MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc sống của người nghèo Hồng Kông: Không thu nhập, mất đi cơ hội việc làm vì biểu tình liên miên, lạc lõng trong một thành phố tráng lệ và phồn hoa

12-01-2020 - 08:06 AM | Tài chính quốc tế

Theo các chuyên gia, tỷ lệ nghèo của Hồng Kông thậm chí sẽ còn tăng cao hơn nữa và tạo khiến tình trạng bất ổn thêm trầm trọng, nếu chính phủ không đưa ra những động thái hỗ trợ mạnh mẽ hơn.

Làm nội trợ để chăm sóc con trai mắc chứng tự kỷ, Liu cho biết gia đình 4 người của chị sống phụ thuộc vào mức lương 10 nghìn HKD của chồng từ một công việc bán thời gian. Con số này thậm chí còn thấp hơn mốc 21 nghìn HKD để được coi là chuẩn nghèo cho một hộ gia đình 4 người. Gia đình chị sống trong một căn hộ đi thuê rộng chưa đầy 30 m2, ở vịnh Cửu Long với tiền thuê hàng tháng là 2 nghìn HKD.

Cuộc sống của gia đình chị Liu thay đổi hoàn toàn sau khi con trai chị chào đời. Ngoài bệnh tử kỷ, cậu bé còn được chẩn đoán mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý và điếc tai trái, có thể nghe bằng tai phải sau khi phẫu thuật ghép ốc tai điện tử. Liu đã phải nghỉ công việc phục vụ 4 năm trước để ở nhà chăm sóc cậu bé. Chi phí chữa bệnh cho bé khiến gia đình chị chịu rất nhiều khó khăn.

Trước đây, chồng chị Liu kiếm được khoảng 20 nghìn HKD mỗi tháng, làm việc ở các công trường xây dựng. Tuy nhiên, tình hình biểu tình diễn ra ngày càng căng thẳng, kéo dài suốt hơn 7 tháng, đã ảnh hưởng đến ngành xây dựng và khiến anh rơi vào cảnh thất nghiệp. Trong khoảng 3 tháng, gia đình này không hề có thu nhập.

Hiện tại, anh đang làm việc tại các nhà hàng từ sáng sớm cho tới tối khuya, thời gian dành cho gia đình là rất ít, có những hôm anh phải ngủ lại ở công viên nếu lỡ chuyến tàu về nhà. Chị Liu chia sẻ: "Thật khó cho anh ấy, ước gì tôi có thể đi làm và gánh vác được phần nào cho anh ấy."

Cuộc sống của người nghèo Hồng Kông: Không thu nhập, mất đi cơ hội việc làm vì biểu tình liên miên, lạc lõng trong một thành phố tráng lệ và phồn hoa - Ảnh 1.

Chị Liu rơi nước mắt khi kể về tình cảnh của mình.

Con gái của Liu phải nghỉ học từ lớp 9 và chỉ kiếm được khoảng 1.000 USD từ một số việc bán thời gian, vì vậy hầu như cô bé vẫn phải phụ thuộc vào bố mẹ. Liu cho biến gánh nặng đối với gia đình chị không chỉ là về kinh tế, bởi vì quá nghèo trong một thành phố hoa lệ đến vậy là một nỗi buồn không thể diễn đạt bằng lời, hầu như ngày nào chị cũng khóc. Chị chia sẻ: "Tôi cảm thấy tuyệt vọng. Tôi rất vui khi được làm những điều mình muốn cho gia đình và chăm sóc con trai, nhưng mọi thứ không hề tiến triển. Tôi không biết sau này sẽ phải làm thế nào."

Theo số liệu về tình trạng nghèo đói được chính phủ công bố vào tháng 12, số lượng người nghèo ở Hồng Kông đạt mức cao nhất trong 10 năm - 1,41 triệu dân vào năm 2018, chiếm 20,4% tổng dân số. Điều này có nghĩa là hơn 1/5 người dân nơi này sống dưới mức nghèo - với mức thu nhập hàng tháng là 4.000 HKD/người, 10.000 HKD/hộ gia đình 2 người và 16.500 HKD/hộ gia đình 3 người. Bản báo cáo này cho thấy, người thất nghiệp, người già, hộ gia đình có bố hoặc mẹ đơn thân và những gia đình mới chuyển đến có nguy cơ rơi vào đói nghèo cao hơn.

Tình trạng nghèo đói gia tăng xảy ra đối với nhóm người trẻ từ 18 tuổi đến 29 tuổi cũng là một dấu hiệu đáng báo động đối với thành phố này, đạt mức 12,6% vào năm 2018, tăng 11,9% so với năm 2015. Bản báo cáo còn cho biết, chính phủ Hồng Kông cũng thường xuyên trợ cấp bằng tiền mặt, nỗ lực giảm số lượng người nghèo xuống khoảng 1,2 triệu người.

Dẫu vậy, các chuyên gia cho rằng số liệu thống kê lại không phản ánh đúng sự thật về tình trạng nghèo đói. Terence Chong Tai-leung - nhà kinh tế tại Đại học Trung Quốc, cho biết định nghĩa nghèo của chính phủ chỉ là một con số tương đối. Ông nói: "Họ nghèo so với những người khác."

Giáo sư Paul Yip Siu-fai - phó khoa Khoa học xã hội của Đại học Hồng Kông (HKU), nhận định rằng tăng trưởng kinh tế của thành phố này không mang lại lợi ích cho hầu hết người dân, đặc biệt là các hộ gia đình thu nhập thấp. Ông chỉ ra dân số tăng, tình trạng già hoá dân số và số lượng hộ gia đình quy mô nhỏ ngày càng nhiều, đều khiến số lượng người nghèo tăng cao.

Tình trạng thất nghiệp có tác động lớn đến mức nghèo. Tỷ lệ nghèo của các hộ gia đình không có hoạt động kinh tế là ở mức 76,2% trong năm 2018, so với 12,7% hộ gia đình có hoạt động kinh tế. Theo so liệu của Cục Thống kê Hồng Kông, thành phố này có 125.400 người thất nghiệp, với tỷ lệ thất nghiệp là 3,2%.

Năm 2018, Hồng Kông có khoảng 1,2 triệu người ở độ tuổi từ 65 trở lên, tương đương 16,9% dân số. Những người cao tuổi đã nghỉ hưu không có thu nhập, sẽ có nguy cơ rơi vào cảnh nghèo nhiều hơn. Khoảng 516.600 người, tương đương 44,4% người cao tuổi, là người nghèo. Tỷ lệ nghèo của nhóm này cao hơn gấp đôi so với dân số nói chung.

Khi số lượng người độc thân, ly dị hay có ít con vẫn tăng lên, quy mô hộ gia đình ở thành phố này đã giảm từ 2,85 người vào năm 2009 xuống còn 2,68 người vào năm 2018. Số hộ gia đình 1 và 2 người tăng lên, chiếm 48,3% vào năm 2018. Với tỷ lệ nghèo là 48,1% vào năm 2018, các hộ gia đình đơn thân có nguy cơ nghèo cao hơn, vì họ phải chăm sóc con cái mà không có thành viên nào trong gia đình có thể hỗ trợ.

Li (27 tuổi) đã ly dị chồng hồi tháng 9 năm ngoái và đang sống với con trai 3 tuổi trong một căn phòng chỉ vỏn vẹn 9m2 trên tầng 3 của căn hộ 5 tầng, cùng 13 người khác. Căn phòng này không có đầy đủ nhưng trang thiết bị cần thiết, 2 mẹ con chỉ nằm trên một chiếc đệm. Dẫu vậy, khoản tiền thuê lên tới 6.000 HKD/tháng, trong khi khoản trợ cấp hàng tháng là 11.000 HKD. Hơn nữa, căn phòng đã bí bách, giờ đây thường xuyên phải đóng kín cửa để tránh hơi cay từ những cuộc biểu tình.

Cuộc sống của người nghèo Hồng Kông: Không thu nhập, mất đi cơ hội việc làm vì biểu tình liên miên, lạc lõng trong một thành phố tráng lệ và phồn hoa - Ảnh 2.

Li trong căn phòng chật chội, chỉ có thể kê 1 tấm đệm.

Các chuyên gia và nhà lập pháp cho rằng chính phủ nên đưa ra nhiều động thái hơn nữa, đồng thời cảnh báo rằng tình trạng nghèo đói ngày càng tồi tệ có thể gây mất ổn định xã hội. Fernando Cheung Chiu-hung - nhà lập pháp của đảng Lao động, cho biết tình trạng nghèo đói ở đây ngày càng tồi tệ, có thể khiến sự bất ổn chính trị hiện tại trở nên trầm trọng hơn.

Theo thống kê, chính phủ và các tổ chức phi chính phủ đã hỗ trợ người nghèo bằng các khoản trợ cấp và dịch vụ bằng tiền mặt trong những năm qua, giúp giảm tỷ lệ nghèo nói chung 5,5 điểm phần trăm. Trong đó, CSSA vẫn là biện pháp hiệu quả nhất, đã giúp hơn 221.000 trong số 312.000 trường hợp tính đến hết tháng 9/2019. 

Tham khảo SCMP


Giang Ng

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên