MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc đua ở thị trường huy động

01-12-2016 - 15:30 PM | Tài chính - ngân hàng

Dù lãi suất tiền gửi đã giảm nhiều lần từ đầu năm đến nay, nhưng tiền gửi vẫn kiên trì chảy vào các ngân hàng, đặc biệt là trong phân khúc huy động từ thị trường dân cư.

Tiền đổ về ngân hàng

Bất chấp nền kinh tế đi lên hay xuống, dòng vốn từ thị trường 1 vẫn chảy mạnh về các ngân hàng thương mại. Theo báo cáo tháng 10 của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTCQG), nguồn vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư tăng 14,1%, trong khi cùng kì năm trước chỉ tăng 8%. Dòng vốn vào tăng còn nhanh hơn là tốc độ của dòng vốn đi ra (tín dụng) với mức tăng 12,5%.

Nếu xét số huy động tuyệt đối, các ngân hàng với quy mô tài sản và hệ thống chi nhánh lớn đang chiếm lĩnh thị trường vẫn tăng trưởng lượng tiền gửi nói chung dù một vài ngân hàng không ổn định trong 9 tháng đầu năm nay. Có thể lấy ví dụ như những ngân hàng Ngân hàng Quân Đội (3%), Eximbank (4,8%), Sacombank (9,4%)... Ở phân khúc các ngân hàng có quy mô tài sản nhỏ vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ở mức cao như: Ngân hàng LienVietPostBank đạt khoảng gần 35% còn Nam Á Bank khoảng hơn 32%.

Thực tế, nhiều ngân hàng đẩy mạnh việc huy động từ dân cư (tức bán lẻ) hơn là doanh nghiệp (bán buôn). Một ví dụ điển hình là Ngân hàng Bản Việt. Số liệu từ ngân hàng cho thấy tốc độ tăng trưởng lượng tiền gửi khách hàng cá nhân tính đến hết tháng 9 là 50%. Số liệu mới cập nhật tính lũy kế đến tháng 11/2016 tăng trưởng 70% so với cùng kì năm ngoái.

Cách làm của Ngân hàng Bản Việt là nhanh chóng mở rộng mạng lưới giao dịch. Trong năm nay, Ngân hàng Bản Việt đã khai trương 10 điểm giao dịch mới, dự kiến năm sau sẽ thêm khoảng 12 đến 15 điểm hiện đang trong giai đoạn cuối xin giấy phép từ Ngân hàng Nhà nước (NNHN).

Trên thực tế, có thể nhìn thấy cuộc chạy đua giữa các ngân hàng trong việc tăng cường sự hiện diện của mình ở các tỉnh, địa phương cách xa đô thị lớn truyền thống, nhằm thu hút sự chú ý và lượng tiền gửi. Ngoài Ngân hàng Bản Việt, Nam Á Bank là một ví dụ khác.

Tăng cường huy động từ thị trường dân cư là một chiến lược tốt đối với các ngân hàng thương mại, không chỉ vì quy mô thị trường huy động bán lẻ lớn hơn bán buôn mà còn bởi thị trường này còn giúp ngân hàng tăng khả năng bán chéo sản phẩm.

Với các điểm bán lẻ mới, đo lường hiệu quả là một câu hỏi lớn. “Bình quân mỗi điểm giao dịch huy động tiền gửi dân cư khoảng gần 600 tỉ đồng”, đại diện Ngân hàng Bản Việt cho biết. Con số này ở mức khá cao so với các ngân hàng có cùng quy mô. Mở rộng các điểm bán lẻ cũng mang lại khó khăn trong việc kiểm soát chi phí. “Chủ trương của ngân hàng là tiếp tục ưu tiên mở rộng cơ sở khách hàng một cách bền vững mà chưa đặt nặng vấn đề lợi nhuận”, đại diện Ngân hàng Bản Việt cho hay.

Tương lai khốc liệt

Theo đánh giá về “Tổng quan thị trường tài chính Việt Nam 2016 do UBGSTCQG thực hiện, nhìn chung ở khu vực ngân hàng,trong năm nay huy động vốn ước đạt tăng khoảng 19% và lượng thanh khoản của ngân hàng vẫn ổn định. Trong khi đó, theo báo cáo của Vụ Dự báo, thống kê, NHNN về xu hướng kinh doanh đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) trong quý III cho thấy, các TCTD kì vọng tăng trưởng bình quân huy động vốn của ngân hàng vào khoảng 16,85%, giảm 0,72% so với kỳ vọng tại cuộc điều tra kỳ trước và cao hơn mức thực tế của năm 2015.

Một yếu tố ảnh hưởng đến lượng tiền gửi chính là lãi suất. Từ đầu năm đến nay, lãi suất tiền gửi đã giảm một vài lần, nhưng các kì hạn dài vẫn có mức lãi suất hấp dẫn, vì các ngân hàng muốn thay đổi cơ cấu huy động vốn kì hạn dài cho phù hợp với yêu cầu mới của Thông tư 36/2016. Chính vì thế, lãi suất huy động có lẽ vẫn ở một mức đủ hấp dẫn với người gửi tiền.

Nhiều ngân hàng tập trung huy động vốn từ thị trường dân cư. Bởi nguồn lực này không chỉ giúp đảm bảo các yêu cầu an toàn trong hoạt động ngân hàng, mà còn là đòn bẩy cho các hoạt động khác. Đặc biệt là từ năm sau trở đi, các ngân hàng phải thí điểm Basel II và rất có thể phải thực hiện sau đó với những yêu cầu khắt khe hơn về vốn. Do đó, bản thân các ngân hàng đang cần vốn hơn bao giờ hết, cuộc đua gọi vốn vì thế có lẽ sẽ còn khốc liệt hơn trong thời gian tới.

Ở khía cạnh khác, việc tăng trưởng huy động tốt tạo đà tốt cho các ngân hàng, nhưng sử dụng dòng vốn đó hiệu quả hay không còn là một câu hỏi khác. Điều này phụ thuộc vào chiến lược tăng trưởng cụ thể của từng ngân hàng.

A.D

Trí Thức Trẻ

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên