Cuộc gặp được mong chờ giữa ông Biden và Chủ tịch Hạ viện McCarthy không đạt kết quả, các nhà đàm phán sẽ phải làm việc xuyên đêm để tìm tiếng nói chung chặn rủi ro vỡ nợ
Các nhà lãnh đạo của Mỹ chưa thể tìm được tiếng nói chung trong việc tăng trần nợ 31,4 nghìn tỷ USD của chính phủ nước này khi chỉ còn 10 ngày nữa là cạn tiền, đe dọa đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới vào tình trạng chưa từng xảy ra trong lịch sử: Vỡ nợ.
- 21-05-2023Tổng thống Biden: Chẳng có gì phải hoảng hốt với nợ công của Mỹ
- 18-05-2023Rời Mỹ, Tổng thống Joe Biden phát biểu chắc nịch về chuyện vỡ nợ
- 17-05-2023Ông Biden có động thái mới trước cơn bão ‘vỡ nợ’ sắp cận kề với Mỹ
- 15-05-2023Tổng thống Biden làm gì trong chuyến đi 8 ngày tới châu Á - Thái Bình Dương?
Tổng thống Joe Biden của đảng Dân chủ và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (lãnh đạo phe đa số ở Hạ viện – đảng Cộng hòa) đã không thể đạt được thỏa thuận nâng trần nợ công cho Chính phủ Mỹ, giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ, trong cuộc họp vừa diễn ra ngày 22/5.
Ông McCarthy gây áp lực buộc Nhà Trắng phải chấp thuận cắt giảm chi tiêu trong ngân sách liên bang, điều mà ông Biden gọi là “cực đoan”. Trong khi đó, Tổng thống không từ bỏ thúc đẩy các khoản thuế mới để giảm thâm hụt bất chấp bị người Cộng hòa bác bỏ.
Dù giữ quan điểm của riêng mình nhưng cả hai bên đều nêu bật sự cần thiết để ngăn nước Mỹ vỡ nợ. Điều này cho thấy lưỡng đảng của Mỹ vẫn sẽ tiếp tục đàm phán trong những ngày tới nhằm tìm ra tiếng nói chung. Tuy nhiên, họ chỉ còn 10 ngày cho tới thời điểm mà các nhà lãnh đạo tài chính Mỹ cảnh báo Chính phủ sẽ cạn tiền.
Một nguồn thạo tin cho biết các nhà đàm phán của Nhà Trắng sẽ tới Đồi Capitol vào tối 22/5 theo giờ địa phương để tiếp tục làm việc.
Về phần mình, Tổng thống Biden đã đưa ra tuyên bố sau cuộc họp mà ông mô tả là hiệu quả. Ông chủ Nhà Trắng cho biết: “Chúng tôi nhắc lại một lần nữa rằng vỡ nợ là điều không được phép xảy ra và cách duy nhất để tiến lên phía trước là các bên đều phải thiện chí nhằm hướng tới một thỏa thuận lưỡng đảng”.
Một giờ sau cuộc gặp với ông Biden, Chủ tịch Hạ viện McCarthy nói rằng các nhà đàm phán “sẽ gặp nhau, làm việc xuyên đêm” để cố gắng tìm ra tiếng nói chung.
“Tôi tin rằng chúng ta vẫn có thể đạt được điều đó”, ông McCarthy nhấn mạnh đồng thời khẳng định không sẵn sàng xem xét kế hoạch giảm thâm hụt bằng cách tăng thuế mà Chính quyền ông Biden đưa ra. Người Cộng hòa muốn giảm thâm hụt bằng việc tập trung vào giảm chi tiêu trong ngân sách liên bang năm 2024.
Hôm 22/5, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen nói rằng nước Mỹ còn “rất ít thời gian”. Theo bà Yellen, ngày 1/6 vẫn là thời điểm sớm nhất mà Bộ Tài chính Mỹ có thể mất đi khả năng thanh toán các nghĩa vụ tài chính của Chính phủ Mỹ nếu trần nợ không được nâng lên.
Tuy nhiên, nghị sĩ Cộng hòa Patrick McHenry đã bác bỏ khả năng sẽ có thỏa thuận ngân sách từng phần nhằm nâng trần nợ. “Sẽ không ai đồng ý với bất cứ điều gì cho đến khi chúng tôi có một thỏa thuận cuối cùng”, ông McHenry nói. Vị nghĩ sĩ này cũng nói rằng Tổng thống Biden là người lạc quan nhất.
Trên thực tế, bất kỳ thỏa thuận nâng trần nợ công nào cũng phải được lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua. Hiện tại, đảng Cộng hòa đang giành đa số ở Hạ viện trong khi đảng Dân chủ nắm giữ Thượng viện. Ông Biden đã không còn lợi thế khi đảng Dân chủ để mất Hạ viện vào tay người Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.
Dù chưa từng xảy ra trong lịch sử những các chuyên gia cảnh báo nước Mỹ vỡ nợ có thể gây ra cơ địa chấn trên thị trường tài chính và đẩy lãi suất tăng cao với mọi thứ, từ mua xe ô tô tới trả thẻ tín dụng. Việc vỡ nợ còn là đòn giáng mạnh vào uy tín của nước Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới và rõ ràng cả 2 đảng đều sẽ hứng chịu những chỉ trích.
Sẽ cần vài ngày để Quốc hội Mỹ thông qua quyết định nâng trần nợ công. Chính vì thế, Chủ tịch Hạ viện McCarthy nhấn mạnh tuần này được xem là hạn chót để các bên đạt được đồng thuận.
Tham khảo: Reuters
Nhịp sống Thị trường