Cuộc khủng hoảng thiếu nguồn cung dầu tồi tệ nhất nhiều thập kỷ đang hạ nhiệt
Các doanh nghiệp Mỹ và Canada đang dẫn đầu về tăng sản lượng dầu toàn cầu, ngoài ra các biện pháp trừng phạt ngành dầu của Nga đang không tạo ra nhiều tác động tiêu cực hơn so với tính toán ban đầu.
- 14-07-2022Thị trường ngày 14/7: Giá dầu, vàng và thép tăng nhưng đồng thấp nhất 20 tháng, bông và dầu cọ chạm ‘đáy’ 1 năm
- 13-07-2022Dầu lại sập giá - giảm mạnh gần 10% thủng mốc 100 USD/thùng
- 13-07-2022Thị trường ngày 13/7: Giá dầu thấp nhất 3 tháng, vàng chạm ‘đáy’ 9 tháng, nhôm thấp nhất 14 tháng, quặng sắt, cà phê, ngũ cốc cũng giảm
Cuộc khủng hoảng thiếu nguồn cung dầu tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ đang có nhiều dấu hiệu cho thấy sự suy giảm bởi tăng trưởng kinh tế chững lại khiến cho nhu cầu giảm, cùng lúc đó, các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp với Nga đang gây ra ít tác động lên nguồn cung dầu hơn so với kỳ vọng, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
Theo Wall Street Journal dẫn nguồn tin từ báo cáo ngành mới công bố, cơ quan trụ sở tại Paris này đã hạ dự báo về triển vọng nhu cầu dầu trong năm nay và năm sau. Thông thường, giá mỗi thùng dầu cao thường khiến cho người tiêu dùng ngại ngần chi tiêu và đi lại, ngoài ra, triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu xấu đi làm suy giảm nhu cầu.
Hiện tại, các doanh nghiệp Mỹ và Canada đang dẫn đầu về tăng sản lượng dầu toàn cầu, ngoài ra các biện pháp trừng phạt ngành dầu của Nga đang không tạo ra nhiều tác động tiêu cực hơn so với tính toán ban đầu.
Giá dầu không có nhiều thay đổi trong phiên giao dịch ngày thứ Tư. Giá dầu Brent, loại dầu chuẩn của thế giới, tăng 8 cent/thùng và chốt phiên ở mức 99,57USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ trên thị trường Mỹ tăng 46 cent/thùng và chốt phiên tại mức 96,30USD/thùng.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất dầu lớn trên thế giới chậm nâng sản lượng khi mà nhu cầu toàn cầu phục hồi. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây áp với Nga đã khiến cho nguồn cung hàng triệu thùng dầu bị rút khỏi thị trường các nước xuất khẩu lớn nhất thế giới dù rằng cho đến nay Nga cũng đã tìm được các bên mua thay thế bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ.
Giá dầu cao mang đến nhiều lợi ích cho OPEC+, liên minh các nước sản xuất dầu của thế giới hiện đang nắm khoảng hơn nửa nguồn cung dầu toàn cầu.
OPEC hiện chật vật trong việc đáp ứng các mục tiêu sản xuất để nâng được sản lượng. Thành viên hàng đầu của OPEC, Saudi Arabia cho đến nay khá ngại ngần trong việc tăng sản lượng nhằm bù đắp cho nguồn cung dầu thiếu hụt từ Nga. OPEC có liên minh với Nga và nhóm một số nước sản xuất dầu lớn.
Cũng theo IEA, việc giá dầu quá cao đang bắt đầu khiến cho nhu cầu suy giảm. IEA hạ dự báo nhu cầu dầu đối với năm nay 240.000 thùng/ngày xuống còn 99,2 triệu thùng dầu/ngày. Nhu cầu dầu trong năm 2023 ước tính sẽ thấp hơn khoảng 280.000 thùng dầu/ngày so với dự báo trước đó 101,3 triệu thùng dầu/ngày.
Hiện tại, IEA dự báo tác động của giá dầu cao lên nhu cầu sẽ ở mức vừa phải bởi kinh tế Trung Quốc phục hồi giúp bù lại cho việc nhu cầu dầu suy giảm tại nhiều nơi khác trên thế giới.
IEA nâng dự báo nguồn cung trong năm nay thêm khoảng 300.000 thùng dầu/ngày lên 100,1 triệu thùng dầu/ngày. IEA nâng dự báo sản lượng dầu thô Nga trong năm nay thêm 240.000 thùng dầu/ngày lên 10,6 triệu thùng dầu/ngày.
Tháng 6/2022, nguồn cung dầu toàn cầu tăng thêm 690.000 thùng dầu/ngày lên 99,5 triệu thùng dầu/ngày chủ yếu do nguồn cung của Nga tốt hơn so với kỳ vọng.
Các biện pháp trừng phạt khiến cho khối lượng xuất khẩu dầu của Nga giảm đi, tuy nhiên, giá dầu cao hơn đồng nghĩa Moscow vẫn kiếm được nhiều tiền hơn so với trước căng thẳng Nga - Ukraine, IEA nhấn mạnh. Xuất khẩu dầu của Nga tháng 6/2022 rơi xuống mức thấp nhất tính từ tháng 8/202, tuy nhiên doanh thu xuất khẩu dầu Nga tăng 700 triệu USD lên 20,4 tỷ USD, cao hơn 40% so với ngưỡng trung bình của năm 2021.
Báo cáo về thị trường năng lượng của OPEC công bố ngày thứ Ba cũng cho thấy quan điểm tương tự về tăng trưởng toàn cầu và nhu cầu dầu yếu đi.
BizLive