Cuộc gặp Donald Trump-Kim Jong Un có thể diễn ra ở đâu?
Một số địa điểm mà Washington và Bình Nhưỡng có thể đang cân nhắc cho cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử...
- 19-04-2018Tổng thống Trump đe dọa hủy bỏ cuộc gặp lịch sử với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un
- 18-04-2018Tổng thống Trump tuyên bố không thích TPP, khả năng Mỹ trở lại vẫn xa vời
- 17-04-2018Bị chất vấn về vụ tấn công Syria, Thủ tướng Anh chối: Không nghe theo lệnh của ông Trump
Trong khi Mỹ và Triều Tiên thực hiện các bước chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un, một trong những vấn đề nan giải nhất là tìm một địa điểm hợp lý cho cuộc gặp.
Theo dự kiến, ông Trump và ông Kim sẽ gặp vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 để bàn về chương trình hạt nhân của Triều Tiên và đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên giữa một Tổng thống Mỹ đương nhiệm với một nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Cách đây ít hôm, ông Trump nói hai bên đang cân nhắc 5 địa điểm để lựa chọn cho cuộc gặp giữa ông với ông Kim Jong Un, nhưng không nói cụ thể đó là những địa điểm nào. Theo hãng tin CNBC, dưới đây là một số địa điểm mà Washington và Bình Nhưỡng có thể đang cân nhắc:
Tây Âu
Nguồn thạo tin tiết lộ với giới truyền thông rằng Thụy Điển và Thụy Sỹ là hai trong số những địa điểm mà Nhà Trắng đang xem xét. Tháng trước, Ngoại trưởng Triều Tiên đã có chuyến công du tới Stockholm và Helsinki, nhưng không rõ có phải để bàn về cuộc gặp thượng đỉnh sắp diễn ra hay không.
Một bài xã luận đăng trên tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc vào hôm thứ Tư tuần này phủ nhận khả năng cuộc gặp diễn ra ở Tây Âu. Bài báo nói: "Triều Tiên sẽ không chọn một nước phương Tây, bởi sự an toàn của ông Kim Jong Un sẽ không được bảo đảm tuyệt đối". Theo bài báo, địa điểm diễn ra cuộc gặp phải là một quốc gia mà các lợi ích an ninh của Triều Tiên được đảm bảo.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng hoàn toàn có khả năng ông Kim Jong Un đồng ý gặp ông Trump tại một quốc gia trung lập chính trị như Thụy Điển, Phần Lan hoặc Thụy Sỹ.
Bình Nhưỡng
Đối với ông Kim Jong Un, thủ đô của Triều Tiên có thể là lựa chọn hàng đầu cho cuộc gặp với nhà lãnh đạo Mỹ.
"Phía Triều Tiên đã phát tín hiệu rằng họ muốn cuộc gặp diễn ra ở Bình Nhưỡng. Điều đó sẽ chứng tỏ với thế giới rằng ngay cả Tổng thống Mỹ cũng sẵn sàng đến Triều Tiên", ông Rodger Baker, Phó chủ tịch phụ trách phân tích chiến lược thuộc công ty tư vấn Stratfor nhận xét. "Một lựa chọn như thế đặt Triều Tiên ngang hàng với các cường quốc lớn".
Tuy nhiên, Nhà Trắng sẽ khó chấp nhận việc trao cho Bình Nhưỡng một lợi thế như vậy.
Bàn Môn Điếm
Đây là "ngôi làng đình chiến" nằm ở khu phi quân sự (DMZ) giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Bàn Môn Điếm là nơi duy nhất ở khu phi quân sự này mà binh sỹ Hàn Quốc và Triều Tiên đứng gác ngay gần nhau.
Vào ngày 27/4, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ gặp ông Kim Jong Un tại Bàn Môn Điếm. Chuyên gia Baker của Stratfor cho rằng có thể ông Trump và ông Kim cũng chọn nơi này làm địa điểm gặp, nhưng điều này còn phụ thuộc vào kết quả cuộc gặp giữa ông Moon và ông Kim.
Trung Quốc hoặc Nga
Triều Tiên cũng có thể đã đề xuất một thành phố Trung Quốc, như Bắc Kinh, hay một thành phố Nga, như Vladivostok, làm địa điểm gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều, tờ Thời báo Hoàn Cầu nhận định. Tờ báo này nói cả hai địa điểm như vậy đều mang lại sự đảm bảo an ninh cho Triều Tiên. Tuy vậy, Washington có thể sẽ không chấp nhận.
Ông Miha Hribernik, nhà phân tích cấp cao về châu Á thuộc công ty tư vấn toàn cầu Verisk Maplecroft, nhận định: "Bắc Kinh và Vladivostock có thể nằm trong danh sách những thành phố được xem xét". Tuy nhiên, vị chuyên gia rằng nhấn mạnh việc Mỹ hiện có quan hệ không mấy tốt đẹp với Trung Quốc và Nga, nên Washington "gần như chắc chắn sẽ không" chọn một trong hai nơi này cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều.
Hãng thông tấn Nga RIA Novosty ngày 20/4 dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết nước này sẽ không đề nghị đăng cai cuộc gặp giữa ông Trump với ông Kim Jong Un.
Ulaanbaatar
Thủ đô của Mông Cổ, quốc gia nằm giữa Nga và Trung Quốc, cũng là một "ứng cử viên" đăng cai thượng đỉnh Mỹ-Triều. Việc di chuyển từ Triều Tiên tới Ulaanbaatar có thể được thực hiện dễ dàng bằng tàu hỏa hoặc máy bay, theo ông Hribernik.
Mặt khác, Mông Cổ có quan hệ ngoại giao với cả Bình Nhưỡng và Washington, nên khả năng được lựa chọn cũng cao hơn.
VnEconomy