Cuối năm 2021 sẽ có hơn nửa tỷ thuê bao 5G, với Việt Nam thuộc khu vực có tốc độ tăng lưu lượng nhanh nhất
Theo báo cáo di động Ericsson lần thứ 20 (Ericsson Mobility Report), sắp tới, 5G sẽ trở thành thế hệ công nghệ di được phổ cập nhanh nhất mọi thời đại. Dự kiến, vào cuối năm 2021,số thuê bao di động 5G sẽ vượt 580 triệu, với trung bình mỗi ngày tăng một triệu thuê bao di động 5G mới. Đến cuối năm 2026, sẽ có khoảng 3,5 tỷ thuê bao và sẽ có 60% dân số dùng 5G.
- 18-06-2021Phó Viện trưởng CIEM: Không thể để doanh nghiệp xin ưu đãi thuế xong phải lo đã xin đúng chưa!
- 18-06-2021Vì sao Bộ Công thương 'lỡ hẹn' trình Quy hoạch điện 8?
- 18-06-2021Sắp tới, chu kỳ kiểm định xe kinh doanh vận tải sẽ tăng lên 2 năm
Song, tốc độ phổ cập tại các khu vực không giống nhau. Cụ thể, châu Âu có khởi đầu chậm và tiếp tục tụt hậu hơn so với các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) về tốc độ triển khai 5G.
Theo dự kiến, thời gian để 5G chạm mốc một tỷ thuê bao sớm hơn 2 năm so với mức của 4G. Nguyên nhân chính là nhờ cam kết sớm của Trung Quốc đối với 5G, dẫn đến các thiết bị 5G thương mại được đưa ra thị trường sớm hơn, có chi phí hợp lý hơn. Hiện đã có hơn 300 mẫu smartphone 5G được công bố hoặc ra mắt trên thị trường.
Đông Nam Á là một trong những khu vực có tốc độ tăng lưu lượng dữ liệu tiêu dùng trên smartphone nhanh nhất
Dự kiến xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong những năm tới, khi kết nối đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi kinh tế hậu đại dịch Covid-19. Đến năm 2026, khu vực Đông Bắc Á dự kiến sẽ có 1,4 tỷ thuê bao 5G, trở thành khu vực có số lượng thuê bao 5G lớn nhất thế giới.
Trong khi đó, các thị trường Bắc Mỹ và Hội đồng hợp tác vùng vịnh GCC sẽ là những khu vực có mật độ thuê bao 5G cao nhất, với tỷ lệ thuê bao 5G của các khu vực tương ứng là 84% và 73%.
Đáng chú ý, số thuê bao di động tại khu vực Đông Nam Á và châu Úc hiện đã lớn hơn 1,1 tỷ, nhưng 5G đạt chưa đến 2 triệu thuê bao. Dự kiến, số lượng thuê bao 5G sẽ tăng mạnh trong vài năm tới với tổng số đạt khoảng 400 triệu thuê bao vào năm 2026.
Đến năm 2026, Đông Nam Á và châu Úc sẽ là những khu vực trên thế giới có tốc độ tăng lưu lượng dữ liệu tiêu dùng trên smartphone nhanh nhất - đạt 39 GB/tháng, với tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm CAGR đạt 36%. Tổng lưu lượng dữ liệu di động sẽ tăng trưởng một cách tương ứng, với tốc độ CAGR là 42%, đạt 39 EB/tháng.
Tổng Giám đốc Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào, ông Denis Brunetti nhận định: "5G chắc chắn sẽ là nền tảng tạo điều kiện để Chính phủ Việt Nam thực hiện tầm nhìn về việc phát huy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, từ đó phát triển kinh tế xã hội bền vững ở Việt Nam".
Smartphone tiêu thụ dữ liệu di động nhiều hơn bao giờ hết
Lưu lượng dữ liệu liên tục tăng qua từng năm. Vào cuối năm 2020, lưu lượng dữ liệu di động toàn cầu (không bao gồm lưu lượng được tạo ra bởi truy cập vô tuyến cố định (FWA)) đã vượt quá 49 EB mỗi tháng và dự kiến sẽ tăng thêm gần 5 lần để đạt 237 EB mỗi tháng vào năm 2026.
Smartphone, hiện chiếm tới 95% lưu lượng truy cập này, cũng đang tiêu thụ nhiều dữ liệu hơn bao giờ hết. Trên toàn cầu, mức sử dụng dữ liệu trung bình trên mỗi smartphone hiện đã vượt quá 10GB/tháng và được dự báo sẽ đạt 35 GB/tháng vào cuối năm 2026.
Đại dịch Covid-19 đang đẩy nhanh quá trình số hóa, cũng như nâng cao tầm quan trọng và nhu cầu về kết nối băng thông rộng di động tốc độ cao. Theo báo cáo mới nhất, gần như 9 trong 10 nhà cung cấp dịch vụ truyền thông (CSP) đã ra mắt dịch vụ 5G cũng đồng thời cung cấp dịch vụ truy cập vô tuyến cố định (FWA) (sử dụng công nghệ 4G và/hoặc 5G), ngay cả ở các thị trường có mật độ triển khai cáp quang cao.
Theo dự báo, trong năm 2021, các kết nối Cat-M và NB-IoT dùng công nghệ Massive IoT sẽ tăng gần 80%, đạt gần 330 triệu kết nối. Đến năm 2026, những công nghệ này sẽ chiếm 46% tổng số kết nối IoT di động.