MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc đua làm trung tâm dữ liệu ở Việt Nam

09-09-2022 - 17:30 PM | Kinh tế số

Trung tâm dữ liệu sắp được Gaw Capital Partners triển khai thực hiện. (Ảnh: Gaw Capital)

Trung tâm dữ liệu sắp được Gaw Capital Partners triển khai thực hiện. (Ảnh: Gaw Capital)

Nguồn dữ liệu lớn được tạo ra bởi nền kinh tế số đang phát triển như Việt Nam cần nơi lưu trữ. Nhu cầu càng lớn, cuộc đua làm trung tâm dữ liệu càng thu hút thêm nhiều 'tay chơi' tham gia.

Việt Nam được hãng nghiên cứu thị trường Research and Markets đánh giá là 1 trong 10 thị trường mới nổi trên bản đồ trung tâm dữ liệu toàn cầu.

Năm 2020, thị trường trung tâm dữ liệu của Việt Nam đạt 858 triệu USD và được dự báo sẽ tăng trưởng kép hằng năm trên 14,64% cho đến năm 2026.

Động lực tăng trưởng được cho là đến từ thị trường thương mại điện tử đang trên đà bùng nổ, các doanh nghiệp điện toán đám mây và công nghệ tài chính (fintech) đang phát triển.

Cùng với đó, làn sóng đầu tư của doanh nghiệp FDI cũng dẫn tới nhu cầu về lưu trữ và xử lý dữ liệu của các tập đoàn đa quốc gia. Các sáng kiến hướng tới chính phủ điện tử và chuyển đổi số cũng làm gia tăng nhu cầu về trung tâm dữ liệu. Nhu cầu càng lớn, cuộc đua làm trung tâm dữ liệu ở Việt Nam càng trở nên hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư.

Như VietTimes từng đề cập, tháng 6/2022, Gaw Capital Partners đã hoàn tất thương vụ mua lại khu đất nằm trong khu Công nghệ cao TP.HCM để phát triển một Trung tâm dữ liệu (IDC) đạt chuẩn cấp độ 3, dự kiến hoàn thành vào năm 2024.

Trước đó, vào tháng 3/2022, liên danh CTCP Phân phối công nghệ Quang Dũng (QD.TEK – thành viên Tập đoàn GreenFeed ) và Công ty TNHH tư nhân NTT Global Data Centers Holding Asia (NTT GDC – thuộc Tập đoàn NTT) đã được cấp giấy phép xây dựng và vận hành dự án “Trung tâm dữ liệu HCMC1” công nghệ cao tiêu chuẩn Tier III+ với tổng vốn đầu tư 56 triệu USD, diện tích sàn là 16.649m2.

Trung tâm sẽ cung cấp các dịch vụ trung tâm dữ liệu chất lượng cao cho các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước như cho thuê hệ thống đặt máy chủ (colocation), dịch vụ quản lý hỗ trợ từ xa, dịch vụ đám mây (cloud),… và nghiên cứu ứng dụng hệ thống robot và tự động hóa nhằm tăng hiệu quả trong việc vận hành trung tâm dữ liệu.

Cuộc đua làm trung tâm dữ liệu ở Việt Nam - Ảnh 1.

Trung tâm dữ liệu CMC Data Center Tân Thuận (Ảnh: CMC Telecom)

Tập đoàn Công nghệ CMC cũng là cái tên nổi bật, với dự án Trung tâm dữ liệu CMC Data Center Tân Thuận được khai trương ngày 15/8 tại khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TP.HCM.

Với vốn đầu tư 1.500 tỉ đồng, Data Center Tân Thuận có diện tích sàn sử dụng 12.000m2 và gần 3.000m2 dành riêng cho thiết bị công nghệ thông tin với quy mô 1.200 tủ rack, tổng công suất thiết kế lên tới 12.000kW và hỗ trợ tới 3 triệu vCPU.

Cuộc đua làm trung tâm dữ liệu còn có thể kể tới Viettel IDC. Ngày 26/7/2022, doanh nghiệp này và HSBC Việt Nam đã ký kết thoả thuận tài trợ tín dụng xanh dài hạn. Trong đó, HSBC sẽ cung cấp khoản vay trị giá 400 tỉ đồng cho Viettel IDC để hỗ trợ trong việc mua máy móc, thiết bị phục vụ cho Trung tâm dữ liệu Hòa Lạc.

Amazon Web Service (thành viên của Amazon) cũng có kế hoạch bổ sung mạng lưới các AWS Region (trung tâm dữ liệu) ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương bằng cách xây thêm các Local Zone (trung tâm dữ liệu địa phương), trong đó có Việt Nam.

Tháng 11/2021, CTCP phát triển Khu công nghệ thông tin Đà Nẵng (thành viên của Trungnam Group) và Infracrowd Capital (một quỹ đầu tư đến từ Singapore) đã ký kết thoả thuận đầu tư trị giá 100 triệu USD để xây dựng trung tâm dữ liệu tiêu chuẩn cấp 3 đầu tiên tại miền Trung.

Được biết, trung tâm sẽ được đặt tại Khu công nghệ thông tin Đà Nẵng (DITP), đạt tiêu chuẩn Tier III với công suất 30 – 40MW khi đưa vào vận hành khai thác trong năm 2024.

Theo Mai Trang

Viettimes

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên