biến động từ bên ngoài", báo cáo viết.
VnEconomy