MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc đua khốc liệt của "gà mái mẹ" trên con đường thành công của trẻ: Xin đừng đè nát cuộc đời con bằng giấc mơ mang tên mình

17-09-2020 - 11:33 AM | Sống

Để con sẵn sàng cho đường đua cuộc đời sau này, các bậc phụ huynh Trung Quốc tìm mọi cách để trang bị những kiến thức và kỹ năng tốt nhất cho con mình.

“Vốn từ vựng tiếng Anh gồm 1.500 từ đã đủ cho một đứa trẻ 4 tuổi chưa?”

“Còn tùy nơi bạn sống. Ở Mỹ thì đủ dùng, còn ở Trung Quốc thì không”. 

Đây là nỗi lo lắng chung của các phụ huynh Trung Quốc. Họ sợ rằng con mình sẽ xuất phát chậm, trong khi những đứa trẻ khác đã bắt đầu chạy trên đường đua cuộc đời.

Khi kỳ nghỉ hè còn chưa bắt đầu, Zhang Jieru đã dốc toàn lực để thiết kế lịch học cho con trong kỳ nghỉ đông. 

“Piano, múa và tiếng Anh là các lớp học thường xuyên của Xiaomin. Trừ vài ngày nghỉ Tết Nguyên đán, chúng tôi cố gắng không làm xáo trộn lịch học này. Môn Ngữ âm và Số học của con bé khá yếu nên nó cần học thêm trong kỳ nghỉ đông”, Zhang vừa nói vừa chỉ lên lịch học trên tường.

Con gái của Zhang - Xiaomin - đang học mẫu giáo ở Quảng Châu. Cô bé sẽ lên lớp 1 vào mùa thu năm nay. Tuy nhiên, đứa trẻ 6 tuổi này chẳng còn lạ gì với việc chạy sô giữa các trung tâm, với một lịch học thêm vô cùng dày đặc. Xiaomin không chỉ có một mình - cô bé luôn gặp bạn bè cùng nhà trẻ tại những buổi học tăng cường này.

“Một nửa lớp cháu học chơi nhạc cụ sau giờ học. Nếu không piano thì cũng là violin. Các bạn cũng đi học thêm rất nhiều như cháu”, Xiaomin ngây thơ chia sẻ.

Cuộc đua khốc liệt của gà mái mẹ trên con đường thành công của trẻ: Xin đừng đè nát cuộc đời con bằng giấc mơ mang tên mình - Ảnh 1.

Học sinh Trung Quốc quay trở lại trường học sau kỳ nghỉ dài vì dịch Covid-19. (Ảnh: Hector Retamal/AFP)

Có lẽ đứa trẻ này cũng đã cho rằng đó là cách cuộc sống vận hành.

Xiaomin được dạy tiếng Anh bởi giáo viên nước ngoài tại trung tâm học thêm. Còn ở đâu đó tại Quảng Châu, một học sinh lớp 12 có tên là Deng Xiaoyu đang tập phác họa và dùng màu dầu tại một trung tâm nghệ thuật. 

Theo ông Deng - cha của Xiaoyu, con trai mình không giỏi các môn xã hội. Vì vậy, vợ chồng ông quyết định khuyến khích con trai phát triển năng khiếu hội họa. Lý do là điểm chuẩn đại học đối với học sinh có năng khiếu hội họa không quá cao.

May mắn là Xiaoyu cũng thích hội họa. Dù vậy, ông Deng vẫn thuê gia sư đến tận nhà để cải thiện trình độ tiếng Anh và các môn xã hội cho con trai. Ông Deng lo lắng: “Kể cả khi có ‘năng khiếu đặc biệt’, bạn cũng không muốn việc học dốt các môn xã hội cản trở con đường vào đại học top đầu của mình”.

Cuộc đua khốc liệt của “gà mái mẹ” để con thành tài

“Gà mái mẹ” là tiếng lóng mà cư dân mạng Trung Quốc dùng để miêu tả những vị phụ huynh muốn con thành công như Zhang và Deng. 

Kiểu cha mẹ này thường sống ở các thành phố lớn tại Trung Quốc, nhất là các khu đô thị loại 1 như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến. Phong cách nuôi con tự do của thế hệ trước đã không còn tồn tại. Phụ huynh ngày càng lo lắng về chuyện học hành của trẻ, đặc biệt là với các gia đình thuộc tầng lớp trung lưu.

Zhang cho biết: “Sự cạnh tranh đã bắt đầu từ mẫu giáo. Không, thật ra là từ những lớp vỡ lòng, trước khi trẻ học mẫu giáo”.

Cuộc đua khốc liệt của gà mái mẹ trên con đường thành công của trẻ: Xin đừng đè nát cuộc đời con bằng giấc mơ mang tên mình - Ảnh 2.

Học sinh mẫu giáo Trung Quốc trong một buổi học ngoại khóa. (Ảnh: Zeng Shi/SPH)

Bộ phim truyền hình “Tiểu Hoan Hỉ” gần đây tại Trung Quốc cũng có một nhân vật là “gà mái mẹ” điển hình. Song Qian làm mẹ đơn thân, có con gái đang học năm cuối cấp 3. Dù cô bé này luôn đứng đầu lớp, Song Qian vẫn muốn con học thêm và phản đối mọi hoạt động ngoại khóa có thể gây ảnh hưởng đến việc học.

Để con gái không bị xao nhãng, cô cho lắp tường cách âm tại nhà, sau đó đổi sang tường kính để có thể theo dõi con. Cuối cùng, áp lực từ người mẹ đã khiến cô con gái bị khủng hoảng tâm lý đến mức định tự sát. 

Ma Ruiwu - người có hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành giáo dục, hiện đang quản lý một nhà trẻ tại Quảng Châu - cho biết, trẻ em Trung Quốc đang phải chịu áp lực quá lớn. Việc chạy sô giữa các lớp học khiến cả cha mẹ lẫn con cái mệt mỏi.

Theo Ma Ruiwu, hầu hết các phụ huynh đăng ký học thêm không phải vì con họ muốn thế, mà vì họ muốn bù đắp lại những gì mà bản thân đã bỏ lỡ ngày xưa. Chẳng hạn, họ cho con học piano hay violin vì ngày xưa họ không có điều kiện học.

Bọn trẻ không hứng thú mấy với những lớp học này, nhưng vẫn tới theo nguyện vọng của cha mẹ vì không muốn làm họ thất vọng. Thế nhưng, chúng cũng chẳng học giỏi lên là bao. 

Con gái của Ma Ruiwu đang học lớp 5 và cũng tham gia nhiều lớp học thêm bên ngoài. Tại nhà trẻ, cô bé này được học hát, vẽ, phát âm, múa, đi catwalk, chơi đàn tranh và cờ vây. Khi con gái lên tiểu học và bắt đầu biết lên tiếng, Ma Ruiwu cho con nghỉ những lớp mà cô bé không thích. Họ chỉ giữ lại lớp đàn tranh, lớp vẽ và lớp cờ vua, bên cạnh lớp tiếng Anh, lớp toán và lớp ngôn ngữ.

Ngay cả người trong ngành như Ma Ruiwu cũng cho con đi học thêm, thì những bậc phụ huynh khác cũng khó lòng đứng ngoài cuộc đua của những “gà mái mẹ” này.

Cuộc đua khốc liệt của gà mái mẹ trên con đường thành công của trẻ: Xin đừng đè nát cuộc đời con bằng giấc mơ mang tên mình - Ảnh 3.

Nỗi sợ con thua kém của “gà mái mẹ”

Học gì và học ở đâu luôn là chủ đề nóng hổi của các bậc phụ huynh tại Trung Quốc. Nếu bạn đến một buổi gặp gỡ toàn những người trung niên và không biết nói gì, hãy thử hỏi về bí quyết để trở thành một “gà mái mẹ”.

Theo Zhang, khi các bậc phụ huynh thấy “con nhà người ta” đi học thêm và giỏi lên, họ cũng sẽ muốn làm theo. Ngoài ra, các “gà mái mẹ” quan niệm rằng “cha mẹ càng rảnh bây giờ, con cái càng ít lựa chọn trong tương lai”. 

Một bài viết trên mạng xã hội Zhihu đã chỉ ra: Trẻ con ban đầu đều được giáo dục theo phương pháp “tự do”, nhưng khi một “gà mái mẹ” xuất hiện, các bậc phụ huynh khác sẽ học theo vì thấy “lợi ích” to lớn mà phương pháp mới mang lại. Từ đó, số lượng “gà mái mẹ” cứ tăng lên. 

Khi tất cả các phụ huynh đều trở thành “gà mái mẹ”, không ai dám quay lại phương pháp “tự do” như xưa nữa.

Với những gia đình “gà mái mẹ”, thời gian và năng lượng chẳng bao giờ là đủ. Dĩ nhiên, tiền bạc cũng là một yếu tố cần thiết. Zhang cho biết, tổng chi phí đi nhà trẻ và học thêm của con cô là 100.000 tệ/năm (khoảng 340 triệu đồng/năm). Tiền học vẽ và mua các dụng cụ của Deng Xiaoyu cũng có giá tương đương như vậy. 

Đây mới là chỉ là chi phí trung bình ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến. Nếu “gà mái mẹ” có điều kiện cho con học trường quốc tế, con số này sẽ còn cao hơn nhiều so với các gia đình trung lưu khác. Tuy nhiên, mỗi nhà mỗi cảnh; không phải cha mẹ nào cũng đủ tiền để trở trở thành “gà mái mẹ”. Có những người chọn cách dạy con tại nhà.

Cuộc đua khốc liệt của gà mái mẹ trên con đường thành công của trẻ: Xin đừng đè nát cuộc đời con bằng giấc mơ mang tên mình - Ảnh 4.

Khi kỳ vọng của cha mẹ đè nát cuộc đời con

Các phụ huynh trong cộng đồng “gà mái mẹ” cho rằng, trước khi dạy con thì phải dạy chính mình để làm gương. Ngoài ra, họ cũng muốn con rèn tư duy độc lập và có thái độ tích cực với việc học, thay vì “cầm tay chỉ lối” cho con.

Tuy nhiên, với nhiều phụ huynh, việc trở thành “gà mái mẹ” là khó tránh khỏi. Xiong Bingqui - Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục Thế kỷ 21 tại Bắc Kinh - giải thích, các bậc cha mẹ ban đầu đều rất lý trí. Họ chỉ muốn con có một tuổi thơ đơn giản và hạnh phúc, nghĩ rằng mình sẽ không giống như những người khác. Thế nhưng, cuối cùng, họ cũng bắt đầu “phát điên” vì chạy đua theo thành tích.

Tư duy này phổ biến nhất khi những đứa trẻ học cấp 1, bởi cha mẹ nào cũng tin rằng con mình có nhiều tiềm năng. Khi con cái học lên cao hơn, hội chứng “gà mái mẹ” sẽ giảm dần. Lúc này, các bậc phụ huynh đành chấp nhận rằng con chỉ là những đứa trẻ bình thường và không thể đáp ứng được kỳ vọng của mình.

Theo Xiong, phương pháp nuôi dạy con theo kiểu “gà mái mẹ” này đã làm tổn thương rất nhiều đứa trẻ, buộc cha mẹ chúng phải trả giá đắt. Nếu một đứa trẻ liên tục được dạy phải nỗ lực để đứng đầu, nhưng cuối cùng lại chịu bỏ cuộc, chúng sẽ nghĩ mình là một kẻ thất bại và mất dần tự tin. 

Ngoài ra, một số cha mẹ Trung Quốc thường nói với con rằng nếu không học hành chăm chỉ, chúng sẽ phải làm những công việc “thấp kém”. Đây là một quan điểm sai lầm hay bị tiêm nhiễm vào đầu trẻ con.

Cuộc đua khốc liệt của gà mái mẹ trên con đường thành công của trẻ: Xin đừng đè nát cuộc đời con bằng giấc mơ mang tên mình - Ảnh 5.

***

“Chẳng có đứa trẻ nào không thể thành tài, chỉ có cha mẹ chưa nỗ lực đủ”. 

Zhang Jieru tin vào câu nói đó. Một năm trước, cô bán nhà và chuyển tới sống gần một trường học tại Quảng Châu. Mùa thu năm nay, con gái cô sẽ được học tại ngôi trường cấp 1 thuộc top đầu của tỉnh. 

Cha của Deng Xiaoyu đang âm thầm lên kế hoạch xin nghỉ phép, đặt sẵn vé máy bay và khách sạn gần các điểm thi đại học của con. Ông muốn có mặt tại đó khi con thi. 

Từng đứa trẻ đang chạy nước rút về phía tương lai, và cha mẹ chúng cũng không đứng ngoài cuộc. Đây là một hành trình mà cha mẹ và con cái cùng trưởng thành và chạy đua, với tất cả sự hy vọng, lo lắng, thất vọng và có thể là cả hạnh phúc.

(Theo ThinkChina)


Linh Hân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên