MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc đua tăng vốn điều lệ của các ngân hàng bắt đầu "nóng"

10-06-2022 - 15:44 PM | Tài chính - ngân hàng

Cuộc đua tăng vốn điều lệ của các ngân hàng bắt đầu "nóng"

Loạt ngân hàng đã bắt đầu triển khai kế hoạch tăng vốn thời gian gần đây.


Cuộc đua tăng vốn sẽ dồn dập từ nay đến cuối năm

Mới đây, SeABank đã thông báo ngày 17/6 sẽ chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu. Tỷ lệ thực hiện quyền nhận cổ tức là 12,73%; tỷ lệ thực hiện quyền nhận cổ phiếu phát hành để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu là 6,6%.

Cụ thể, ngân hàng dự kiến phát hành 211,4 triệu cp để trả cổ tức năm 2021 và phát hành 109,7 triệu cp để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Theo đó, vốn điều lệ của SeABank sẽ tăng từ 16.598 tỷ đồng lên 20.403 tỷ đồng.

Được biết, theo kế hoạch đã được đại hội đồng cổ đông thường niên thông qua, SeABank sẽ còn phát hành 59,4 triệu cp theo heo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) năm 2022 để tăng vốn điều lệ thêm 59,4 tỷ đồng.

Một ngân hàng khác cũng rục rịch triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ là OCB. Cuối tháng 5, nhà băng này đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận việc tăng vốn điều lệ thêm gần 59 tỷ đồng. Trong đó, tăng vốn điều lệ thêm 50 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) và thêm 8,82 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài (ngân hàng Aozora – Nhật Bản). Sau khi hoàn tất đợt phát hành này, vốn điều lệ của OCB sẽ tăng lên 13.758 tỷ đồng.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2022 được tổ chức hồi cuối tháng 4, OCB cũng thông qua việc phát hành 413 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ 30%.

Hay tại ngân hàng Bản Việt (VietCapitalBank), NHNN cũng đã có văn bản chấp thuận cho nhà băng này tăng vốn điều lệ thêm tối đa hơn 1.618 tỷ đồng dưới ba hình thức: phát hành từ nguồn vốn chủ sở hữu (tối đa 550,6 tỷ đồng); phát hành cho cổ đông hiện hữu (tối đa 917,7 tỷ đồng); phát hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động (tối đa 150 tỷ đồng). Sau khi hoàn tất việc phát hành, vốn điều lệ của VietCapitalBank sẽ vượt qua mốc 5.000 tỷ đồng, đạt khoảng 5.289 tỷ.

Trước đó, VIB và ACB là 2 ngân hàng thực hiện kế hoạch tăng vốn điều lệ sớm nhất trong năm nay. Cụ thể, ngày 3/6, ACB đã chốt danh sách cổ đông để phát hành 675,4 triệu cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 25%. Vốn điều lệ của ACB được nâng từ hơn 27.019 tỷ đồng lên 33.774 tỷ đồng.

Trong khi VIB ngày 16/5 đã thực hiện xong việc chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ phiếu thưởng, tỷ lệ 35% từ nguồn vốn chủ sở hữu của ngân hàng để tăng vốn điều lệ thêm 5.436 tỷ đồng. Sau khi phát hành, vốn điều lệ của VIB tăng lên gần 21.000 tỷ đồng.

Được biết, có tới hơn 20 nhà băng lên kế hoạch tăng vốn trong 2022 nhưng mới chỉ 2 ngân hàng đã triển khai. Bởi vậy, từ nay đến cuối năm sẽ chứng kiến cuộc đua tăng vốn diễn ra dồn dập.

Sẽ có những cuộc "soán ngôi" ngoạn mục

Theo quan sát, kế hoạch tăng vốn của các ngân hàng vẫn chủ yếu là chia cổ tức bằng cổ phiếu, tỷ lệ phổ biến 20-30%. Ngoài ra, một số ngân hàng còn phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược, phát hành cổ phiếu ESOP, chào bán cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn.

Đáng chú ý, sẽ có những cuộc soán ngôi ngoạn mục diễn ra trong năm nay. VPBank là ngân hàng có kế hoạch tăng vốn "khủng nhất" khi vừa muốn phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài vừa trả cổ tức/cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu. Nếu thành công, vốn điều lệ của VPBank sẽ lên gần 80.000 tỷ đồng, cao nhất hệ thống và đánh dấu năm đầu tiên một ngân hàng tư nhân đứng đầu trong bảng xếp hạng vốn điều lệ, bỏ xa nhóm Big 4.

Hay tại SHB, ngân hàng này dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 15% và chào bán hơn 533,3 triệu cp cho cổ đông hiện hữu với giá 12.500 đồng/cp để tăng vốn điều lệ lên hơn 36.000 tỷ trong năm 2022. Từ đó, SHB sẽ vượt qua Techcombank, Agribank, ACB.

Trong những năm gần đây, vốn điều lệ của hệ thống đã tăng lên nhanh chóng, tuy nhiên vốn điều lệ của các NHTM do Nhà nước nắm giữ trên 50% tăng chậm hơn rất nhiều so với khối NHTM cổ phần.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước tại kỳ họp thứ 3, Quộc hội khóa XI, đến cuối tháng 3/2022, vốn điều lệ của các NHTM nhà nước (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV) đạt 170 nghìn tỷ đồng. Vốn điều lệ của các NHTM cổ phần đạt 400,23 nghìn tỷ đồng.

NHNN cho biết đang phối hợp các bộ, ngành liên quan xem xét, trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ giai đoạn 2021-2023 cho các NHTM cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và từ nguồn ngân sách nhà nước đối với Agribank.

Liên quan đến vốn điều lệ, tại Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025" vừa được Chính phủ phê duyệt mới đây cũng đã định hướng về việc đảm bảo vốn điều lệ của các ngân hàng. Theo đó, đến năm 2025, Nhóm NHTM trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô lớn phải có vốn điều lệ tối thiếu đạt 15.000 tỷ đồng. Trong khi đó, nhóm NHTM trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô nhỏ và trung bình và NHTM có vốn nước ngoài: vốn điều lệ tối thiểu đạt 5.000 tỷ đồng.

Hiện chỉ còn 13 ngân hàng (không gồm các NH yếu kém) có vốn điều lệ dưới 15.000 tỷ đồng, một số còn dưới 5.000 tỷ như PGBank, Saigonbank, Kienlongbank, VietCapitalBank, VietBank. Nếu thực hiện kế hoạch tăng vốn thành công trong năm nay, vốn điều lệ của VietCapitalBank và VietBank sẽ vượt mốc 5.000 tỷ.

https://cafef.vn/cuoc-dua-tang-von-dieu-le-cua-cac-ngan-hang-bat-dau-nong-2022061014595051.chn

Thu Thuỷ

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên