MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cước vận tải biển khó hạ nhiệt vì xung đột Nga – Ukraine

Thay vì "hạ nhiệt" so với năm 2021, cước vận tải biển khả năng vẫn tiếp tục leo thang theo căng thẳng Nga - Ukraine.

Thay vì "hạ nhiệt" so với năm 2021, cước vận tải biển khả năng vẫn tiếp tục leo thang theo căng thẳng Nga - Ukraine.

Đầu năm 2022, tắc nghẽn tại các cảng hạ nhiệt, vỏ container dồi dào hơn khiến dự báo cước vận tải biển có thể hạ nhiệt. Tuy nhiên, xung đột Nga – Ukraine khiến cho triển vọng này trở nên mờ nhạt.

Nhiều hãng tàu lớn trên thế giới hiện đã từ chối các booking đến/đi từ Nga, nhưng ảnh hưởng lên chuỗi cung ứng toàn cầu chắc chắn sẽ không giới hạn trong phạm vi lãnh thổ của Nga và Ukraine.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) thủy sản Việt Nam đã xuất đi 160 quốc gia và phần lớn xuất qua đường biển. Hàng xuất khẩu đi Trung Quốc thường được các doanh nghiệp chọn xuất phát từ cảng TP.HCM và Hải Phòng.

Tuy nhiên, vấn đề "đau đầu" hiện nay là số lượng tàu, container lạnh tại 2 khu vực này thường xuyên không đáp ứng được nhu cầu, thậm chí có doanh nghiệp trễ hạn xuất khẩu cho đối tác.

Đặc biệt, ông Trương Đình Hòe chỉ ra nỗi lo lớn nhất của ngành thủy sản hiện nay là cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine khiến giá xăng dầu trên thế giới và tại Việt Nam đang tăng lên cao.

“Điều này không chỉ ảnh hưởng lớn tới hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân, mà còn làm tăng đáng kể chi phí, giá thành sản xuất của các doanh nghiệp chế biến thủy sản. Hiện, các cước phí vận chuyển thuỷ sản xuất khẩu đi châu Âu, Mỹ… đã rục rịch tăng”, Tổng thư ký VASEP nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, cũng nhận định, các chi phí về vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu sẽ chịu ảnh hưởng từ việc các chuỗi cung ứng đứt gãy chưa được nối lại hoàn toàn, khiến chi phí sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vẫn ở mức cao. Hiện tượng thiếu container rỗng có thể còn tiếp tục, gây tác động không nhỏ đến giá thành hàng hóa, giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt ở thị trường nội địa cũng như thị trường xuất khẩu.

Trên thực tế, như DĐDN đã đưa tin, các hãng hàng không và hãng tàu đã lần lượt thông báo ngừng các chuyến tàu đến và đi tới Nga, trừ các chuyến hàng nhân đạo.

Theo đó, ngay trong ngày đầu tiên của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine Hapag-Lloyd - hãng tàu lớn nhất của Đức thông báo tạm dừng vận chuyển hàng đến và đi Nga, sau đó, liên minh hãng tàu ONE cũng ra thông báo tương tự.

Tiếp đó, hãng tàu Maerk hôm qua cho biết sẽ tạm dừng các booking mới đến và đi từ Nga nhưng sẽ phụ thuộc vào việc sắp xếp kế hoạch cho các lô hàng đã được đặt trước mà không vi phạm lệnh trừng phạt của EU đối với Nga. “Chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng sẽ có ba trường hợp ngoại lệ - thực phẩm, vật tư y tế và nhân đạo vẫn được vận chuyển”, Người phát ngôn của Maerk cho biết thêm.

Hãng vận tải lớn nhất thế giới về năng lực - MSC thì khẳng định duy trì dịch vụ có sự chọn lọc, đồng thời đòi hỏi khách hàng phải thanh toán cước trước cho mọi chuyến hàng vào Nga.

Ngoài ra, các công ty logistics cũng đã ngừng nhận đặt hàng đến Nga, bao gồm Seko Logistics, các công ty giao nhận như UPS và FedEx cũng đã ngừng giao hàng đến Nga trong khi DHL vẫn đang “theo dõi tình hình”.

Trao đổi với DĐDN, chuyên gia cảng biển Vũ Đặng Dương nhận định, xung đột Nga – Ukraine sẽ khiến cho hoạt động của chuỗi cung ứng thêm căng thẳng, chuỗi cung ứng toàn cầu chắc chắn sẽ không giới hạn trong phạm vi lãnh thổ của Nga và Ukraine.

Đặc biệt, tình hình căng thẳng hơn tại châu Âu. Việc các con tàu chở hàng hóa liên quan đến Nga phải điều chỉnh kế hoạch khai thác, đồng thời phải chịu sự kiểm tra khắt khe hơn tại các cảng xếp dỡ hàng sẽ làm tăng khả năng tắc nghẽn tại các đầu mối xuất nhập khẩu. Các container lưu lâu ngày tại cảng cũng sẽ góp phần vào tình trạng này.

Trong khi đó, trong giai đoạn chuỗi cung ứng căng thẳng và cước vận tải biển ở mức cao, nhiều doanh nghiệp đã chuyển nhiều lô hàng xuất khẩu tuyến Á – Âu sang phương thức vận chuyển đường sắt, hiện nay nhiều doanh nghiệp, như nhà sản xuất thiết bị mạng Zyxel Communications Corp… đã phải tạm ngưng sử dụng dịch vụ này do tuyến đường vận chuyển đi qua lãnh thổ Nga.

Cước vận tải biển khó hạ nhiệt vì xung đột Nga – Ukraine - Ảnh 1.

Giá cước vận tải biển của Việt Nam cũng chịu tác động chung từ việc tăng giá của thế giới.


Nếu chuyển sang phương án xuất khẩu bằng đường biển, các lô hàng này sẽ tạo áp lực khiến cước vận tải biển tăng, còn nếu tạm ngưng xuất khẩu, doanh nghiệp sẽ chịu thêm chi phí lưu kho cho lô hàng.

“Cước vận tải biển sẽ khó có thể hạ nhiệt trong thời gian tới, thậm chí nếu tình hình không được cải thiện hoặc chiến sự diễn biến phức tạp hơn, cước có thể sẽ lại tăng”, chuyên gia Vũ Đặng Dương nhấn mạnh.

Theo đó, việc phải điều chỉnh lại các tuyến dịch vụ và xử lý các lô hàng liên quan đến Nga và Ukraine sẽ khiến các hãng tăng chi phí hoạt động ít nhất là đến khi xung đột được giải quyết.

Bên cạnh đó, các container chứa hàng xuất nhập khẩu của Nga sẽ phải nằm lại ở các cảng một thời gian và không được rút hàng sẽ giảm lượng vỏ container trên thị trường, góp phần làm cho tình trạng thiếu vỏ container tại một số quốc gia mạnh về xuất khẩu chậm được khắc phục. Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng từ tình trạng này, dù không ở mức độ nghiêm trọng.

Đáng lưu ý, thông thường, các hãng tàu container sẽ thu phụ phí nhiên liệu (BAF) để bù đắp chi phí phát sinh do giá nhiên liệu biến động trong hành trình vận chuyển hàng hóa. Trước diễn biến giá nhiên liệu tăng, chuyên gia hàng hải Lars Jensen nhận định “Phụ phí BAF sẽ tăng đáng kể trong thời gian tới”.

Phụ phí này được thu từ các chủ hàng, và khi mà chúng ta có lẽ sẽ không quá ngạc nhiên với việc lạm phát trong thời gian tới sẽ tăng cao, thì một thành phần đẩy lạm phát tăng chính là các phụ phí trong ngành vận tải biển.

Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cũng đưa ra nhận định, tất cả các cảng của Ukraine ở Biển Đen đều phải đóng cửa trong khi các cảng của Nga vẫn hoạt động. Nếu tình hình tiếp tục diễn biến xấu có thể sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng. Mặt khác, chi phí nhiên liệu tăng và giá cả tăng do lạm phát có thể sẽ ảnh hưởng xấu đến sức mua.

Theo Thy Hằng

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên