MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc sống co ro trên gác mái với bát cơm trắng của người dân Hà Tĩnh

06-09-2019 - 15:29 PM | Xã hội

Suốt 4 ngày 3 đêm qua, người dân ở vùng rốn lũ huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) phải sống co ro trên nóc nhà bên cạnh là những bát cơm trắng, những gói mỳ tôm cứu trợ.

Trời ngừng mưa, nước lũ bắt đầu rút

Sáng 6/9, trên địa bàn huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đã hết mưa nhưng mực nước một số sông chỉ có dấu hiệu xuống chậm. Đã 4 ngày qua, người dân phải sống chung với lũ và từng ngày từng giờ mong ngóng nước rút đi.

Ông Phan Đình Hùng - Chủ tịch UBND xã Hương Giang cho biết, từ đêm qua đến sáng nay, trời ngừng mưa nên nước lũ trên địa bàn đã rút bớt. Từ 235 hộ dân bị ngập nay chỉ còn khoảng gần 20 hộ dân vẫn còn ngập trong nước lũ.

 Cuộc sống co ro trên gác mái với bát cơm trắng của người dân Hà Tĩnh - Ảnh 1.

Nhiều ngày qua, nước lũ khiến hàng nghìn hộ dân ở huyện Hương Khê ngập chìm trong nước.

"Hiện nước đã rút, nước rút đến đâu thì người dân họ lau chùi dọn dẹp đến đó. Hiện xã vẫn chưa thống kê được thiệt hại của người dân trên địa bàn. Còn số trâu bò lợn gà của người dân thì không bị ảnh hưởng", ông Hùng nói và cho biết, xã đang mong nước rút hết để cuộc sống người dân đỡ khổ.

Tại xã Phương Mỹ, dù trời đã hết mưa nhưng nước lũ vẫn rút chậm. Tính từ tối 5/9 đến sáng 6/9, nước lũ trên địa bàn chỉ mới rút đi khoảng 30cm. Các tuyến đường, nhà dân trên địa bàn xã vẫn bị ngập và bị cô lập hoàn toàn.

 Cuộc sống co ro trên gác mái với bát cơm trắng của người dân Hà Tĩnh - Ảnh 2.

Nhiều nhà ngập đến nóc.

"Toàn xã có khoảng 225 hộ dân bị ngập nước sâu. Các hộ còn lại thì bị cô lập vì đường đi bị ngập.

Người dân chủ yếu di chuyển bằng thuyền. Một số nơi thì nước chảy xiết hoặc vướng dây điện nên cũng không thể di chuyển được", ông Hoàng Xuân Tần (lãnh đạo xã Phương Mỹ) nói và cho biết, phải vài ba ngày tới, nước lũ mới có thể rút hết trên địa bàn xã này.

 Cuộc sống co ro trên gác mái với bát cơm trắng của người dân Hà Tĩnh - Ảnh 3.

Người dân phải sinh sống ở gác của mái nhà.

Sau khi nước rút, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng sẽ có các biện pháp để xử lý môi trường, nguồn nước sạch cho dân để đảm bảo an toàn.

Cuộc sống trên nóc nhà trong cơn lũ lớn

Tại xã Hương Giang, 3 ngày qua các ngã đường, nhà cửa ngập trong nước. Đến cả khu vực bếp nấu ăn cũng chìm trong nước nên người dân chỉ còn cách chui lên nóc nhà để sống và sinh hoạt.

 Cuộc sống co ro trên gác mái với bát cơm trắng của người dân Hà Tĩnh - Ảnh 4.

Những ánh sáng leo lắt trong đêm lũ từ những chiếc đèn pin.

Đêm đến, người dân nơi đây lại sống leo lắt bên những ngọn nến. Nhà nào may mắn hơn thì sử dụng đèn pin hoặc có thêm máy phát điện. Tuy nhiên, tất cả cũng chỉ để thắp sáng chứ không thể làm được gì hơn vì nước lũ đã ngập toàn bộ.

Trong không gian chật hẹp chừng 4m2 ở áp mái, bà Đậu Thị Bút (71 tuổi, trú xóm 10 xã Hương Giang) vừa dành chỗ để đồ vừa để lại một gốc để vừa là nơi nấu ăn vừa là nơi để nằm ngủ.

 Cuộc sống co ro trên gác mái với bát cơm trắng của người dân Hà Tĩnh - Ảnh 5.

Bà Bút cho biết, gác mái chỉ rộng mấy mét vuông vừa là nơi để đồ, vừa là nơi ở của bà suốt mấy ngày qua khi lũ đến.

Nói là ngủ nhưng đã 3 đêm qua, bà Bút gần như thức trắng. Bà cứ ngồi ở mái nhà nhìn xuống dưới để canh nước lũ lên hay xuống. Một phần bà Bút thức canh để biết nguy hiểm mà tránh, một phần thì bà cũng lo lắng nên có nằm xuống thì cũng không tài nào ngủ được.

 Cuộc sống co ro trên gác mái với bát cơm trắng của người dân Hà Tĩnh - Ảnh 6.

Nhà bà Bút bị ngập hết. Mấy đêm liền bà không ngủ chỉ thức để canh xem nước xuống hay lên còn biết mà tránh.

"Nhà tôi bị ngập hơn 1m. Ở đây gần như năm nào cũng lũ nên tôi phải xếp những tấm gỗ lên làm gác ở sát mái để lũ đến thì trèo lên đây ở. Mấy đêm rồi tôi nằm mà không chợp mắt nổi nên cứ ngồi nhìn xuống canh nước thôi. Mấy đêm trước thì mưa lớn, cứ rào rào trên mái nên cũng lo lắm.

Mấy bữa đầu thì còn dưa, cà muối, cá khô. Chứ đến hôm nay thì nước sạch dự trữ sắp hết, thức ăn cũng không có gì, chỉ còn cơm với vừng lạc và mỳ tôm họ cho thôi", bà Bút chia sẻ.

 Cuộc sống co ro trên gác mái với bát cơm trắng của người dân Hà Tĩnh - Ảnh 7.

Cùng chung cảnh ngộ, bà Thanh cũng sống ở gác mái. Bà dành phần lớn để đồ, còn một góc nhỏ bà trải nilon rồi nằm ngủ.

Cùng chung cảnh ngộ, nước lũ lên nên bà Trần Thị Thanh phải sống ở gác áp mái suốt mấy ngày qua. Bà Thanh cho biết, do lũ lên nhanh và bất ngờ nên bà không chuẩn bị dự trữ được thức ăn gì nhiều. Mấy hôm nay, bà phải hứng nước mưa để lấy nước sạch. Giờ mưa không còn nên chưa biết lấy nước ở đâu.

Cách nhà bà Thanh không xa là nhà của ông Bùi Đức Thanh (74 tuổi). Trước đó ông đã làm sẵn gác mái nên khi lũ lên, ông Thanh cùng con cháu lại chui lên gác mái để ở. Tuy đã chuẩn bị sẵn nhưng lũ đến nhiều ngày qua mà không rút nên cuộc sống cũng trăm bề gian nan.

 Cuộc sống co ro trên gác mái với bát cơm trắng của người dân Hà Tĩnh - Ảnh 8.

Mấy ngày qua, nhà ngập sâu nên ông Thanh cùng các thành viên trong gia đình phải sống ở gác mái.

"Sống chung với lũ vốn quen rồi nên hầu như người dân nơi đây họ có cách phòng tránh lũ. Gần như nhà nào cũng làm gác ở mái để ở. Nhưng cuộc sống trong lũ thì khổ lắm. Nước không, điện không, thức ăn cũng chẳng có gì. Có ngày phải ăn cơm trắng, ăn mỳ tôm thôi", ông Thanh nói.

 Cuộc sống co ro trên gác mái với bát cơm trắng của người dân Hà Tĩnh - Ảnh 9.

Thức ăn dự trữ đã hết, nhiều em nhỏ phải ăn mỳ tôm, ăn sắn thay bữa cơm.

 Cuộc sống co ro trên gác mái với bát cơm trắng của người dân Hà Tĩnh - Ảnh 10.

Nhiều người dân có thuyền đi lại thì đến những nơi các lực lượng cứu hộ phát mỳ tôm, thực phẩm cứu trợ.

 Cuộc sống co ro trên gác mái với bát cơm trắng của người dân Hà Tĩnh - Ảnh 11.

Nhiều hộ không đi được phải ngồi trên mái chờ đợi lực lượng cứu trợ đến.

 Cuộc sống co ro trên gác mái với bát cơm trắng của người dân Hà Tĩnh - Ảnh 12.

Người dân quý trọng những thùng mỳ tôm, thực phẩm được cứu trợ trong lũ.

 Cuộc sống co ro trên gác mái với bát cơm trắng của người dân Hà Tĩnh - Ảnh 13.

Hiện một số nơi nước lũ đã bắt đầu rút xuống, người dân cũng bắt đầu dọn dẹp nhà cửa. Nhưng sau lũ, cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều vấn đề phải lo âu.

Theo Ngọc Tú

Trí Thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên