MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc sống ngột ngạt ở thành phố vượt mặt Bắc Kinh trở thành nơi ô nhiễm nhất thế giới

29-12-2016 - 15:04 PM | Tài chính quốc tế

Vượt mặt Bắc Kinh, Trung Quốc, thủ đô Ulaanbaatar của Mông Cổ đã trở thành đô thị ô nhiễm nhất thế giới với bầu không khí ngột ngạt đến khó thở.

Tuần trước, ô nhiễm không khí ở thủ đô Ulaanbaatar của Mông Cổ đạt mức kỷ lục, gấp gần 80 lần mức an toàn của WHO và ô nhiễm gấp 5 lần Bắc Kinh, Trung Quốc. Toàn bộ thành phố bị khói mù bao phủ, khiến ánh nắng hiếm hoi của mùa đông không có cơ hội soi rọi mặt đất hay những mái lều lụp sụp.

Bầu không khí ngột ngạt tới khó thở

Nói về chất lượng không khí ở Ulaanbaatar, hãy tưởng tượng bạn đang ở trong một căn phòng nhỏ với ngọn lửa trại lớn đang cháy mà không có hệ thống thông gió. Người Mông Cổ phải chịu thảm cảnh này trong suốt thời gian 8 tháng mùa đông trước khi tình hình được cải thiện đôi chút vào 4 tháng mùa hè.

Nhiều năm qua, Ulaanbaatar bị Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) liệt vào danh sách những thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Nó là hậu quả của việc sử dụng than trong các nhà máy nhiệt điện cũng như thói quen dùng than để sưởi ấm của người dân. Ulaanbaatar là thủ đô có nhiệt độ thấp nhất trên thế giới.


Ô nhiễm khiến cả thủ đô Ulaanbaatar chìm trong khói mù.

Ô nhiễm khiến cả thủ đô Ulaanbaatar chìm trong khói mù.

Thủ đô Mông Cổ có khoảng 1,3 triệu dân nhưng 60% trong số đó sống tại các quận ngoại thành, nơi hoàn toàn chỉ có những ngôi nhà lều truyền thống hoặc những công trình bằng gỗ chất lượng kém. Chúng không có hệ thống cấp điện, nước và sưởi ấm nên phần lớn người dân phải dùng than để chống chọi với cái lạnh.

Khi cuộc sống du mục bị tác động, người dân đổ dồn về thủ đô Ulaanbaatar và hình thành nên những khu vực sống tương tự theo cấp số nhân. Cùng với sự phát triển của đất nước, tốc độ đô thị hóa ở Ulaanbaatar cũng lớn mạnh không ngừng trong khi chính phủ chưa thực sự tìm ra giải pháp cho những vấn đề của đô thị lớn.

Dân số đông khiến những con đường ở thủ đô Ulaanbaatar liên tiếp ùn tắc. Sự góp mặt của những chiếc xe hơi cũ càng làm bầu không khí trở nên ngột ngạt. Theo một số liệu không chính thức, có tới 300.000 xe hơi, chủ yếu là phương tiện cũ, đăng ký tại Ulaanbaatar. Tuy nhiên, xe hơi ở đây có thể đi chậm hơn cả người đi bộ vì tình trạng ách tắc, khiến việc di chuyển 3 km ở trung tâm thủ đô kéo dài tới 1 giờ. Rõ ràng, cơ sở hạ tầng của Ulaanbaatar không theo kịp tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Khí hậu khắc nghiệt nhưng Mông Cổ được thiên nhiên ban tặng nguồn tài nguyên dồi dào, tiền đề cho sự bùng nổ các hoạt động khai thác mỏ. Ngày càng có nhiều gia đình đi tìm cơ hội đổi đời từ khoáng sản thay vì tiếp nối cuộc sống du mục đã tồn tại suốt hàng nghìn năm. Tác động của biến đổi khí hậu khiến cuộc sống du mục ở Mông Cổ vô cùng khó khăn.

Những tín hiệu đáng mừng

Vào mùa hè, không khí ở Ulaanbaatar có chút khá hơn nhưng vẫn khiến người ta ngạt thở. Khi phải ra đường, phương án phòng ngừa tốt nhất là đeo khẩu trang, ngay cả khi lái xe. Một nhà phân phối địa phương đã nhập từ Singapore về loại mặt nạ “Totobobo” cho mùa đông tận thế, giúp lọc không khí và ngăn những hạt bụi mà mắt thường khó nhìn thấy lọt vào phổi. Tuy nhiên, chi phí cho loại thiết bị này quá đắt, lên tới 40 USD, khiến chúng không được phổ dụng.


Tầm nhìn bị hạn chế vì không khí ô nhiễm.

Tầm nhìn bị hạn chế vì không khí ô nhiễm.

Ở Mông Cổ, phần lớn người dân sử dụng loại mặt nạ vải. Dẫu vậy, việc sử dụng các dụng cụ bảo hộ cho thấy thái độ của người dân Ulaanbaatar về môi trường đang có dấu hiệu thay đổi. Việc chăm lo cho sức khỏe cá nhân kéo theo cơ hội mới cho môi trường Ulaanbaatar thay vì hy sinh tất cả cho phát triển kinh tế như hiện nay.

Chính phủ Mông Cổ cũng đang nghiêm túc tìm phương án giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí ở Ulaanbaatar. Một trong những động thái đáng chú ý nhất là kế hoạch hợp tác với Ngân hàng Thế giới trong “Dự án làm sạch bầu không khí Ulaanbaatar”, dự kiến kết thúc vào năm 2017 sau 5 năm triểu khai. Mục tiêu của dự án là thay thế các thiết bị sưởi truyền thống bằng loại tiên tiến hơn, ít gây tác động tới môi trường. Bên cạnh đó, hệ thống kiểm tra chất lượng không khí cũng được triển khai ở Ulaanbaatar.

Dự án làm sạch không khí ở Ulaanbaatar có trị giá 21,9 triệu USD, với 50% kinh phí của Ngân hàng Thế giới. Nhiều tổ chức quốc tế khác cũng đã và đang tham gia vào nỗ lực cải thiện môi trường ở thủ đô Mông Cổ, bước đi hiệu quả nhất để bảo vệ con người lâu dài. Ô nhiễm không khí gây ra đau mắt, viêm mũi họng hay thậm chí là các bệnh về phổi và tim mạch, đe dọa tính mạng con người.

Với 68% dân số trẻ với dưới độ tuổi 35, lực lượng lớn lao động của Mông Cổ đang phải sống trong cảnh ô nhiễm. Tình trạng suy giảm sức khỏe ở đội ngũ này không chỉ tạo gánh nặng nên các chi phí y tế mà còn có thể kéo lùi cả sự phát triển của nền kinh tế, điều chính phủ Mông Cổ đang nỗ lực thúc đẩy. Nếu tiếp tục chạy theo phát triển kinh tế mà lơ là các vấn đề khác, Mông Cổ có thể phải trả một cái giá rất đắt thay vì trở thành cường quốc nhờ tài nguyên thiên nhiên như Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Linh Anh

Huffington Post

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên