MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó Viện trưởng CIEM: Không thể để doanh nghiệp xin ưu đãi thuế xong phải lo đã xin đúng chưa!

Phó Viện trưởng CIEM: Không thể để doanh nghiệp xin ưu đãi thuế xong phải lo đã xin đúng chưa!

Tại tọa đàm "Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất" diễn ra ngày 17/6, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh, doanh nghiệp cần ý thức việc tạm lùi thời gian nộp thuế không phải là miễn, giảm nên có thể cộng dồn áp lực thuế vào cuối năm.

Rủi ro về về dòng tiền cho một số doanh nghiệp khi xin gia hạn nộp thuế

Ông Hiếu lý giải, sau gần 2 tháng Nghị định 52 có hiệu lực, chính sách của Chính phủ, cơ quan thuế đã góp phần lớn vào việc hỗ trợ khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Bên cạnh đó, những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách trước đó tại Nghị định 41 cũng đã được sửa đổi, tháo gỡ ở Nghị định 52, bao gồm mở rộng đối tượng thụ hưởng và thời gian gia hạn, thủ tục gia hạn đơn giản hơn. Song, vẫn còn những băn khoăn trong cộng đồng doanh nghiệp với những chính sách của Nghị định 52, đặc biệt liên quan vấn đề thanh tra, truy thu sau khi doanh nghiệp đã xin gia hạn.

Phó Viện trưởng CIEM: Không thể để doanh nghiệp xin ưu đãi thuế xong phải lo đã xin đúng chưa! - Ảnh 1.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phó Viện trưởng CIEM nêu rõ: "Doanh nghiệp phải ý thức rõ đây chỉ là tạm lùi thời gian nộp thuế, không phải miễn giảm nên việc xin gia hạn sẽ cộng dồn các nghĩa vụ thuế vào cuối năm. Điều này có thể là khó khăn về dòng tiền cho một số doanh nghiệp".

Theo ông Hiếu, nhằm tránh những rủi ro có thể gặp phải khi xin gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất, doanh nghiệp cần có chiến lược rõ ràng trong hoạt động kinh doanh để cân đối với số tiền phải nộp cộng dồn vào cuối năm.

Hơn nữa, các doanh nghiệp vẫn kỳ vọng vào một gói chính sách chung đồng bộ hơn để mở rộng nhiều đối tượng thụ hưởng hơn. Trong đó bao gồm cả những doanh nghiệp không phát sinh thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất đã đóng một lần hoặc hàng năm...

Đáng chú ý, ông Hiếu cho hay, Tổng cục Thuế cần làm rõ thêm về những rủi ro pháp lý với doanh nghiệp khi thực hiện đề nghị gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đấy, trong đó có vấn đề thanh tra, truy thu thuế sau khi xin gia hạn.

"Doanh nghiệp xin ưu đãi xong về phải yên tâm sản xuất kinh doanh, chứ không nên để doanh nghiệp xin xong về lại phải lo lắng xem đã xin đúng chưa, mình có đúng là thuộc diện được ưu đãi thuế không, sau này có bị truy thu, phạt chậm nộp không...", Phó Viện trưởng CIEM phát biểu.

Phó Viện trưởng CIEM: Không thể để doanh nghiệp xin ưu đãi thuế xong phải lo đã xin đúng chưa! - Ảnh 2.

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký VINASME. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Vì sao doanh nghiệp cần có chiến lược phù hợp khi xin hoãn, giãn thuế?

Cũng tại buổi tọa đàm, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, ông Tô Hoài Nam cho biết, những chính sách ưu đãi về thuế luôn được cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng. Do vậy, chính sách hỗ trợ thuế là một hướng đi đúng của cơ quan quản lý.

Ông Nam cho rằng, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã có thông báo khuyến cáo doanh nghiệp xin hoãn, giãn thuế chỉ mang tính thời điểm. Vì vậy, doanh nghiệp cần có chiến lược phù hợp khi đề nghị áp dụng chính sách này. Từ năm 2020, Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cần có những chính sách riêng biệt cho khu vực doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh với có những đặc điểm khác so với khu vực doanh nghiệp nói chung. Do đó, ông Tô Hoài Nam khẳng định các chính sách thuế nói chung vẫn cần đảm bảo tính trung lập, bình đẳng giữa các doanh nghiệp và cần có tính hiệu quả cao, để tiếp cận được tối đa đối tượng thụ hưởng.

Phó Viện trưởng CIEM: Không thể để doanh nghiệp xin ưu đãi thuế xong phải lo đã xin đúng chưa! - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo Vụ trưởng Vụ tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Nghị định 52 đã có nhiều thay đổi, trong đó quy định cụ thể về thời gian gia hạn, đối tượng và thủ tục để gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho cá nhân, doanh nghiệp. Nghị định chấp nhận gia hạn 5 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng từ tháng 3 đến tháng 6 và quý 1, quý 2 năm nay; gia hạn 4 tháng với số thuế giá trị gia tăng tháng 7, gia hạn 3 tháng với số thuế giá trị gia tăng tháng 8.

Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, Nghị định chấp nhận gia hạn 3 tháng với số tạm nộp quý 1, 2 của kỳ tính thuế năm 2021; hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân chậm nhất ngày 31/12; và gia hạn 6 tháng tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu năm 2021.

Về đối tượng thụ hưởng, Nghị định cũng chỉ rõ cá nhân, doanh nghiệp thuộc 44 ngành, nghề theo ngành nghề kinh tế quốc dân thuộc nhóm được gia hạn. Thêm vào đó, với nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, Nghị định sẽ không tính đến hoạt động trong ngành nghề nào mà chỉ cần đáp ứng đủ tiêu chí về số lượng lao động, doanh thu năm 2020, tổng vốn kinh doanh… là được hỗ trợ.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà kết luận, nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng làm thủ tục gia hạn, Nghị định 52 chỉ yêu cầu người nộp thuế thuộc đối tượng gia hạn gửi giấy đề nghị gia hạn một lần cho toàn bộ kỳ của các sắc thuế được gia hạn cùng với thời điểm nộp hồ sơ khai thuế.

Hà Trần

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên