Cuộc đua phi đô la hoá 'nóng lên' trên toàn cầu: Không có ‘kẻ chiến thắng’ nào, đồng bạc xanh sẽ ngày càng mạnh lên?
Trong suốt nhiều năm, chính phủ các nước đã nỗ lực tìm cách giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. Tuy nhiên, quá trình này lại chỉ khiến đồng bạc xanh ngày càng mạnh hơn.
Vai trò của đồng USD... chỉ mạnh lên
Năm 2018, các quan chức châu Âu đã chứng kiến Tổng thống Donald Trump huỷ bỏ thoả thuận hạt nhân với Iran, tái áp đặt các biện pháp trừng phạt và cân nhắc việc nhanh chóng ngừng kết nối với các ngân hàng của nước này với hệ thống SWIFT.
Qua động thái này, Mỹ đã tận dụng lợi thế lớn về tài chính của họ để thuyết phục các đồng minh trừng phạt quốc gia khác. Khi đó, các doanh nghiệp châu Âu cũng rời khỏi Iran vì lo ngại các lệnh trừng phạt thứ cấp từ Mỹ.
Song, Anh, Pháp và Đức quyết định đi ngược lại với động thái của Mỹ. Họ thành lập INSTEX là hệ thống trao đổi hàng hoá hỗ trợ nhân đạo cho Iran mà không sử dụng đồng USD. Sau đó, 7 quốc gia EU cũng sử dụng công cụ này. Vào tháng 3/2020, giao dịch đầu tiên của INSTEX đã được thực hiện, hỗ trợ Iran nhận hàng hoá y tế.
Giao dịch đầu tiên của INSTEX lại là giao dịch cuối cùng. Các doanh nghiệp châu Âu thì lo ngại rằng việc trao đổi hàng hoá sẽ khiến Mỹ tức giận. INSTEX lặng lẽ ngừng hoạt động vào năm 2023, 3 năm sau khi thành lập. Thay vì đưa ra một giải pháp thay thế cho đồng USD, công cụ này lại càng làm nổi bật vị thế của đồng bạc xanh.
Đây là một trong những nỗ lực nhằm thay thế vị thế dẫn đầu của đồng USD. Ngoài Anh và EU, nhiều quốc gia khác cũng muốn tìm đến những lựa chọn khác thay vì đồng bạc xanh. Tuy nhiên, bất chấp những kế hoạch nhằm né tránh, cho đến nay vẫn chưa có đối thủ nào "đủ sức" để "cướp ngôi vương" của đồng USD là đồng tiền dự trữ của thế giới.
Eswar Prasad, nhà nghiên cứu đến từ Viện Brookings, lập luận, cuộc đua giành vị trí số 1 đã diễn ra giữa các đồng tiền tệ khác. Song, cho dù sự cạnh tranh đó có lớn đến đâu, thì vị thế thống trị của đồng USD vẫn vững mạnh hơn bao giờ hết.
Kể từ đầu thế kỷ 21, tỷ lệ giao dịch tiền tệ liên quan đến đồng bạc xanh đã giữ ổn định từ mức 85% đến 90%. Đồng USD được sử dụng phổ biến trong các hoạt động thanh toán toàn cầu, thương mại và dòng vốn.
Ngoài ra, đồng bạc xanh cũng đóng vai trò trung tâm đối với hoạt động giao dịch ngoại hối. Nếu muốn bán bảng Anh để lấy yên Nhật, bạn có thể thực hiện trực tiếp. Nhưng nếu đó là đồng ringgit đổi zloty, bạn sẽ gặp khó khăn. Bạn sẽ phải đổi ringgit sang USD và sau đó mới mua được zloty.
"Điểm yếu" của các đồng tiền tệ khác
Trong khi đó, các đồng tiền tệ khác lại không ổn định. Năm 2001, euro là một đối thủ được coi là "đáng gờm" của USD, vì đồng tiền này được sử dụng ở một khối gồm các quốc gia có GDP tương đương với Mỹ và có mặt ở 38% các giao dịch ngoại hối. Nhưng trong 2 thập kỷ sau đó, khi các đồng tiền tệ khác như NDT được sử dụng rộng rãi hơn và chiếm tỷ trọng lớn hơn trong hoạt động giao dịch so với đồng euro (lớn hơn so với đồng USD).
Đến năm 2022, đồng yên Nhật cũng có diễn biến tương tự. Do đó, vị thế dẫn đầu của đồng USD so với những "đối thủ" mạnh nhất lại càng tăng lên. Trong những năm gần đây, việc sử dụng đồng USD trong hoạt động thanh toán xuyên biên giới cũng vậy. USD chiếm 47% trong số các giao dịch được thực hiện qua SWIFT vào tháng 1, tăng từ mức 38% của 3 năm trước đó.
Xu hướng tương tự cũng được thể hiện rõ trong việc phân bổ dự trữ của các NHTW. Kho dự trữ ngoại hối đóng vai trò quan trọng trong thời kỳ kinh tế bất ổn hoặc khủng hoảng. Điều đó có nghĩa là tài sản trong đó phải có khả năng bán được ngay lập tức và lý tưởng nhất là phải bao gồm một nhóm các đồng tiền được giao dịch nhiều nhất với đồng nội tệ.
Sự cạnh tranh này lại càng cho thấy đồng USD vẫn "thắng thế". Dù tỷ trọng giao dịch toàn cầu của đồng euro đã tăng 28% trong năm 2009 song đồng bạc xanh lại đạt 62%. Đến khi xảy ra cuộc khủng hoảng nợ công ở eurozone, con số trên của đồng euro giảm xuống còn 20%, trong khi đồng USD là 58%. Đồng NDT, AUD và CAD đều tăng hơn 2% trong các kho dự trữ toàn cầu. Tuy nhiên, sự trỗi dậy của các đồng tiền này cũng không khiến đồng USD yếu đi.
Ưu thế vượt trội của đồng USD vẫn được duy trì ngay cả khi phương Tây đóng băng kho dự trữ ngoại hối của NHTW Nga vào năm 2022. Các quốc gia khác muốn tìm lựa chọn thay thế, song họ không thể tìm ra được đồng tiền nào có tính thanh khoản cao, có khả năng làm trung gian như đồng USD trong thương mại toàn cầu.
Sức hấp dẫn của đồng USD dường như còn bền vững ở nhiều khía cạnh khác. Gần 1 nửa số khoản vay ngân hàng xuyên biên giới và chứng khoán nợ được định danh bằng đồng USD, trong bối cảnh lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ thấp hơn.
Nhiều ý kiến cho rằng, Fed có nhiều tiềm lực hơn các NHTW khác để đảm bảo đồng USD vẫn mạnh lên ngay cả khi xảy ra một cuộc khủng hoảng như năm 2008. Do đó, các tài sản định danh bằng USD, đặc biệt là trái phiếu chính phủ, được coi là an toàn hơn các tài sản khác và là tài sản thế chấp hiệu quả hơn.
Trong bối cảnh đó, những nỗ lực tìm kiếm lựa chọn thay thế lại tiếp tục "chùn bước".
Các đồng tiền số như Bitcoin có thể gặp biến động mạnh về giá trị. Bởi vậy, đây là loại tài sản không đáng tin cậy với chức năng là đơn vị tính toán và lưu trữ giá trị. Các stablecoin khác đã khắc phục được sự thiếu hụt này, thông qua việc neo giá với các loại tiền tệ phù hợp. Song, chỉ những đồng được neo giá với USD mới được sử dụng nhiều.
"Mối đe doạ" với vị thế đứng đầu của đồng USD
Các NHTW cũng đang bắt đầu tạo ra đồng tiền số của riêng họ. Dự án thí điểm lớn nhất là đồng NDT kỹ thuật số của PBOC, đạt khối lượng giao dịch 1,8 nghìn tỷ NDT (250 tỷ USD) vào tháng 6/2023.
Tuy nhiên, ngay cả khi những đồng tiền số như vậy thành công, thì ít nhất một trong số đó cần phải chứng minh nó hoạt động đặc biệt hiệu quả như thế nào và có chức năng vượt xa đồng bạc xanh hay không.
Nhìn chung, những rủi ro tiềm tàng với đồng USD vẫn hiện hữu. Sự phát triển của các hệ thống thanh toán thay thế và giao dịch không cần đến đồng USD có thể sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ, do các lệnh trừng phạt của phương Tây và ngày càng nhiều quốc gia muốn phi đô la hoá.
Nếu đồng CIPS của Trung Quốc thành công thì vai trò của đồng NDT với kho dự trữ của các nước sẽ tăng vọt. Cho đến nay, 2023 mới là năm đầu tiên nước này thực hiện hoạt động thanh toán xuyên biên giới bằng đồng NDT và đã vượt qua khối lượng của đồng USD.
Nhiều thập kỷ trước, đồng bảng Anh là đồng tiền dự trữ của thế giới trước khi bị đồng USD thay thế. Sự thay đổi tương tự cũng sẽ diễn ra với tốc độ cực kỳ nhanh.
Tham khảo Economist
Nhịp sống thị trường