Cước giảm, cạnh tranh nhiều, vận tải biển Việt Nam chưa hết khó
Dù hoạt động vận tải nội địa đã có nhiều dấu hiệu khả quan nhưng thị trường vận vải biển Việt Nam nói chung trong 6 tháng đầu năm vẫn gặp khó khi doanh thu tiếp tục tăng trưởng âm.
- 21-02-2016Cước thấp kỷ lục, doanh nghiệp vận tải biển gặp khó
- 30-12-2015Vận tải biển trong hội nhập
- 07-08-2015Đề xuất quy định quản lý phụ phí vận tải biển
Các nguyên nhân được cho là do sự mất cân đối, dư thừa tàu dẫn đến cạnh tranh gay gắt, giá cước sụt giảm liên tục. Giá cước thuê tàu chuyến và thuê định hạn giảm từ 30-50% với với 2015. Bên cạnh đó, chân hàng vận chuyển thuê trong khu vực và quốc tế tương đối mỏng, giá cước thấp. Ngoài ra, tình trạng kỹ thuật của đội tàu Việt Nam hiện chưa phù hợp để khai thác tại các khu vực đòi hỏi tiêu chuẩn cao hay các tuyến hành trình xa có mức cước tốt.
Tuy nhiên, ở thị trường nội địa, hoạt động vận tải biển có sự khởi sắc khi đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam đảm nhận được gần 100% lượng hàng và sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển bằng phương tiện VR - SB tăng mạnh và đạt 4,7 triệu tấn trong 6 tháng. Trong đó, các loại hàng được vận chuyển trên tuyến ven biển chủ yếu là than, xỉ than, đá, đất, sắt, phân bón, xi măng, quặng, dầu FO...
Tính đến hết tháng 6.2016, Việt Nam có tổng số 1.898 tàu với tổng dung tích gần 5,15 triệu GT, tổng trọng tải gần 7,98 triệu DWT. Tuy nhiên, cơ cấu đội tàu Việt Nam còn chưa hợp lý, đặc biệt là tỷ trọng tàu công-te-nơ trong tổng trọng tải đội tàu thấp với 36 tàu công-te-nơ với năng lực chở khoảng 20.000TEU; số chủ tàu nhiều (trên 600) nhưng năng lực tài chính, trình độ quản lý chưa cao.
Cũng theo Cục Hàng hải, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam ước đạt 230 triệu tấn, tăng 13% so với cùng kỳ, đạt 48,9% kế hoạch, trong đó hàng công-te-nơ đạt 6,5 triệu TEUs, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2015, đạt 52% so với kế hoạch năm.
Hiện nay cả nước có 44 cảng biển (250 bến cảng) với 59.405m dài cầu cảng, tổng công suất thiết kế đạt 470-500 triệu tấn hàng/năm.
Tương tự như ngành vận tải biển, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển tiếp tục gặp khó khăn. Các nguyên nhân chủ yếu được xác định là do thị trường vận tải biển vẫn ảm đạm, giá thuê tàu thấp, nhu cầu đóng mới tàu biển rất hạn chế; bên cạnh đó, việc nhà nước cắt giảm chi tiêu công cũng dẫn đến nhu cầu đóng tàu từ nguồn vốn ngân sách giảm; ngoài ra, chương trình đóng mới tàu cá đang có vướng mắc về cơ chế chính sách nên tiến độ triển khai chậm...
Trước thực trạng khó khăn của thị trường vận tải biển, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công yêu cầu Cục Hàng hải VN hỗ trợ mạnh mẽ doanh nghiệp theo Nghị quyết 35 của Chính phủ, đặc biệt là với Vinanlines và SBIC đồng thời tăng cường bảo đảm an toàn hàng hải các tuyến ra đảo.
Lao động