Cuộc khủng hoảng 'đè bẹp' một quốc gia Nam Mỹ, đe doạ đến cả thị trường hàng hoá và chuỗi cung ứng toàn cầu
Lửa bùng cháy tại một trang trại ở bang Sao Paulo ngày 24/8
Các loại cây trồng của Brazil đã bị cháy xém, đóng băng và sau đó bị khô héo bởi đợt hạn hán tồi tệ nhất trong một thế kỷ, làm ảnh hưởng đến thị trường hàng hóa toàn cầu.
- 03-10-2021Economist: Khủng hoảng bất động sản sẽ khiến mô hình tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sụp đổ
- 03-10-2021Thuốc điều trị Covid-19 dạng viên: Vẫn hiệu quả khi virus đột biến, giá thành thấp, trở thành niềm hy vọng cho các quốc gia đang phát triển
Tình hình biến đổi khí hậu
Các nhà khoa học dự đoán nhiệt độ toàn cầu tăng và độ ẩm của đất giảm sẽ dần tàn phá các vùng đất nông nghiệp ở Brazil và phần lớn các quốc gia khác trên thế giới. Marcelo Seluchi, nhà khí tượng học tại Trung tâm Cảnh báo và Giám sát Thiên tai của Brazil cho biết: "Đây là một vòng luẩn quẩn. Không có mưa vì không có độ ẩm và không có độ ẩm do không có mưa".
Ông cho biết việc các chủ nông trại phá rừng Amazon để chăn nuôi gia súc và trồng trọt đang đẩy tình huống đi ngày một xa và khó cứu vãn hơn. Theo tính toán của ông, Brazil đã không có một mùa mưa bình thường kể từ năm 2010.
Ngoài ra còn có hạn hán xuyên biên giới ở Argentina và ở Chile, Canada, Madagascar, Mexico và Nga. Nước Mỹ đã bị chia cắt thành hai trạng thái trong mùa hè này. Phía Tây đã bị tàn phá bởi những đợt nắng nóng kỷ lục, cháy rừng và hạn hán nghiêm trọng đến mức các hồ và sông khổng lồ đang khô cạn và làm cạn kiệt năng lượng thủy điện. Còn ở miền Đông, trong cùng lúc đó, đã bị ngập lụt bởi các cơn bão nhiệt đới và lũ lụt gây chết người kỷ lục.
Năng suất cây trồng sụt giảm
Theo một nghiên cứu gần đây được công bố trên Tạp chí Quản lý và Kinh tế Môi trường, những điều này sẽ dẫn đến năng suất cây trồng giảm 10% trong ba thập kỷ tới, trong khi dân số toàn cầu dự kiến sẽ tăng hơn 1/5.
Sự tàn phá ở Brazil cung cấp một cái nhìn thoáng qua về tương lai. Hạn hán và băng giá khiến mùa màng trên diện tích 1,5 triệu km vuông - một khu vực rộng bằng Peru, đã bị hư hại. Những tổn thất về cà phê là đáng kinh ngạc nhất. Brazil dự đoán sản lượng cà phê của họ sẽ giảm hơn 25% trong năm nay. Theo đó, có tới nửa tỷ hạt cà phê bị phá hủy, đủ để pha cho tất cả người Mỹ mỗi sáng trong khoảng thời gian 4 tháng.
Thử thách cho các hãng cà phê
Điều này đã gây ra một thử thách giữa các nhà bán lẻ cà phê lớn nhất thế giới, như Starbucks Corp. và Nestle SA, để đảm bảo nguồn cung.
Jack Scoville, một nhà giao dịch tại công ty môi giới hàng hóa Price Futures Group ở Chicago cho biết: "Các hãng này đang tranh giành khá kịch liệt. Starbucks cho biết trong một tuyên bố rằng họ luôn mua hạt cà phê trước nhiều tháng. Trong khi đó, Mark Schneider, Giám đốc điều hành của Nestle, nói với các nhà đầu tư trong một cuộc họp hội nghị vào tháng 7 rằng công ty sẽ bảo vệ tài chính của mình bằng cách mua các hợp đồng bảo hiểm rủi ro dài hạn vào đầu năm tới".
Tác động nặng nề tới thị trường hàng hóa toàn cầu
Các nông trường nằm rải rác trên những vùng đồng bằng và cao nguyên rộng lớn phía trên bờ biển Đại Tây Dương sản xuất ra 4/5 sản lượng nước cam, 1/2 lượng đường, 1/3 lượng cà phê dùng để xuất khẩu, cùng 1/3 đậu nành và ngô được sử dụng để nuôi gà đẻ trứng, cũng như các vật nuôi khác. Vì vậy, khi mùa màng của khu vực này cháy xém và sau đó bị đóng băng trong năm nay do biến đổi khí hậu, thị trường hàng hóa toàn cầu đã rung chuyển.
Giá cà phê Arabica đã tăng 30% trong vòng sáu ngày vào cuối tháng 7, nước cam tăng 20% trong ba tuần và giá đường đạt mức cao nhất trong 4 năm vào tháng 8. Giá cả tăng vọt đang góp phần làm tăng lạm phát lương thực quốc tế, khiến tình hình tài chính ngày càng gặp nhiều khó khăn trong đại dịch và buộc hàng triệu gia đình có thu nhập thấp phải giảm mức chi tiêu.
Cú sốc lương thực, thực phẩm
Các thị trường mới nổi chịu gánh nặng của giá thực phẩm tăng. Tuy nhiên, Scoville cảnh báo rằng việc chốt giá thành công không có nghĩa là có đủ cà phê trong thời gian dài. Ông dự đoán, vụ thất thu của Brazil sẽ ảnh hưởng đến thị trường trong nhiều năm. Những người thường chỉ thu mua hạt cà phê từ Brazil và Việt Nam đang có xu hướng đột nhiên chuyển sang nơi khác để cố gắng bù đắp sự thiếu hụt.
Đó chính xác là tình huống mà Bader Olabi, một người rang cà phê ở Istanbul, gặp phải. Ông đang phải tìm kiếm các nhà cung cấp mới ở Colombia, Ấn Độ và Châu Phi để thay thế 100 thùng hạt cà phê mà ông đặt từ Brazil mỗi năm. Olabi biết sẽ không dễ thuyết phục khách hàng rằng những loại cà phê ở nơi khác cũng ngon trong khi chính ông còn nhận định: "Cà phê Brazil là ngon nhất".
Mất tất cả khi băng giá ập đến
Antonio Ribeiro Goulart đã rất sốc khi tổng cộng khoảng 11.000 cây trên khắp nông trường chuyển từ màu xanh lá cây rực rỡ sang màu nâu xỉn trong khoảng thời gian 24 giờ. Chỉ cần lướt tay chậm rãi qua những cành cây khô héo, những chiếc lá sẽ kêu răng rắc và sau đó vỡ vụn thành những mảnh nhỏ.
Gia đình của Goulart đã sở hữu mảnh đất này trong hơn một thế kỷ. Ông thừa kế khu nông trường từ cha mình và ổn định cuộc sống sau khi trải qua khoảng ba thập kỷ tại Banco Bradesco. Năm 2019, ông đã nhận lời chuyển giao một phần vụ mùa năm nay cho một nhà cung cấp đã bán cho ông một chiếc máy cắt cỏ mới, nhưng giờ điều đó là bất khả thi.
Goulart sẽ không có thu hoạch nào trong năm nay hoặc năm sau. Thậm chí, vụ mùa năm 2023 gần như chắc chắn bị mất. Có lẽ ông sẽ phải gọi cho nhà cung cấp và thương lượng lại các điều khoản. Và sau đó, giống như hàng ngàn nông dân xung quanh, ông định chặt bỏ tất cả các cành trên mọi cái cây với hy vọng những thân cây đó sẽ nảy chồi mới vào mùa xuân. Nếu điều này không diễn ra, ông sẽ phải chặt tận gốc cây và bắt đầu từ con số không.
Hạn hán khiến tình hình ngày càng khó lường
Hiện tại đã là tháng thứ bảy hạn hán diễn ra, quá khắc nghiệt để có một vụ mùa tốt. Độ ẩm của đất chỉ còn 20%. Ademar Pereira, người đứng đầu hiệp hội những người trồng cà phê địa phương, cho biết độ ẩm lý tưởng là khoảng 60%.
Pereira đã chỉ ra tất cả những dấu hiệu của hạn hán: những bãi cỏ được cắt tỉa cẩn thận đã biến thành những tấm thảm màu nâu, vết cháy xém do trận cháy rừng gần đây để lại ở một ngọn núi xa và hồ chứa thủy điện ở thung lũng có mực nước thấp đến mức có thể thấp thoáng nhìn thấy tận đáy.
Cháy rừng ở Brazil đã thiêu rụi các trang trại, phá hủy các vùng đất của một trong những nhà sản xuất nông nghiệp lớn nhất thế giới
Vào một ngày tháng Bảy, Cleverson Bertamoni đã chứng kiến những cánh đồng ngô của mình bốc khói nghi ngút ở một thị trấn có tên là Nova Mutum, nằm dọc theo rìa ngoài của khu rừng mưa của Brazil.
Bertamoni điên cuồng chất đầy hai xe chở nước và đưa ra ngoài để dập lửa. Tuy nhiên, lửa vẫn ngày càng lan rộng. Bertamoni phải kêu gọi sự giúp đỡ. Hàng xóm của ông vội vã đổ đầy nước vào hơn 13 chiếc xe tải nữa. Khoảng sáu giờ sau, ngọn lửa cuối cùng cũng được dập tắt, hơn 100 ha đã bị phá hủy.
Đối với Bertamoni, ngọn lửa này rất khác với những lần ông từng gặp phải từ khi còn là một cậu bé theo cha mẹ vào những cánh đồng ngô và đậu tương của họ. Ông nói, mặt đất bây giờ rất khô nên một tia lửa nhỏ cũng đủ để kích hoạt cháy rừng và lửa lây lan rất nhanh.
Sau vụ cháy, Bertamoni tính toán được ông thiếu 16.000 bao ngô cho các nhà kinh doanh ở Sao Paulo. Hợp đồng quy định ông phải bồi thường hơn 120.000 USD, nhưng ông không có nhiều tiền đến vậy. Chính vì thế, ông đã thỏa thuận với họ sẽ đền hơn 20.000 bao vào vụ thu hoạch năm sau. Bertamoni cảm thấy ông như tìm được đường sống trong cõi chết. Ông hy vọng mọi chuyện sẽ ổn, chỉ cần những cơn mưa ùa về và vụ mùa lại bội thu.
Tham khảo Bloomberg