MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc khủng hoảng trẻ em tại Trung Quốc tồi tệ hơn trong năm đại dịch Covid-19

10-02-2021 - 07:55 AM | Tài chính quốc tế

Cuộc khủng hoảng trẻ em tại Trung Quốc tồi tệ hơn trong năm đại dịch Covid-19

Tình hình bất ổn tài chính sau đại dịch Covid-19 và nỗi lo về khả năng chi phí nuôi con leo thang tại các thành phố nhiều khả năng đã khiến cho không ít gia đình phải trì hoãn việc sinh con.

Số lượng trẻ em đăng ký sinh ra tại Trung Quốc trong năm 2020 giảm chóng mặt khi mà đại dịch Covid-19 khiến cho thu nhập các hộ gia đình giảm thê thảm, nỗi lo về triển vọng kinh tế lớn dần. Tỷ lệ sinh tại Trung Quốc vốn đã ở mức thấp nay còn giảm sâu hơn nữa, theo tin từ Nikkei.

Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc vào ngày thứ Hai công bố số lượng đăng ký sinh đẻ của các hộ gia đình Trung Quốc giảm 15% xuống 10,4 triệu trong năm 2020. Dù rằng con số các ca sinh đẻ chính xác chưa thể được công bố cho đến mùa xuân năm nay, con số này nhiều khả năng sẽ vẫn thấp hơn con số của năm 2019 là 14,65 triệu ca – mức thấp nhất tính từ năm 1961.

Tình hình bất ổn tài chính sau đại dịch Covid-19 kết hợp với những nỗi lo về khả năng chi phí nuôi con leo thang tại các thành phố nhiều khả năng đã khiến cho không ít gia đình phải trì hoãn việc sinh con. Thu nhập khả dụng sau khi điều chỉnh với lạm phát tăng chỉ 2,1% trong năm ngoái, ngưỡng tăng thấp hơn rất nhiều so với mức độ tăng trưởng khoảng 6% trước đại dịch Covid-19.

Thực ra xu thế suy giảm tỷ lệ sinh đẻ không phải chỉ đến đại dịch Covid-19 mới có.

Tỷ lệ sinh đẻ tại Trung Quốc vào năm 2016 từng tăng sau khi Trung Quốc chính thức công bố kết thúc chính sách một con, giới chức cho phép tất cả các hộ gia đình có đứa con thứ 2. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh đã giảm đều qua các năm cho đến năm 2019.

Tuy nhiên chính sách sinh đẻ linh hoạt cho đến nay chưa mang đến được kết quả như ý, nhiều chuyên gia xã hội và kinh tế học không khỏi lo ngại về khả năng tốc độ già hóa kinh tế cao hơn so với kỳ vọng.

Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, ông Cai Fang, nhận xét điểm bước ngoặt dẫn đến tình trạng khó khăn về kinh tế đã xảy ra, tỷ lệ dân số Trung Quốc trong độ tuổi lao động lập đỉnh vào năm 2010.

Điểm bước ngoặt thứ 2 tiềm ẩn khả năng gây ra cú sốc về cầu nhiều khả năng sẽ xảy ra trong năm 2025 khi mà tổng dân số của Trung Quốc lập đỉnh. Những thay đổi cấu trúc trong dân số Trung Quốc sẽ có thể thay đổi vị thế của nước này trong kinh tế thế giới.

"Khi mà cấu trúc nhân khẩu thay đổi, lợi thế cạnh tranh trong sản xuất mà Trung Quốc vốn có sẽ mất đi. Cán cân thương mại vì thế sẽ có những thay đổi", ông Cai nói.

Trung Quốc không phải nước duy nhất chứng kiến tình trạng suy giảm về tỷ lệ sinh. Viện nghiên cứu Daiichi Life tại Nhật, ông Takuya Hoshino, ước tính rằng có 848.000 trẻ em được sinh ra tại Nhật trong năm gần nhất, thấp hơn 2% so với mức thấp kỷ lục trước đó là 865.000. Con số này dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong năm nay xuống 776.000 trẻ em.

Theo Trung Mến

Nhịp sống doanh nghiệp

Trở lên trên